Những tài năng “bỏ phí” của đội tuyển Anh trong lịch sử
(Dân trí) - Dù rất tài năng nhưng những Steve Bruce, Les Ferdinand, Robbie Fowler… dường như không có duyên với đội tuyển Anh, số trận góp mặt của những danh thủ lừng danh này trong màu áo Tam Sư chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Steve Bruce chưa một lần khoác áo tuyển Anh
Thậm chí, ông cũng chỉ thi đấu vỏn vẹn 8 trận đấu trong thành phần các…đội trẻ của Anh. Dù kém duyên với đội tuyển nhưng đổi lại Steve Bruce rất thành công cùng Quỷ đỏ, trong 9 năm khoác áo đội bóng này, ông ra sân 309 trận, ghi 36 bàn. Cùng với đó, ông giành được 3 Premier League (3 lần á quân), 3 FA cùng MU.
Les Ferdinand: Được đánh giá là một trong những tiền đạo sáng giá nhất nước Anh trong thập niên 90 của thế kỷ trước nhưng đáng buồn, Les Ferdinand mới chỉ khoác áo Tam Sư…17 lần (ghi 5 bàn).
Có thể nói sự nghiệp ông anh họ của trung vệ Rio Ferdinand này khá lận đận, nếu như anh không từ chối MU, Arsenal để tiếp tục gắn bó với QPR (sau đó tiếp tục từ chối những CLB này gia nhập Newcaslte) có lẽ số phận của Les Ferdinand đã khác. Sir Les (Les Ferdinand được phong tước MBE) từng tham gia hai giải đấu lớn là Euro 1996 và World Cup 1998 nhưng anh không được ra sân bất cứ một phút nào (trong đó ở World Cup 1998 bị chấn thương).
Robbie Fowler: Có lẽ Fowler nên oán trách số phận khi anh sinh cùng thời với rất nhiều “sát thủ” đẳng cấp của Anh như Shearer, Sheringham, Les Ferdinand (và thậm chí cả Owen). Trong sự nghiệp, Fowler mới chỉ thi đấu cho tuyển Anh đúng 26 trận (ghi 7 bàn) mặc dù trong giai đoạn này, anh đang “bay cao” cùng Liverpool.
Scott Parker phải sống dưới cái bóng quá lớn của Lampard – Gerrard trong thời gian dài
Scott Parker: Trong phần lớn thời gian sự nghiệp, Parker sống dưới cái bóng quá lớn của bộ đôi Lampard – Gerrard. Vì vậy, dù thi đấu rất hay nhưng tính tới thời điểm này, số trận khoác áo Tam Sư của tiền vệ 31 tuổi chưa vượt quá…số ngón tay (9 lần).
Terry McDermott: Ông được biết đến với tư cách là trụ cột của Liverpool trong giai đoạn hoàng kim của đội bóng này nhưng McDermott mới chỉ 27 lần khoác áo đội tuyển Anh.
Dennis Mortimer: “Bảng vàng” của Aston Villa khắc tên Mortimer như một trong những huyền thoại của đội bóng. Trong 10 năm cống hiến cùng đội chủ sân Villa Park, ông ra sân 317 lần (ghi 31 bàn thắng) giúp đội bóng này giành 1 chức vô địch giải Ngoại Hạng, 1 Cup C1 trong 2 năm liên tiếp. Mặc dù vậy, sự nghiệp của Mortimer ở đội tuyển chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Matt Le Tissier: Có lẽ những CĐV của Premier League không thể quên được hình ảnh Matt Le Tissier, một “sát thủ” thực sự, một cầu thủ của những bàn thắng không tưởng và hơn hết, anh là biểu tượng của Southampton (gắn bó trọn đời với đội bóng này). Nhưng “biểu tượng” này vẫn bị “bỏ quên” ở đội tuyển khi anh chỉ khoác áo Tam Sư đúng 6 lần.
Matt Le Tissier cũng là một trong số những cầu thủ “hẩm hiu”
Laurie Cunningham: Ông là cầu thủ da màu đầu tiên khoác áo đội tuyển Anh nhưng đáng tiếc sự nghiệp của Cunningham ở đội tuyển đã bị nhấn chìm sau những tranh cãi gay gắt giữa Real Madrid (đội bóng chủ quản của ông) và LĐBĐ Anh (FA).
Nobby Stiles: Huyền thoại của MU đã góp mặt cùng đội tuyển Anh ở World Cup 1966 nhưng sau đó ông đã mất vị trí vào tay của Alan Mullery. Tính ra, trong sự nghiệp, ông chỉ góp mặt trong 28 trận của đội tuyển, một con số quá ít ỏi so với tài năng của huyền thoại này.
Ray Kennedy: Giành được rất nhiều danh hiệu cùng Liverpool và Arsenal nhưng ở đội tuyển ông lại không được HLV Ron Greenwood tin dùng (chiến lược gia này lựa chọn Trevor Brooking, một cầu thủ kinh nghiệm hơn). Quá thất vọng vì điều này, Ray Kennedy chủ động giã từ sự nghiệp quốc tế từ sớm (năm 1980), khi đó ông mới ra sân đúng 17 lần trong màu áo Tam Sư.
Ngoài những tên tuổi kể trên, tuyển Anh còn “bỏ phí” nhiều cầu thủ lừng danh khác như: Steve McMahon, Clive Allen, Steve Bould, Billy Bonds, Ian Callaghan, Brian Clough, Stan Collymore, Gordon Cowans, Bill Foulkes, Gordon Hodgson, Alan Kennedy, Tommy Smith, Steve Perryman, Peter Reid, Larry Lloyd hay Mike Summerbee.
H.Long