Pháo sáng khiến các đội bóng Việt Nam mất gần 2 tỷ đồng trong 4 năm

(Dân trí) - Vòng 6 V-League, CĐV Hải Phòng đã biến sân Hàng Đẫy thành một biển lửa với hàng trăm quả pháo sáng được đốt trên khán đài, ném xuống sân, trong trận đấu giữa Hà Nội và Hải Phòng.

Đây không phải là lần đầu pháo sáng khiến các nhà quản lý bóng đá nước nhà ngán ngẩm và bất lực…

Sau sự cố pháo sáng ở vòng 6 V-League, VFF đã có những án phạt nghiêm khắc với cả đội chủ nhà và khách là Hà Nội và Hải Phòng (dù sau đó Hà Nội đã được xóa án phạt treo sân 1 trận).

Pháo sáng khiến các đội bóng Việt Nam mất gần 2 tỷ đồng trong 4 năm - 1

Vấn nạn pháo sáng khiến các đội bóng Việt Nam lao đao những năm qua

Đây không phải là lần đầu tiên VFF đưa ra án phạt dành cho các đội bóng, BTC sân, CĐV, vì đã để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng. Tuy nhiên, suốt năm này qua năm khác, pháo sáng vẫn xuất hiện trong sự bất lực của những nhà quản lý.

Có một thống kê khiến nhiều người giật mình, tính từ năm 2015 đến nay, V-League đã chứng kiến tới 60 án phạt từ Ban kỷ luật VFF dành cho BTC trận đấu của các CLB cũng như CLB liên quan đến việc để CĐV đốt pháo sáng, ném vật thể lạ xuống sân.

Và chỉ trong 4 mùa giải, BTC trận đấu của các CLB cũng như các CLB đã phải nộp phạt với tổng số tiền lên tới gần 2 tỷ đồng.

Riêng CLB Hải Phòng từng bị VFF phạt 310 triệu đồng trong mùa 2018; buộc thi đấu 1 trận trên sân nhà và 7 trận trên sân khách không có khán giả ở mùa 2017, vì để CĐV tái diễn hành vi đốt pháo sáng.

Trưởng ban kỷ luật VFF Vũ Xuân Thành cho biết việc áp án phạt cho vi phạm trên sân Hàng Đẫy là không khó, chiếu theo các quy định của luật hiện hành. Nhưng nếu cứ phạt rồi lại phạt, tình trạng đốt pháo sáng chắc chắn không thể chấm dứt.

"Chúng tôi cho rằng nếu chỉ vậy thì rồi đâu lại vào đấy. Các mùa trước, mùa nào cũng có vi phạm đốt pháo sáng, phạt mãi nhưng vẫn tái phạm", ông Vũ Xuân Thành nêu quan điểm, đồng thời cho biết VFF chắc chắn sẽ báo cáo Bộ VH, TT&DL, UBND tỉnh Hải Phòng cùng một số cơ quan liên quan để có giải pháp hỗ trợ xử lý căn cơ vấn đề.

Trong công văn khẩn mới đây, Tổng cục TDTT cũng đã đề nghị VFF, VPF: "Hành động đốt pháo sáng vi phạm quy định kỷ luật của VFF, gây nguy hiểm cho khán giả, làm mất trật tự, an ninh và ảnh hưởng tới trận đấu.

Lãnh đạo Tổng cục TDTT yêu cầu VFF chấn chỉnh đồng thời yêu cầu BTC sân Hàng Đẫy làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan trên cơ sở đó có biện pháp kỷ luật nghiêm".

Thực tế, việc CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng đã tồn tại dai dẳng nhiều mùa giải qua, thế nhưng đến nay chưa thể xử lý triệt để một phần bởi đội bóng này không có Hội CĐV chính thức. Vì vậy, hành vi đốt pháo sáng là tự phát, đến từ một số CĐV quá khích và bản thân CLB Hải Phòng cũng không có biện pháp quản lý, ngăn ngừa.

Điều khó hiểu là trong khi các CLB đều đang hướng tới hoàn thiện các tiêu chí chuyên nghiệp theo chuẩn của V-League, trong đó có việc phải thành lập Hội CĐV chính thức thì với CLB Hải Phòng, dù là đội bóng có lượng cổ động viên đông đảo nhưng bao năm qua lại hoạt động không tổ chức.

Như vậy, câu chuyện ở đây chính là sự chuyên nghiệp từ các CĐV, đội bóng, bên cạnh đó là yếu tố xử phạt. Có một điều trớ trêu, Chủ tịch CLB Hải Phòng - ông Trần Mạnh Hùng, cũng chính là Phó chủ tịch Công ty VPF - đơn vị tổ chức giải V-League.

Khi một lãnh đạo VPF còn không thể giúp đội bóng của mình tuân thủ các quy định về bóng đá chuyên nghiệp, thì khó có thể giải quyết được vấn đề pháo sáng ở cả V-League.

Không chỉ ở V-League, tại đấu trường khu vực cũng như châu lục, việc CĐV Việt Nam đốt pháo sáng đã khiến VFF “lãnh đủ” với những án phạt lên tới hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, đội tuyển Việt Nam luôn đứng trước nguy cơ phải thi đấu trên sân trung lập khi có CĐV đốt pháo sáng trên sân.

Phạm Huy