1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Thể thao Việt Nam thất thế với Đông Nam Á tại Olympic vì thiếu môn thế mạnh

Kim Điền

(Dân trí) - Thái Lan và Philippines đã có HCV tại Olympic Tokyo 2020, Malaysia và Indonesia vẫn còn hy vọng giành huy chương, trong khi các VĐV Việt Nam đối diện với khả năng trắng tay.

Người giành HCV cho đoàn thể thao Thái Lan tại Olympic Tokyo 2020, tính cho đến thời điểm này là võ sĩ Taekwondo Pinapak Wongpattanakit (hạng 49kg nữ). Còn người giành HCV cho Philippines là Hidilyn Diaz, trong môn cử tạ 55kg nữ.

Trong khi đó, các VĐV của Việt Nam hầu hết thất bại ở các nội dung mà họ dự tranh, đáng tiếc nhất là trường hợp của Thạch Kim Tuấn ở hạng cân 61kg nam và Hoàng Thị Duyên ở hạng cân 59kg nữ, đều trong môn cử tạ.

Thể thao Việt Nam thất thế với Đông Nam Á tại Olympic vì thiếu môn thế mạnh - 1

Hoàng Thị Duyên dù rất cố gắng nhưng không thể mang về huy chương cho Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020.

Mặc dù vậy, những niềm hy vọng huy chương của thể thao Việt Nam tại Thế vận hội, như Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên chỉ dừng ở mức tranh chấp, chứ không thuộc dạng nắm chắc huy chương, thậm chí khả năng cao là HCV như Panipak Wongpattanakit của Thái Lan, hay Hidilyn Diaz của Philippines.

Trong quá khứ, các VĐV Việt Nam nói chung cũng giành ít huy chương hơn các VĐV thuộc một số quốc gia tại Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan từng giành tổng cộng 10 HCV Olympic (tính luôn HCV của Panipak tại Olympic Tokyo 2020), còn Indonesia từng có 7 HCV Thế vận hội, trong khi con số HCV của thể thao Việt Nam ở các kỳ Olympic mới chỉ là một HCV (Hoàng Xuân Vinh trong môn bắn súng ở Olympic Rio 2016).

Đáng chú ý, Thái Lan đặc biệt mạnh môn boxing (các hạng cân nhẹ) và cử tạ, khi họ từng giành đến 5 HCV boxing và 4 HCV cử tạ trong quá khứ. 

Còn Indonesia là cường quốc hàng đầu thế giới trong môn cầu lông. Cả 7 HCV Thế vận hội mà xứ vạn đảo từng giành được qua các kỳ Olympic đều ở môn này.

Thể thao Việt Nam thất thế với Đông Nam Á tại Olympic vì thiếu môn thế mạnh - 2

Thái Lan tạm thành công với HCV trong môn Taekwondo của Panipak.

Cầu lông cũng là thế mạnh của Malaysia, có khả năng tranh chấp huy chương, thậm chí HCV, trong khi Philippines cũng cực mạnh ở môn boxing.

Thậm chí, nếu các võ sĩ boxing của Philippines không sớm thi đấu chuyên nghiệp (điển hình là trường hợp của Manny Pacquiao) mà vẫn ở dạng nghiệp dư để được dự Olympic, số HCV của Philippines trong môn này có thể còn nhiều hơn Thái Lan. 

Thời gian gần đây, Thái Lan còn có thêm nhóm VĐV thuộc top đầu thế giới trong môn golf của nữ (Patty Tavatanakit), hay môn Taekwondo (ở nội dung mà Panipak vừa giành HCV), hoặc Singapore có các VĐV bơi (Joseph Schooling) và bóng bàn (Feng Tianwei, Lin Ye và Yu Mengyu rất mạnh ở nội dung đồng đội nữ).

Những người này dự Olympic với mục tiêu tranh chấp huy chương, còn phần đông các VĐV Việt Nam mới dừng lại ở mức "vượt qua chính mình" tại các kỳ Thế vận hội.

Đấy cũng là lý do mà Thể thao Việt Nam thường thất thế so với một số quốc gia ở Đông Nam Á tại các cuộc tranh tài ở Olympic, do chúng ta thiếu các môn mũi nhọn, có khả năng cầm chắc huy chương trong tay, như Thái Lan, Indonesia, Philippines hay giờ đây là Singapore đang có!  

Dòng sự kiện: Olympic Tokyo