Những thông tin thú vị sau trận Milan - Liverpool

Bằng một trận cầu kinh điển kéo dài hơn 120 phút, Liverpool đã giành Cup vô địch châu Âu sau 21 năm chờ đợi. Và còn có thêm nhiều điều thú vị xung quang kỳ tích này.

Kiểu khoa chân múa tay của thủ môn Dudek trước khi phá phạt đền chính là do anh học được ở cựu thủ môn Liverpool, Bruce Grobbelaar. Trong quá khứ, Grobbelaar từng nổi tiếng với món "rang lạc" trên vạch cầu môn, và chính anh là người hùng của trận chung kết Cup C1 21 năm trước, khi Liverpool thắng Roma 4-2 bằng luân lưu.

 

Có một điều đáng lưu ý: hai năm trước, khi Milan đoạt Cup (thắng Juve), thì Serginho đá luân lưu đầu tiên còn Shevchenko đá cuối cùng, và cả hai đều đá thành công. Lần này cả hai cũng đều được xếp thứ tự đá như trước, nhưng cả hai đá trượt và Milan không thể ôm Cup một lần nữa.

 

Khi Milan dẫn 3-0, bình luận viên của BBC (Anh) buồn bã thốt lên: "Số phận của Liverpool coi như đã được định đoạt". Và khi "Quỷ đỏ" gỡ hòa 3-3, ông này hét lên sung sướng "sự trở lại kinh hoàng".

 

Cũng tương tự như thế, tờ Marca (Tây Ban Nha) giật "Crespo đưa Cup về cho Milan" sau khi hiệp một kết thúc. Để rồi hiệp hai lại đưa lên một tít có phông chữ khổng lồ "Xabi Alonso gỡ hòa 3-3, ba bàn trong 5 năm phút cực kỳ bất ngờ".

 

Chưa bao giờ trong một trận chung kết ở các giải đấu đỉnh cao (thậm chí nhỏ hơn), có chuyện một đội dẫn 3 bàn rồi bị gỡ lại và thua. Trong lịch sử Cup C1 chỉ có 2 trận chung kết mang tính rượt đuổi lớn gần như thế này. Đó là vào năm tổ chức đầu tiên, khi Real gặp Stade de Reims. Đội bóng Pháp là chủ nhà và dẫn Real tới 2 bàn chỉ trong 10 phút đầu. Nhưng CLB Hoàng gia đã lật ngược tình thế để thắng chung cuộc 4-3. Trận chung kết thứ hai như vậy là khi Benfica tranh Cup C1 với Real năm 1962. Lúc đó Real dẫn hai bàn đều do công huyền thoại Puskas, nhưng cuối cùng Benfica cùng sự bùng nổ của Eusebio đã thắng lại 5-3.

 

Trong các trận không phải là chung kết ở Cup C1 hay Champions League, nổi tiếng nhất có lẽ là trận bán kết lượt đi năm 1999 giữa Dynamo Kiev và Bayern Munich. Đội chủ nhà Kiev với Shevchenko cũng dẫn trước 3 bàn, để rồi gã khổng lồ nước Đức san bằng tỷ số 3-3 nhờ một bản lĩnh thép. Trận lượt về Bayern thắng 1-0, lọt vào chung kết gặp MU (thua 1-2). Vì thế có thể coi như lịch sử đã lặp lại với Shevchenko.

 

Ở đỉnh cao hơn, có lẽ chỉ có trận chung kết World Cup năm 1986 là có thể sánh được phần nào. Argentina của Maradona đã dẫn trước Tây Đức 2-0. Nhưng trong 20 phút cuối, "xe tăng lì lợm" đã gỡ lại 2-2. Tưởng như phải đá thêm hiệp phụ thì đúng phút 89, Maradona xỉa bóng siêu hạng, tạo điều kiện để Burruchaga ấn định chiến thắng 3-2 cho Argentina.

 

Có một điều kỳ lạ là cả 4 lần đoạt Cup C1 trước, Liverpool đều mặc áo đỏ và thắng đội áo trắng. Lần này cũng vậy. Không hiểu có chuyện gì "tâm linh" hoặc "bùa chú" gì không?

 

HLV Benitez trở thành người thứ 5 trong hai năm liên tục giành hai chiếc Cup châu Âu khác nhau. Những người trước đó là Rocco (giành Cup C2 năm 1968 và Cup C1 năm 1969 với Milan), Paisley (Cup C3 năm 1976 và Cup C1 năm 1977 với Liverpool), Giovani Trapattoni (Cup C2 năm 1984 và Cup C1 năm 1985 với Juventus), Jose Mourinho (Cup C3 năm 2003 và Champions League năm 2004 với Porto). Nhưng Benitez mới là người hay nhất trong số này bởi ông giành hai Cup với hai CLB khác nhau: Cup UEFA năm ngoái với Valencia, và Champions League năm nay với Liverpool. 

 

Ở Champions League mùa này, Liverpool cứ ghi bàn là y như rằng họ giành thắng lợi. Trải qua tổng cộng 15 trận (tính cả hai trận sơ loại), Liverpool thắng 9, hòa 3, thua 3, ghi được 19 bàn (không tính bàn Andrade đưa vào lưới nhà Deportivo ở vòng bảng), thủng lưới 10 bàn.

 

Cả hai đội bóng Anh giành Champions League cho đến nay là MU và Liverpool đều là những đội không phải là quán quân giải Ngoại hạng trong mùa trước đó.

 

Tiến Dũng (VnE) tổng hợp