1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Sinh viên ASEAN ngại vật và wushu

Trong Hội nghị Hội đồng Thể thao Đại học Đông Nam Á diễn ra tại Hà Nội ngày 2/3/2006, chỉ có duy nhất một cánh tay giơ lên đồng ý tổ chức môn vật và wushu. Đó là đại diện của Việt Nam.

Các đại biểu đến từ các nước trong khối ASEAN đều im lặng, không biểu quyết khi nước chủ nhà Việt Nam nhắc đến hai môn này. Theo dự kiến, đại hội lần này có 13 môn thi đấu gồm điền kinh, bơi lội, bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, cờ vua, karatedo, pencak silat, taekwondo, vật, và wushu.

 

Thế nhưng, khi đăng ký môn thi, đại diện các nước đều im lặng lúc nhắc đến hai môn vật và wushu, những môn thế mạnh của Việt Nam. Và không thể tự thi đấu một mình, nước chủ nhà đành loại bỏ hai môn này.

 

Không phải quốc gia nào cũng hào hứng tham gia tất cả các các môn. Ngoài vật và wushu bị loại, chỉ có bóng đá nam có số lượng tham gia đông nhất, bảy nước.

 

Kế đến là pencak silat và cầu lông (sáu nước), bóng bàn (năm nước). Các môn như bóng chuyền, bóng rổ chỉ có hai, ba nước tham gia.

 

Đa số các đại biểu đều im lặng, trả lời "I'm not sure" (tôi không chắc chắn) khi phát biểu ý kiến, hoặc "chúng tôi sẽ về thảo luận và trả lời sau" dẫu bản dự thảo, danh sách các môn thi đấu được gửi đến các nước từ lâu.

 

Thay thế bằng môn "quý tộc"

 

Loại bỏ hai môn vật và wushu, các nước đề nghị bổ sung thêm hai môn để có số môn thi tại Đại hội Thể dục Thể thao Sinh viên Đông Nam á lần thứ XIII là 13 (như số lần tham dự). Nước chủ nhà Việt Nam "choáng" khi đại diện của Singapore đề nghị đưa thêm môn tennis (thay thế môn vật).

 

Tennis là trò chơi "quý tộc" và các đại diện của Việt Nam đều tỏ ra e ngại. Theo lời của một đại biểu Việt Nam, "tennis không phải là môn thể thao phổ biến với sinh viên Việt Nam".

 

Không phản đối ý kiến của đại diện Singapore, nhưng TS Ngũ Duy Anh (Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên - Bộ GD&ĐT), đề xuất: "Chúng ta nên đưa những môn thể thao phù hợp với sinh viên hoặc các môn thể thao được dạy trong nhà trường".

 

Vậy nhưng khi biểu quyết môn này, có tới bốn đại diện các nước đồng tình đưa tennis trở thành môn thi đấu chính thức tại đại hội lần này. Chưa kể một số đại biểu cho biết, họ sẽ xem xét và trả lời sau.

 

TS Duy Anh cho hay, chỉ đưa hai nội dung tennis đơn và tennis đôi vào thi đấu, không sử dụng nội dung tennis đồng đội. Ngoài tennis, môn cầu mây cũng được đề xuất và trở thành môn thi đấu chính thức tại đại hội lần này.

 

Thời gian chưa ngã ngũ

 

Với thời gian đại hội khai mạc ngày 23/12/2006 và diễn ra trong một tuần, hầu như tất cả các nước đều không đồng tình và yêu cầu đại diện của Việt Nam giải thích lý do chọn thời điểm đó.

 

Một đại diện cho biết, nếu tổ chức vào thời điểm đó, nhiều VĐV sẽ từ chối tham gia khi không được dự lễ Noel (24/12) tại quê hương. Chưa kể đó là những ngày cuối năm, công việc quá bộn bề.

 

Theo giải thích của TS Duy Anh, Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị APEC 14 (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu á - Thái Bình Dương) diễn ra trong tháng 11/2006 nên tất cả các hoạt động khác đều phải ngừng lại.

 

Nhiều nước trong khối ASEAN theo đạo Hồi nên họ khá coi trọng ngày lễ Noel. Tháng 10, người theo đạo Hồi lại thường ăn chay nên thời gian này cũng không thích hợp. Tháng Chín, Việt Nam lại có Đại hội Thể thao Sinh viên Toàn quốc.

 

"Nếu các nước không đồng ý với thời gian đó, nước chủ nhà đành lùi sang đầu tháng 1/2007", TS Duy Anh nói.

 

Với ý kiến đó, các đại diện có mặt đều không đồng tình, bởi Đại hội Thể thao Sinh viên Đông Nam Á tổ chức theo định kỳ hai năm một lần và thường theo năm chẵn. Cuối cùng, phía Việt Nam cho hay, nước chủ nhà sẽ xem xét, có thể lùi thời gian lên thời điểm đã định trước một tuần để các nước, các VĐV đều có thể tham gia.

 

Lăn tăn kinh phí

 

Ban tổ chức quy định thu 40 USD/ngày/người cho các khoản chi phí ăn ở và sinh hoạt cho các vận động viên và quan chức chính thức, chi phí đi lại, các trang thiết bị cần thiết, v.v... Các đoàn đều e ngại, cho rằng Việt Nam thu kinh phí quá cao. Theo giải thích của ban tổ chức, nước chủ nhà đã xem xét, cân nhắc mới đi đến quyết định thu mức đó.

 

"Đoàn thể thao sinh viên Việt Nam từng tham dự các đại hội thể thao sinh viên ở các nước khác cũng phải đóng kinh phí như vậy. Tại đại hội thể thao sinh viên thế giới lần thứ 23 diễn ra vào ngày 12/8 đến 20/8/2005 ở Thổ Nhĩ Kỳ, nước chủ nhà thu 45 USD/ngày/người. Chưa kể ở một số đại hội thể thao sinh viên khác, nước chủ nhà thu tới 60 USD/ngày/người", TS Duy Anh cho biết.

 

Tại đại hội lần này có gần 200 nội dung thi đấu. Lễ khai mạc được tổ chức tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Lễ bế mạc diễn ra tại Cung Thể thao Quần Ngựa. Địa điểm thi đấu được tổ chức tại một số công trình tổ chức SEA Games 22, PARA Games 2 và cơ sở vật chất của một số trường đại học tại Hà Nội có đủ điều kiện.

 

Theo Hồng Thái

Netnam