Thấy gì sau khi Serena Williams rời Australian Open trong nước mắt?
(Dân trí) - Thất bại trước Naomi Osaka ở bán kết Australian Open trên thực tế không phải là điều gì lấy làm xấu hổ đối với Serena Williams, bởi chuyện "sóng sau đè sóng trước" vẫn là chuyện muôn đời vẫn vậy.
Ở môn bóng đá, người hâm mộ vẫn nể phục Zlatan Ibrahimovic ở tuổi 38 vẫn chơi bóng đá đỉnh cao trong màu áo AC Milan. Ít tuổi hơn một chút, Ronaldo đã bước sang tuổi 36 vẫn là ngôi sao của Juventus, Messi ở tuổi 33 vẫn gồng gánh Barcelona.
Nhắc đến bóng đá, người ta nhớ ngay tới những danh thủ như Ronaldo, Messi, thì nhắc đến quần vợt nữ, Serena Williams vẫn là tượng đài khiến nhiều đối thủ từng thi đấu với cô đều nể phục và khiếp sợ. Chỉ có điều, tay vợt người Mỹ vừa bị loại bởi Naomi Osaka tại bán kết Australian Open 2021.
Nên nhớ, tay vợt người Nhật Bản Naomi Osaka chỉ mới 23 tuổi. Còn Serena nay đã ở tuổi... 39.
Không ai có thể nghĩ, ở tuổi 39, Serena Williams vẫn còn có thể thi đấu đỉnh cao. Thậm chí, chỉ cách đây ít ngày, tay vợt người Mỹ còn hạ tay vợt đang xếp hạng 2 thế giới là Simona Halep một cách thuyết phục để giành quyền vào chơi ở trận bán kết Australian Open.
Nên nhớ rằng, những tay vợt cùng thời với Serena Williams như Barbara Schett hay Justin Henin đều đã giã từ sự nghiệp từ lâu, sống cuộc sống sung túc, tận hưởng thành quả lao động sau những năm tháng đỉnh cao trong yên bình. Trong khi đó, giải đấu này đánh dấu lần thứ 77 Serena Williams thi đấu ở giải Grand Slam, và cô chỉ xếp thứ 2 trong danh sách nhưng tay vợt tham dự Grand Slam nhiều nhất trong lịch sử, xếp sau chính chị gái của cô, Venus Williams, người đã có tới 88 lần tham dự.
Justine Henin, người đã giã từ sự nghiệp ở Melbourne 10 năm trước. Henin kém Williams một tuổi, hiện là bà mẹ hai con và khi được hỏi liệu cô có thấy mình có thể thi đấu giống Williams lần nữa hay không, câu trả lời của cô rất đơn giản: "Không thể nào, không có cơ hội".
Nói như vậy, đủ thấy sự nỗ lực và quyết tâm của Serena Williams khi ở tuổi 39 vẫn chơi ở giải đấu đỉnh cao như Australian Open, nơi mà cô kỳ vọng sẽ giành được Grand Slam lần thứ 24 trong sự nghiệp để cân bằng thành tích với huyền thoại Margaret Court đã xác lập. Nhưng cuối cùng, chính tuổi tác đã ngăn cản cô thực hiện giấc mơ của mình, trước một tay vợt trẻ như Naomi Osaka, người đang xếp hạng 3 thế giới.
Hình ảnh cuối cùng của Serena Williams tại Australian Open là cô đột ngột rời khỏi cuộc họp báo trong nước mắt. Serena đã khóc như mưa, cho thấy sự tuyệt vọng và bất lực khi không thể chạm tay vào chiếc cúp vô địch Grand Slam một lần nữa.
Trước khi tham gia giải đấu này, Serena đã tập luyện không ngừng nghỉ với mục tiêu chinh phục ngôi vị cao nhất. Ở 4 lần góp mặt tại các trận chung kết Grand Slam gần nhất, Serena đều thất bại, nhưng tay vợt người Mỹ không từ bỏ quyết tâm mà vẫn tập luyện, làm việc chăm chỉ hơn.
Trong hai tuần qua tại Australian Open, Wiliams đã chứng tỏ ít nhiều dấu hiệu trở lại với đỉnh cao, nhất là khi vượt qua Simona Halep để giành quyền vào bán kết. Chỉ có điều, đó là tất cả những gì cô làm được ở giải đấu này.
Theo các chuyên gia bình luận, vấn đề lớn nhất của Williams không phải là trận thua của cô trước Naomi Osaka, mà là câu hỏi vì sao cô không còn bản năng sát thủ mang tính thương hiệu và khẳng định đẳng cấp của cô từ trước đến nay.
Hãy xem lại một số chiến thắng của Serena Wiliams trên sân Rod Laver Arena (sân thi đấu của Australian Open) những năm trước. Năm 2003, dù bị dẫn trước với tỷ số 2-5, Williams vẫn lội ngược dòng giành chiến thắng trước Kim Clijsters để lên ngôi vô địch. Trong trận bán kết năm 2005, cô đã đánh bại Maria Sharapova dù khởi đầu khó khăn. Hai năm sau, cô cũng đánh bại tất cả đối thủ để giành ngôi vương.
Năm 2017, mặc dù đang mang thai 8 tuần nhưng Serena Williams vẫn biết cách gây sốc với chức vô địch Australian Open. Sự xuất sắc của tay vợt người Mỹ là giành chiến thắng trong những thời khắc khó khăn nhất, khiến bất cứ đối thủ nào chạm trán đều phải tỏ ra khiếp sợ.
Nhưng kể từ đó đến nay, Wiliams đã liên tục để thua ở các giải đấu. Nhưng thua ở trận bán kết này, lần đầu tiên người ta thấy tay vợt người Mỹ phải khóc, bỏ về trong sự thất vọng. Rõ ràng, khi bước vào giai đoạn cuối cùng của sự nghiệp với tuổi 39, Serena Williams phải chấp nhận rằng, kể từ lần cuối cùng cô ấy giành được một Grand Slam cách đây 4 năm, một thế hệ trẻ như Naomi Oska đã không còn sợ cô ấy.
Thất bại trước Naomi Osaka trên thực tế không phải là điều gì lấy làm xấu hổ đối với Serena Williams, bởi chuyện "sóng sau đè sóng trước" vẫn là chuyện muôn đời vẫn vậy. Chỉ có điều người ta không biết, liệu Serena Williams còn đủ tự tin để chinh phục Grand Slam lần thứ 24 như hằng mong ước hay không mà thôi.