Ông Hoàng Vĩnh Giang: Kỷ lục gia, Lý Tiểu Long của Việt Nam

Bằng Tường

(Dân trí) - Ông Hoàng Vĩnh Giang là người mở đường cho hàng chục môn thể thao Việt Nam cùng tư duy tiếp cận với khu vực, châu lục và thế giới.

Nổi tiếng không kém Lý Tiểu Long

Võ sư Hoàng Vĩnh Giang là con trai của cố GS Hoàng Minh Giám, người đã từng được giữ nhiều trọng trách trong bộ máy lãnh đạo của Nhà nước ngay từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công.

Không chỉ thừa kế di sản quý báu về tinh thần và trí tuệ mà người cha đã để lại, ngay từ bé, Hoàng Vĩnh Giang đã bộc lộ rất rõ năng khiếu thể thao.

Khi còn sống, ông Hoàng Vĩnh Giang từng kể mình theo học rất nhiều môn võ cùng một lúc. Khởi đầu bằng quyền Anh, tiếp đó thì tập một số võ cổ truyền Việt Nam, sau đó trở thành một võ sư Vịnh Xuân.

Ông Hoàng Vĩnh Giang: Kỷ lục gia, Lý Tiểu Long của Việt Nam - 1
Võ sư Hoàng Vĩnh Giang rất nổi tiếng khi học ở Liên Xô cũ.

Ông Giang cho biết, thông qua một số tư liệu, tài liệu từ miền Nam đưa ra miền Bắc ông nghiên cứu thêm về các thuyết âm dương, rồi thì tập một số phương pháp luyện tập nội công. 

"Tôi có cơ duyên được gặp hai thầy môn phái Vịnh Xuân là thầy Nguyễn Xuân Thi và thầy Trần Thúc Tiển được chính tôn sư Tế Công chỉ dạy. Hai thầy đã giúp đỡ tôi rất nhiều để có thể trở thành như bây giờ.

Không chỉ là một người giỏi võ, người thầy đáng kính của tôi còn chữa bệnh giúp cho những con người ốm đau trở lại khỏe mạnh. Tôi hết sức khâm phục thầy và luôn coi thầy là tấm gương để mình học tập và noi theo", Võ sư Hoàng Vĩnh Giang kể lại.

Khi sang Liên Xô (cũ) học tập, ông Hoàng Vĩnh Giang theo học rất nhiều môn thể thao, nhưng võ thuật vẫn được ông dành sự đầu tư đặc biệt.

Ông Hoàng Vĩnh Giang: Kỷ lục gia, Lý Tiểu Long của Việt Nam - 2
Ông Hoàng Vĩnh Giang được ví như Lý Tiểu Long của Việt Nam.

Ông Giang với tố chất con nhà võ, từng đánh bại nhiều cao thủ. Nhiều môn sinh từ Matxcơva, Leningrad (nay là Saint Petersburg), Sochi, Kazakhstan, Armenia... tìm đến ông để học võ. Danh tiếng của võ sư Hoàng Vĩnh Giang khi đó nổi không kém gì Lý Tiểu Long.

Ông Giang mở lớp dạy võ không phải để kiếm tiền, mà chỉ là đam mê và muốn vừa tìm người cùng tập để tự nâng cao phản xạ sự biến hóa về đòn thế. Từ lớp học này, ông Giang có thêm nhiều mối quan hệ, để rồi sau này thực hiện được một giấc mơ mà ông không bao giờ nghĩ có thể trở thành hiện thực.

Từ kỷ lục gia nhảy cao tới người mở đường cho thể thao Việt Nam

Ông Hoàng Vĩnh Giang theo học ở Đại học Thể dục thể thao Kiev (nay thuộc Ukraine), cùng đợt với cựu danh thủ Trần Duy Long. Ông từng nắm kỷ lục nhảy cao Việt Nam với mức xà 1m96. Khi còn học ở Liên Xô cũ, ông Hoàng Vĩnh Giang mạnh dạn sử dụng kỹ thuật mới để vượt qua mức xà 2m01, cao hơn đầu mình đến 32cm. 

Nhưng những kỷ lục không phải là điều mà ông Hoàng Vĩnh Giang muốn chinh phục và hướng tới. Điều mà chàng thanh niên có niềm đam mê võ thuật canh cánh trong lòng là giấc mơ phát triển phong trào thể thao nước nhà.

Ông Hoàng Vĩnh Giang: Kỷ lục gia, Lý Tiểu Long của Việt Nam - 3
Mức xà 1m96 của ông Hoàng Vĩnh Giang từng tồn tại suốt nhiều năm.

Năm 1981, ông Giang tốt nghiệp với tấm bằng đỏ. Trong thời gian 3 năm học tại Liên Xô, võ sư Hoàng Vĩnh Giang đã tiết kiệm được khoảng 15 cây vàng nhờ vào việc đi dạy võ. Ngay sau khi về Việt Nam, ông đã quyên góp hết từng ấy cây vàng mà mình có cho ngành thể dục thể thao nước nhà để mua thêm trang thiết bị cho các VĐV. Ông Giang từng kể, số vàng đó có thể giúp ông mua được 5 căn nhà mặt tiền phố cổ Hà Nội.

Điều đặc biệt mà ông Giang từng kể khi về nước, chính là ông mang theo 2 container chứa đầy trang bị của các môn đấu kiếm, boxing, judo, vật, karate... về nước. Đây là những dụng cụ do Hiệu trưởng của Học viện Thể dục thể thao Kiev cùng nhiều người bạn Liên Xô giúp đỡ.

"Tôi trở lại Việt Nam mở một lớp học hoàn toàn bằng những trang thiết bị, dụng cụ mang về từ Liên Xô và có khoảng 200 học sinh theo học đều nhờ vào công ơn của người thầy đáng kính ấy. Quả thực tôi nhớ và biết ơn những con người Xô Viết ấy nhiều lắm…", ông Hoàng Vĩnh Giang từng kể lại khi còn sống.

Ông Hoàng Vĩnh Giang: Kỷ lục gia, Lý Tiểu Long của Việt Nam - 4
Ông Hoàng Vĩnh Giang có đóng góp to lớn với ngành thể thao Việt Nam.

Hành trang mà võ sư Hoàng Vĩnh Giang mang về nước không chỉ là trang thiết bị. Ông mang về rất nhiều tài liệu, lý thuyết để giảng dạy các môn thể thao như võ, vật, điền kinh, đấu kiếm, boxing… đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển của thể thao đỉnh cao Việt Nam sau này.

Bậc thầy của quản lý thể thao và giấc mơ dang dở

Với việc thông thạo nhiều ngoại ngữ như Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc… ông Hoàng Vĩnh Giang tìm tòi, học hỏi thêm nhiều kiến thức, từ đó gây dựng phong trào tập luyện thể thao ở Việt Nam.

Cũng chính nhờ ngoại ngữ giỏi, tài ngoại giao xuất sắc, sau này chính ông Hoàng Vĩnh Giang đã giúp Việt Nam đăng cai rất nhiều sự kiện thể thao quốc tế lớn như SEA Games, Đại hội thể thao châu Á trong nhà.

Nhưng điều mà ông Giang cảm thấy tiếc nuối nhất là kế hoạch đăng cai Asiad 2018 tưởng như đã thành hiện thực, nhưng cuối cùng đã phải hủy bỏ vì vấn đề kinh phí.

Trước khi mất, ông Giang từng chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng của Đông Nam Á và châu Á. Đặc biệt với kỳ SEA Games 31 lần thứ 2 được tổ chức ở Việt Nam, vị võ sư sinh năm 1946 đã đổ rất nhiều tâm huyết.

"Tôi luôn mong mỏi thể thao nước nhà luôn vững ở tốp đầu của khu vực Đông Nam Á còn trước hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á thì chúng ta cũng không bao giờ thua kém. Khi SEA Games quay trở lại Việt Nam vào năm 2021, tôi tin chúng ta một lần nữa khiến bạn bè quốc tế biết được thể thao của mình phát triển và mạnh mẽ như thế nào", ông Giang chia sẻ.

Ông Hoàng Vĩnh Giang: Kỷ lục gia, Lý Tiểu Long của Việt Nam - 5
Ông Hoàng Vĩnh Giang (giữa) trong một cuộc họp về kế hoạch tổ chức SEA Games 31.

Là cha đẻ của chiến lược "đi tắt đón đầu", ông Hoàng Vĩnh Giang giúp hàng chục môn thể thao mũi nhọn của Việt Nam bắt kịp ngay sau khi hội nhập với thể thao khu vực, châu lục. Có nhiều lứa thế hệ với hàng trăm VĐV như Thúy Hiền, Ngân Thương, Hà Thanh, Phương Lan… thành danh nhờ chiến lược đầu tư của ông Hoàng Vĩnh Giang.

Vì những đóng góp to lớn cho sự nghiệp thể thao Việt Nam, PGS.TS Hoàng Vĩnh Giang từng được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Công dân Thủ đô ưu tú, Huân chương Lao động hạng nhì.

Ông cũng từng nắm nhiều vị trí quan trọng như Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á và Việt Nam, Nguyên Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam…

Với ngần ấy chiến công cùng một hình ảnh uy tín, một tấm gương sáng ngời, ông Hoàng Vĩnh Giang cũng như một vị "Đại tướng" của ngành thể thao vậy!.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm