1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Phó Tổng cục trưởng, phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn

"Thể thao Việt Nam quyết thắng đại dịch, chinh phục đỉnh cao"

An An

(Dân trí) - Sau một năm gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, thể thao Việt Nam hướng tới năm 2022 với những mục tiêu được định hướng rõ ràng, từ đó tự tin chinh phục những đỉnh cao ở đấu trường châu lục.

Thành tích lịch sử của đội tuyển Việt Nam

PV: Lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển Việt Nam vào tới vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Ông đánh giá thế nào về thành tích mà thầy trò HLV Park Hang Seo đạt được ở sân chơi tầm châu lục?

Ông Trần Đức Phấn: Đó là thành tích mà chúng ta phải có sự ghi nhận và khen ngợi. Từ khi có HLV Park Hang Seo, bóng đá Việt Nam gặt hái nhiều thành công, trong đó có tấm vé dự vòng loại thứ ba World Cup, điều mà đội tuyển Việt Nam chưa từng làm được trong quá khứ.

Thể thao Việt Nam quyết thắng đại dịch, chinh phục đỉnh cao - 1

Phó Tổng cục trưởng, phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn (Ảnh: Bùi Lượng).

Tôi cho rằng việc có mặt ở sân chơi vòng loại thứ 3 World Cup không chỉ giúp bóng đá Việt Nam có cơ hội được học hỏi, cọ xát với các đối thủ mạnh, mà qua đây chúng ta cũng khẳng định được vị thế của mình, cho thấy hướng của bóng đá Việt Nam rất đúng đắn.

Tuy nhiên đội tuyển Việt Nam thua 7 trận liên tiếp ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và mới chỉ đánh bại được Trung Quốc ở lượt trận thứ 8. Điều này phải chăng là chúng ta vẫn còn khoảng cách xa với các đối thủ hàng đầu châu lục?

Tôi nghĩ rằng việc đội tuyển Việt Nam vào tới vòng loại thứ 3 World Cup thì không đặt nặng mục tiêu về mặt thành tích. Ngay từ đầu Tổng cục TDTT, VFF đã có quan điểm rằng đội tuyển Việt Nam chỉ cần chơi hết khả năng, thể hiện được tinh thần Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Đội tuyển Việt Nam thua nhưng chúng ta cũng có những trận đấu rất đáng khen ngợi trước Australia, Nhật Bản, Saudi Arabia… Có những trận đấu chúng ta chỉ thua 0-1, cho thấy khoảng cách trình độ với các đối thủ hàng đầu châu lục đã dần được thu hẹp.

Việc các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phải dừng vì dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều tới chất lượng đội tuyển quốc gia cũng như kế hoạch phát triển bóng đá Việt Nam, thưa ông?

VFF, VPF và các CLB đã có nhiều cuộc họp về vấn đề này trước khi đưa ra quyết định dừng V-League, hạng Nhất, cúp Quốc gia… Tôi cho rằng đó là điều bất khả kháng. Dĩ nhiên việc các giải đấu dừng cũng ảnh hưởng tới nhiều vấn đề, các cầu thủ không được thường xuyên thi đấu, trong khi đơn vị tổ chức giải chịu nhiều tác động liên quan tới vấn đề tài chính.

Hy vọng là năm 2022 dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát. Mới đây, công ty VPF cũng đưa ra quyết tâm tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong điều kiện tình hình mới.

Thể thao Việt Nam quyết thắng đại dịch, chinh phục đỉnh cao - 2

Bóng đá Việt Nam được chờ đợi sẽ có thêm thành công (Ảnh: Bùi Lượng).

Ngoài đội tuyển quốc gia, bóng đá nữ, các giải trẻ… sẽ được quan tâm như nào trong năm 2022, thưa ông?

Trong điều kiện dịch Covid-19, giải bóng đá nữ VĐQG vẫn được tổ chức và về đích thành công. Đội tuyển nữ Việt Nam được tập trung ngay sau đó và đang thi đấu tốt ở Asian Cup 2022, với quyết tâm giành vé dự World Cup.

Các giải trẻ sau khi phải tạm hoãn vì dịch Covid-19 tiếp tục được tổ chức. Đây là sân chơi cho các cầu thủ trẻ được rèn luyện, tìm kiếm cơ hội thi đấu chuyên nghiệp.

Bài học từ Olympic Tokyo

Trong năm 2021, thể thao Việt Nam dự Olympic Tokyo mà không giành được huy chương, cùng với đó là thành tích không tốt của một số VĐV chủ lực. Ông muốn nói gì về kết quả này?

Đây đúng là một kỳ Olympic đặc biệt nhất trong lịch sử cho tới thời điểm này. Những khó khăn vì đại dịch đã dẫn đến tác động tiêu cực cho cả BTC lẫn các quốc gia tham dự. 

Có thể thấy, lần tham dự Olympic này chúng ta chưa đạt được thành tích như mong muốn, kể cả mục tiêu có khả năng tranh chấp huy chương nội dung cử tạ nữ. 

Những kết quả thi đấu chưa thành công, dù không muốn nói là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng không thể phủ nhận suốt gần 2 năm qua, kế hoạch tập huấn, thi đấu của các đội bị đảo lộn, điều chỉnh liên tục cho phù hợp với thực tế dịch bệnh trong điều kiện mới.

Các VĐV không được đi tập huấn, đặc biệt không được tham gia thi đấu quốc tế. Mặc dù thời gian không dài, nhưng đây là một trong những yếu tố mang tính quyết định làm giảm sút về chuyên môn. 

Thể thao Việt Nam quyết thắng đại dịch, chinh phục đỉnh cao - 3

Bóng đá Việt Nam được chờ đợi sẽ thành công hơn sau một năm 2021 nhiều khó khăn vì đại dịch.

Thể thao Việt Nam sẽ có những điều chỉnh gì khi nhìn từ thất bại ở Olympic Tokyo?

Phải khẳng định rằng Olympic là đấu trường rất khó khăn với thể thao Việt Nam. Không phải các môn, các VĐV của chúng ta đến Olympic để tranh chấp huy chương, mà chỉ có số lượng rất nhỏ môn, nội dung và VĐV có khả năng tranh chấp. 

Tôi cho rằng khoảng cách của thể thao Việt Nam với đấu trường Olympic vẫn còn xa. Biết mình đang đứng ở đâu, chúng ta sẽ có sự đầu tư quyết liệt và đúng hướng hơn với các môn thuộc Asiad hay Olympic.

Tập trung cho SEA Games và Asiad 2022

SEA Games 31 lùi sang tháng 5/2022 vì dịch Covid-19, xin ông cho biết đến thời điểm này công tác chuẩn bị của chủ nhà Việt Nam diễn ra thế nào?

Do tác động của dịch Covid-19 nên công tác vận động tài trợ không phải dễ dàng. Có được sự đồng hành của nhà tài trợ cho Đại hội là một nguồn động viên lớn, nhằm giảm tải kinh phí của nhà nước.

Theo đề án tổ chức SEA Games 31, mục tiêu được đề ra sẽ thu được 285 tỷ đồng từ đại hội. Trong đó công tác tài trợ được giao chỉ tiêu sẽ thu được khoảng 70 tỷ đồng. 

Ban tổ chức đặt ra mục tiêu, chậm nhất đến tháng 4/2022, mọi công tác chuẩn bị cho SEA Games 31, nhất là hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng với tâm điểm là các địa điểm thi đấu sẽ phải hoàn tất, đưa vào vận hành thử, sẵn sàng phục vụ đại hội.

Lâu nay, SEA Games vẫn được ví như "ao làng", nơi để các quốc gia chủ nhà đã đưa các môn thể thao thế mạnh để giành huy chương. Điều này có xảy ra ở kỳ SEA Games 31 tại Việt Nam?

SEA Games 31 sẽ tổ chức 40 môn, và đủ hết các nội dung thi đấu, đặc biệt không bỏ các nội dung liên quan đến các môn thể thao Olympic. Đây là lần đầu tiên ở Đông Nam Á tổ chức theo hình thức này. Chúng ta không lựa chọn những môn thế mạnh của mình, mà gạt thế mạnh nước khác ra.

Thể thao Việt Nam quyết thắng đại dịch, chinh phục đỉnh cao - 4

Ông Phấn khẳng định thể thao Việt Nam sẽ đặt mục tiêu cao ở SEA Games 31.

Việt Nam quyết tâm tạo ra sự công bằng, cạnh tranh sòng phẳng ở SEA Games, nhưng điều này cũng khiến chúng ta có thể không hoàn thành chỉ tiêu về thành tích?

Việc tổ chức như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của đoàn thể thao Việt Nam, nhưng chúng ta không sợ điều đó vì cần phải đánh giá một cách thực chất. Nếu chỉ chọn môn sở trường rồi đạt được thành tích mong muốn thì cuối cùng cũng không biết khả năng mình đến đâu.

Sự điều chỉnh này cũng là hướng tới sân chơi cao hơn trong năm 2022 là Asiad 19, thưa ông?

Đúng vậy, SEA Games sẽ là thước đo, góp phần định hướng lại xem khả năng của Việt Nam hướng đến Asiad và Olympic như thế nào. Sẽ có những nội dung có tiềm năng hướng đến những đấu trường cao hơn được đánh giá trong SEA Games lần này.

Cuối cùng, ông chờ đợi gì về bức tranh của thể thao Việt Nam trong năm 2022?

Chúng ta vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy, thể thao Việt Nam nói chung, bóng đá nói riêng vẫn đạt được nhiều dấu ấn ở đấu trường quốc tế. Tôi tin tưởng thể thao Việt Nam sẽ trở lại mạnh mẽ sau đại dịch, quyết chinh phục được những đỉnh cao tầm châu lục.

Xin cảm ơn ông!