Góc nhìn Copa America 2011
Sự Âu hóa bóng đá Nam Mỹ
(Dân trí) - Không còn vũ điệu Tango chớp nhoáng, càng không có sự hiện diện của vũ điệu Samba mê hồn, Copa America 2011 chứng kiến sự lên ngôi của bóng đá thực dụng, toan tính, kỷ luật và sắt đá. Chính nhà VĐ Uruguay là đội tuyển hội đủ nhiều nhất phẩm chất Âu hóa đó...
Bóng đá Nam Mỹ từ lâu vốn là hiện thân của vẻ đẹp mỹ miều vốn ăn sâu trong văn hóa mỗi quốc gia, là chất ngẫu hứng và đôi khi không theo một khung chiến thuật cứng nhắc nào. Argentina thăng hoa với vũ điệu Tango uyển chuyển, nhịp nhàng, Brazil thành danh nhờ chất Samba huyền ảo mê hoặc.
Uruguay lên ngôi bằng thứ bóng đá thực dụng và hiệu quả
Nhưng cùng với xu thế toàn cầu hóa, triết lý bóng đá cũng dần thay đổi để thích ứng kịp thời đại. Khi sự hiệu quả gắn liền với lợi ích thiết thân, các đội bóng sẵn sàng hy sinh cái bản thể để hướng đến mục tiêu duy nhất: giành chiến thắng kể cả khi chơi thứ bóng đá xấu xí đến đâu.
Uruguay chính là hiện thân rõ nét nhất của lối bóng đá thực dụng theo kiểu châu Âu. Thời còn huyền thoại Enzo Francescoli, Celeste có một nhạc trưởng đúng nghĩa và chơi tấn công theo chất Latin, chính sự hào hoa đó đã mang lại cho ĐT nước này hai chức vô địch Nam Mỹ năm 1987 và 1995.
Đầu thế kỷ 21 Uruguay còn sản sinh thêm được một Recoba đầy chất nghệ sỹ, nhưng sau đó là quá trình đi xuống của nền bóng đá nước này. Và để tìm lại quá khứ vinh quang, bóng đá Uruguay buộc phải thay đổi triết lý, họ đã thực dụng hơn và lối chơi bị lên án là quá tiêu cực, nhưng họ đã lên ngôi ở Copa America 2011 bằng chính triết lý đó.
Lối chơi tiêu đã giúp Paraguay loại Brazil khỏi cuộc chơi ở TK
Forlan chơi như một tiền đạo lùi, đảm nhận thêm cả dẫn dắt lối chơi, còn Suarez thuộc mẫu chân sút chớp thời cơ. Cả hai được giao nhiệm vụ nhận các đường chuyền dài và xử lý gọn gàng nhất có thể. Bộ đôi này đã hoàn thành nhiệm vụ khi ghi cả 5 bàn trong hai trận bán kết và chung kết, đưa Uruguay có một cái kết hoàn hảo.
Paraguay cũng sở hữu những phẩm chất tương tự như Uruguay, thậm chí tính phản bóng đá trong lối chơi còn nặng hơn cả đối thủ. Từ năm 1998, Paraguay đã xây dựng đội bóng dựa vào một thủ môn giỏi (Chilavert), một hàng thủ chắc chắn, cơ bắp (Gamara, Arce, Ayala), hàng tiền vệ với những cầu thủ cần cù, cơ động (Acuna, Paredes, Cabanas) và những tiền đạo chộp giật cơ hội tốt như Benitez, Santa Cruz.
Đến với Copa America 2011, Paraguay cũng áp dụng nguyên cái khung lối chơi đó, với Villar hiệu quả ở khung gỗ, Veron cùng Torres chơi tiểu xảo ở hàng thủ, Ortigoza, Riveros nổi tiếng với khả năng chém đinh chặt sắt ở giữa sân, cùng với một Nelson Valdez luôn rình rập trước cầu môn đối phương.
Messi và đồng đội không thể nhảy điệu Tango ở giải lần này
Uruguay và Paraguay chọn lối chơi thực dụng chất Âu hóa để thành công, và họ cũng tìm được những HLV phù hợp với triết lý của mình. Tabarez luôn khuyến cáo các cầu thủ Uruguay sẵn sàng phạm lỗi khi đối phương hưng phấn, còn Martino nổi tiếng là HLV ưa chiến thuật dựng xe bus trước cầu môn đội nhà.
Không chỉ nhà vô địch và á quân, hai đại gia Argentina, Brazil cũng chạy theo lối bóng đá thực dụng, dù không đến mức tiêu cực. HLV Menezes xây dựng một hàng thủ cơ bắp, cùng hai tiền vệ Lucas-Ramires chỉ giỏi về chặt chắm. Dù bị chỉ trích đến đâu, Batista cũng để Argentina chơi với hai tiền vệ thủ, Mascherano-Cambiasso hay Mascherano-Gago.
Chính suy nghĩ quá cầu toàn đó khiến cả hai lỡ bước ngay từ tứ kết. Khi Batista bỏ rơi Pastore, Messi thiếu người đan lát ở giữa sân và kết thúc giải đấu đầy thất vọng. Brazil phó mặc nhiệm vụ kiến thiết cho cầu thủ trẻ Ganso, và cầu thủ Santos lạc lõng trong lối chơi thiếu sự hài hào ở Brazil.
Chile được đánh giá là đội tuyển chơi ngẫu hứng nhất ở Copa America 2011
Chile đã chơi đầy phóng khoáng và đẹp mặt với hai hạt nhân quan trọng Vidal-Alexis, Colombia sở hữu một tuyến giữa đầy sáng tạo cùng mũi nhọn Falcao hết sức nhạy bén. Nhưng cả hai cũng không thể tiến xa, bởi họ thiếu quá nhiều sự chặt chẽ, thực dụng ở thời điểm quan trọng.
Venezuela mang đến một thứ đặc sản, đó là lối đá nhanh đầy tốc độ với hạt nhân là Arango, còn Peru cũng chơi đầy ngẫu hứng xoay quanh chân sút Guerrero. Cả hai cũng kết thúc giải đấu một cách thành công. Nhưng chính cái đẹp từ Peru hay Venezuela chỉ là nét mờ của nghệ thuật đậm chất Latin và đang dần nhạt nhòa theo thời gian.
Bóng đá Nam Mỹ đang dần bị Âu hóa về phong cách, khi vẻ đẹp bóng đá không được ưu tiên bằng tính hiệu quả. Cái đẹp hiện diện quá hiếm hoi ở giải lần này, khiến Copa America trở nên mất giá trị truyền thống. Có lẽ, cái đẹp, sự ngẫu hứng, pha chút điên cuồng và đáng chờ đợi nhất ở giải lần này, chính là tuyên bố sẽ khỏa thân của Larissa Riquelme, tiếc là điều đó không thành hiện thực!!!
Anh Tuấn