Nỗi niềm của nữ cầu thủ ngày 8/3

(Dân trí) - So với các đồng nghiệp nam, nhiệm vụ của các cầu thủ nữ nặng nề không kém. Thậm chí, trên bình diện quốc tế, đội tuyển nữ Việt Nam cũng giành nhiều vinh quang hơn những đấng mầy râu, nhưng thiệt thòi cho các cô gái là chế độ đãi ngộ của họ thua xa.

Cầu thủ bóng đá là một trong những nghề có thu nhập bình quân cao nhất nước hiện nay. Nhưng đấy là nói đến giới cầu thủ nam, còn với các cầu thủ nữ, đá bóng không phải là nghề hái ra tiền, mà đơn giản đó là đam mê.

Trong khi các đồng nghiệp nam lãnh lương vài chục triệu đồng/tháng, cùng con số tương tự sau mỗi trận thắng hàng tuần, đến từ các khoảng thưởng là bình thường, thì với các cô gái đá bóng, được nhận mức vài triệu đồng/tháng đã là mừng. Mừng vì dù sao cũng có con số ổn định, để có điều kiện theo đuổi đam mê với nghề.

Công bằng mà nói, trong mấy năm trở lại đây, đời sống của các cầu thủ nữ đã tốt hơn, nhờ có sự quan tâm của một vài doanh nghiệp tâm huyết với bóng đá, thấu hiểu nỗi khó khăn của phận con gái đá bóng.

Phận con gái phải dãi nắng, dầm mưa đá bóng đã là một sự khó khăn (ảnh: Trọng Vũ)
Phận con gái phải dãi nắng, dầm mưa đá bóng đã là một sự khó khăn (ảnh: Trọng Vũ)

Tuy nhiên, để mơ về giấc mơ được đãi ngộ tương đương với các đồng nghiệp nam, có lẽ giới cầu thủ nữ cũng chẳng dám mơ đến. Với họ, đơn giản chỉ là được quan tâm hơn chút nữa, vì khi được quan tâm hơn một chút, phận cầu thủ nữ sẽ đỡ cực hơn một chút.

Thế nhưng, bất chấp những khó khăn phải đối diện, các cầu thủ nữ vẫn miệt mài mang vinh quang về cho bóng đá nước nhà, những vinh quang còn chói lọi và có mật độ cao hơn hẳn so với những gì mà các đồng nghiệp nam làm được.

SEA Games tới đây, đội bóng bóng đá nữ và đội tuyển nam có cùng một mục tiêu, đó là hạ bệ người Thái để đoạt bộ HCV. Thế nhưng, so với đội tuyển bóng đá nam, cơ hội đối với đội tuyển bóng đá nữ cao hơn.

Để trở thành cầu thủ, các cô gái nhiều khi còn phải đấu tranh tư tưởng với... gia đình của mình (ảnh: Trọng Vũ)
Để trở thành cầu thủ, các cô gái nhiều khi còn phải đấu tranh tư tưởng với... gia đình của mình (ảnh: Trọng Vũ)

Trong khi bóng đá nữ từ lâu vẫn giữ được vị thế hàng đầu Đông Nam Á, thì bóng đá nam đang tuột dần xuống phía sau. Từ chỗ có thể cạnh tranh ngôi vô địch bóng đá khu vực các năm trước, hiện tại các đội tuyển nam của chúng ta chỉ thường dừng chân ở bán kết.

Ngày 8/3, phận con gái đá bóng cũng chẳng mong gì đặc biệt, chỉ mong giành thành tích cao hơn nữa cho bóng đá Việt Nam. Như tân Quả bóng vàng Việt Nam Huỳnh Như chia sẻ, rằng mong ước lớn nhất trong năm 2017 của cô là đổi màu huy chương SEA Games, từ bạc thành vàng.

Để thực hiện được điều đó, các cô gái vẫn miệt mài, vẫn đối diện với cái nắng, cái nóng trên các sân bóng, để theo đuổi đam mê của mình, và thể hiện trách nhiệm với cái nghề, với con đường mà họ đã chọn.

QBV Việt Nam 2016 Huỳnh Như mong bóng đá nữ đổi từ bạc sang HCV tại SEA Games vào tháng 8 năm nay (ảnh: Trọng Vũ)
QBV Việt Nam 2016 Huỳnh Như mong bóng đá nữ đổi từ bạc sang HCV tại SEA Games vào tháng 8 năm nay (ảnh: Trọng Vũ)

Một niềm đam mê mà bản thân các cô đã phải hy sinh nhiều điều. Nhưng bản thân các cầu thủ nữa phần đông không hối tiếc vì những khó nhọc họ đã và đang trải qua, cũng không có ý định quay đầu lại.

Đội trưởng đội tuyển nữ Việt Nam, cầu thủ nữ từng được bầu là hay nhất Đông Nam Á, Đặng Thị Kiều Trinh từng nói: “Nếu được chọn lại, em vẫn sẽ chọn bóng đá!”.

Ngày đấy, cách nay mười mấy năm, Kiều Trinh từng nói dối cha mẹ đi học thêm để được đi tập bóng đá tận vùng quê Sa Đéc (Đồng Tháp), vì hiếm phụ huynh nào chấp nhận cho con gái mình dầm mưa, dãi nắng chạy theo quả bóng tròn.

Hoá ra những lời nói dối ngày ấy chính là tiền đề để bóng đá Việt Nam có được một thủ môn xuất sắc ngày nay, được cả Đông Nam Á kiêng dè.

Với các đồng nghiệp nam, nghề cầu thủ là nghề hấp dẫn, nhưng với các cô gái đá bóng đá, sự hiện diện của họ trên sân cỏ hiện tại, đằng sau nó là những sự đánh đổi lớn lao và đáng trân trọng!

Kim Điền

Nỗi niềm của nữ cầu thủ ngày 8/3 - 4