1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Sân chơi AFC Cup không quá sức với các đội bóng V-League

(Dân trí) - Có một thực tế đang tồn tại bấy lâu nay là AFC Cup (Cúp C2 Châu Á) không hề quá sức với các CLB Việt Nam. Thế nhưng, có quá ít CLB V-League dám chơi dám chịu, dám vượt qua giới hạn của thực tế trên.

Thành tích không đến nỗi nào

Nhìn lại chặng đường các CLB V-League tham dự đấu trường C2 Châu Á có thể thấy, thành tích không đến nỗi nào.

Năm 2007, Hòa Phát  Hà Nội đại diện cho V-League tham dự và xếp cuối bảng D. Nhưng đến năm 2009, B. Bình Dương tạo tiếng vang lớn khi lọt vào đến bán kết và chỉ chịu dừng chân trước đối thủ mạnh của Syria là Al Karamah. Cũng trong năm này, Hà Nội ACB không thành công khi chỉ xếp cuối bảng G.
 
SHB Đà Nẵng là số ít CLB V-League dám chơi dám chịu

SHB Đà Nẵng là số ít CLB V-League dám chơi dám chịu

Năm 2010, hai đại diện ưu tú của Việt Nam là SHB Đà Nẵng và B. Bình Dương đã chứng tỏ phần nào trình độ của các CLB V-League. Chỉ tiếc rằng, họ phải loại nhau ở vòng 16 đội và SHB Đà Nẵng giành vé vào tứ kết. Năm 2011, SL Nghệ An vượt qua vòng bảng và Hà Nội T&T xếp thứ 3 bảng G. Năm 2012, SL Nghệ An và N. Sài Gòn thể hiện quá rõ ràng thái độ “buông” nên đều dừng bước ở vòng bảng.

Năm 2013 này, nếu như XMXT Sài Gòn cho thấy sự thiếu mặn mà và dừng chân ở vòng bảng thì SHB Đà Nẵng rất quyết tâm. Đội bóng sông Hàn đã chiến đấu hết mình cho mục tiêu vượt qua vòng bảng. Ở vòng 1/8, thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức thể hiện quyết tâm rất cao trước Semen Padang và họ chỉ chịu gục ngã đúng phút bù giờ nghiệt ngã.

Hôm qua, ống kính truyền hình đã lia đến khuôn mặt như phát khóc của HLV Lê Huỳnh Đức khi cầu thủ số 10 của chủ nhà Semen Padang là Vendry đệm bóng tung lưới thủ môn Thanh Bình đúng vào phút 90+1. Góc quay phần nào cho thấy cầu thủ chủ nhà ghi bàn trong tình huống nhạy cảm. Nhưng nói gì đi nữa, mọi thứ đã qua và SHB Đà Nẵng chỉ biết tiếc nuối, tự trách mình khi không tận dụng được những thời cơ trước đó để “đóng đinh” trận đấu.

Nhìn lại 93 phút trên sân Agus Salim (Padang, Indonesia), nhiều người hẳn tiếc cho SHB Đà Nẵng vì họ đã có một trận đấu quá tốt về tinh thần lẫn chiến thuật trước đối thủ mạnh hơn mình. Chính xác, Huỳnh Đức và các học trò đã thua trong “canh bạc” quyết định bởi họ dường như chấp nhận hy sinh V-League để quyết đấu ở AFC Cup. Hay nói cách khác, họ dám chơi dám chịu, một tinh thần rất đáng hoan nghênh và tấm gương để những CLB khác học hỏi.

Các CLB cần được tạo điều kiện   

Rõ ràng, việc cùng một lúc dồn sức cho V-League, AFC Cup rồi Cúp QG là quá sức với các đội bóng trong nước, mà điển hình là SHB Đà Nẵng của năm 2010 và năm 2013 này. Chính vì thế, nhiều CLB khác như SL Nghệ An, N. Sài Gòn trước đây và XMXT Sài Gòn mùa này chủ động “buông” đấu trường châu lục không có gì đáng lạ.
 
SHB Đà Nẵng là số ít CLB V-League dám chơi dám chịu

Năm 2009, B. Bình Dương tạo tiếng vang lớn khi vào bán kết AFC Cup, bằng chứng cho thấy sân chơi này đâu phải quá tầm với các CLB Việt Nam

Đội bóng sông Hàn được đánh giá là CLB có dàn cầu thủ chất lượng và chiều sâu. Thế nhưng, việc phải cày ải cùng lịch thi đấu quá dày khiến họ “bể” sớm. Trước trận với Semen Padang ở vòng 1/8, Huỳnh Đức và các học trò lâm vào cảnh “chơi dao” khi lỡ đeo đuổi giấc mơ châu lục thì chấp nhận bỏ bê V-League. Rõ ràng, họ đã phải hy sinh nhiều thứ.

Cho nên, vấn đề cần xem lại ở đây là Ban tổ chức các giải trong nước nên tạo điều kiện tối ưu cho các CLB để kích thích tinh thần thi đấu của họ ở đấu trường châu Á. Bởi như đã phân tích, sân chơi này không hề quá tầm với các đội bóng Việt Nam nếu họ thực sự có khát khao và xem đó là cơ hội để cọ xát, nâng tầm vị thế nền bóng đá nước nhà.

Nên chăng những mùa giải tới, Ban tổ chức V-League khi xếp lịch thi đấu hãy tạo điều kiện thuận lợi có thể cho các CLB tham dự AFC Cup. Chúng ta cần tính toán kỹ đến khoảng thời gian các đội bóng di chuyển, nghỉ ngơi hồi phục rồi tập luyện để điều chỉnh lịch sao cho hợp lý trong khả năng có thể.

Các CLB Việt Nam cần được nâng tầm chứ không thể bó chân mãi ở giải đấu trong nước, nơi mà chúng ta luôn tự xưng chất lượng, hấp dẫn thuộc hàng đầu châu lục.

Hãy thử nhìn xem, đã hơn 2 thập kỷ hội nhập AFC Champions League và AFC Cup nhưng thành tích các CLB Việt Nam đi đến đâu so với Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Nếu nhìn kỹ vào thực tế này và suy rộng ra có thể giải thích vì sao các ĐTQG Việt Nam chưa thể vượt ra khỏi giới hạn của “vùng trũng” Đông Nam Á.

Khánh Quang