“Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương không bị bỏ rơi
(Dân trí) - Liên đoàn điền kinh Việt Nam đã có thông báo chính thức về việc không loại Vũ Thị Hương khỏi danh sách đầu tư trọng điểm cho vòng loại Olympic 2012. Dù vậy, rõ ràng là Hương đang rất cần những sự quan tâm hơn nữa để sớm lấy lại phong độ của mình.
Với chấn thương đang gặp phải, cùng vấn đề về tâm lý, Vũ Thị Hương không được đánh giá khó có cơ hội đoạt chuẩn B Olympic so với 7 gương mặt còn lại là: Trương Thanh Hằng (800m), Dương Thị Việt Anh (nhảy cao), Lê Thị Phương (nhảy sào), Nguyễn Thị Phương (3.000m vượt chướng ngại vật), Trần Huệ Hoa (nhảy cao), Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ), Phạm Thị Bình (marathon 10.000m).
Để giành vé dự Olympic 2012, Vũ Thị Hương cần thu hẹp thành tích từ 11’’73 (nội dung 100m SEA Games 26) xuống còn 11’’38. Trong hoàn cảnh hiện tại, đây là một nhiệm vụ quá khó, chứ không muốn nói là quá tầm với Vũ Thị Hương.
Tất nhiên, trong hoàn cảnh mà Hương cần được động viên, việc kết luận cô không có khả năng giành chuẩn so với 7 VĐV còn lại xem ra khá phũ phàng. Theo ông Thủy, việc Hương không có trong danh sách VĐV trọng điểm Olympic của điền kinh là điều bình thường bởi đây là một bản danh sách mở.
Thành tích của các VĐV đều có những thang điểm cụ thể và rõ ràng thành tích gần nhất của Hương càng ngày càng xa so với chuẩn Olympic. Cũng từ đánh giá này, nhiều thông tin cho rằng Hương bị gạt ra khỏi các VĐV trọng điểm tập trung cho việc giành vé tham dự Olympic 2012.
Bởi vậy, trước nhiều thông tin trái chiều, Liên đoàn điền kinh đã có ý kiến chính thức về vấn đề này. Cụ thể, phía Liên đoàn khẳng định chưa đưa ra bất cứ một phát ngôn nào về việc “Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương bị loại khỏi danh sách VĐV được đầu tư trọng điểm nhằm đạt chuẩn tham dự Olympic 2012.
Thông tin loại Hương ra khỏi danh sách đầu tư trọng điểm chỉ là ý kiến cá nhân và thiếu cơ sở vì việc thực hiện kế hoạch huấn luyện phải nằm trong một kế hoạch tổng thể, không chỉ vì kết quả của một giải thi đấu mà thay đổi kế hoạch, gây tâm lý không tốt với HLV và VĐV thực hiện kế hoạch đó.
Cũng theo phía Liên đoàn, ngoài Trương Thanh Hằng và Vũ Thị Hương, tính cho đến thời điểm này, căn cứ vào thành tích thi đấu của các VĐV tại SEA Games 26, Liên đoàn điền kinh mới chỉ đề nghị đưa thêm VĐV nhảy cao Dương Thị Việt Anh vào danh sách đầu tư trọng điểm, chứ không phải 7 VĐV như ông Thủy từng nói trong buổi tổng kết SEA Games 26.
Ở đây, rõ ràng là đã có độ “vênh” nhất định giữa ý kiến của Bộ môn điền kinh và Liên đoàn điền kinh, khiến vụ việc được đẩy lên không như mong muốn. Hậu quả là người bị ảnh hưởng nhiều nhất không phải ai khác mà chính là Hương.
Sau khi kết thúc SEA Games 26, Hương vẫn miệt mài tập luyện để sớm tìm lại phong độ của mình. Sau vụ việc vừa xảy ra, rõ ràng là tâm lý của Vũ Thị Hương sẽ càng bị ảnh hưởng, dù cô khẳng định, việc có được đầu tư trọng điểm để giành vé dự Olympic với mình không quá quan trọng nữa.
Vấn đề còn lại, Hương cần được chữa trị dứt điểm chấn thương, khi thời gian từ nay đến các giải đấu có tính chất tuyển chọn Olympic 2012 là Grand Prix châu Á (3 chặng vào tháng 5/2012 tại Thái Lan) và giải Ngôi sao châu Á (tháng 6 tại Kazakhstan) không còn nhiều.
Ông Thủy khẳng định, Hương vẫn được đầu tư như các VĐV khác để giành chuẩn. Tất nhiên cô sẽ phải đảm bảo thể lực để bước vào các cuộc tranh tài năm tới. Còn với Liên đoàn điền kinh, rõ ràng là thay vì động viên bằng lời, bằng sự cam kết không loại khỏi danh sách đầu tư trọng điểm, cần có những hành động cụ thể hơn, trước mắt là chữa trị chấn thương cho Vũ Thị Hương.
Bản thân Hương cũng mong muốn, cô không quan tâm tới việc có được đầu tư trọng điểm hay không mà cần lấy lại phong độ càng sớm càng tốt.
Cuối cùng, dù có những mâu thuẫn giữa bộ môn và Liên đoàn nhưng cả hai đều khẳng định không bao giờ bỏ rơi Hương. Suốt từ năm 2004 đến nay, Hương vẫn là một trong những VĐV được ưu tiên đầu tư hàng đầu của điền kinh Việt Nam.
Bằng Tường