Những số áo kỳ lạ

(Dân trí) - Dù chiếc áo số 2 của Johnson vẫn còn trống nhưng Mourinho vẫn quyết định để tân binh Khalid Boulahrouz mang chiếc áo số 9. Không chịu kém cạnh, Wenger dành tặng hậu vệ mới đến Gallas chiếc áo số 10 thay vì só 3 sau khi Cole ra đi. Đó chỉ là một trong số nhiều điều kỳ lạ quanh chiếc áo số trong lịch sử bóng đá.

Hầu hết mọi đội bóng đều có ít nhất một số áo đặc biệt. Những số áo đặc biệt nổi tiếng nhất có thể kể đến là chiếc áo số 6 dành để vinh danh Franco Baresi của AC Milan hay chiếc áo số 3 tưởng nhớ Giacinto Faccheti của Inter.

 

Ai cũng biết chiếc áo số 7 là cực kỳ quan trọng đối với MU bởi người khoác chiếc áo đó phải là một niềm hy vọng lớn. Nhưng chắc chắn còn những điều bạn chưa biết!

 

World Cup 1978 và 1982, ĐT Argentina có một nguyên tắc: Đánh số áo theo thứ tự tên các cầu thủ trong bảng chữ cái. Theo đó chiếc áo số 1 và 2 luôn thuộc về Nolberto Alonso và Ossie Ardiles. Nguyên tắc này trước đó được ĐT Hà Lan áp dụng vào năm 1974 khi chiếc áo số 1 là của Ruud Geels còn số 22 chắc chắn phải là của Harry Vos.

 

Năm 1974 đó, Hà Lan ra sân với chàng thủ môn Jan Jongbloed mang số áo rất đẹp: Số 8. Nhưng một điều đặc biệt hơn thế: Thánh Johan được đặc cách mang số áo riêng của mình. Thay vì số 1 với chữ cái C đầu tiên trong tên của mình, Johan Cruyff mang số áo 14 huyền thoại.

 

Những số áo kỳ lạ - 1

Thánh Johan với số 14 huyền thoại.

 

Thêm nữa, điều ít người biết đến là chiếc áo Cruyff mặc không giống như đồng phục của cả đội: Nó có đến 2 vạch sọc ở cánh tay thay vì 1 vạch, nguyên do là bởi khi đó một nhà tài trợ lớn của ông đã yêu cầu như vậy.

 

Nguyên tắc đánh số áo theo thứ tự ABC đến với xứ sở sương mù vào những năm 90,  và đội bóng đầu tiên áp dụng nó là Charlton Athletic. Khi đó, thủ thành người Scotland Stuart Balmer đã mang áo số 1 trong suốt thời gian khoác áo Charlton. Đến giờ thì truyền thống đó không còn nữa.

 

Ngôi vị chiếc áo kỳ lạ nhất là cuộc cạnh tranh của khá nhiều ứng cử  viên. Lịch sử bóng đá thế giới đã từng chứng kiến một chiếc áo số … 0!

 

Đó là trường hợp của chàng tiền đạo người Marốc Hicham Zerouali, người khoác áo CLB nổi tiếng Scotland Aberdeen từ năm 1999 đến năm 2002. Đây là một sự đặc cách của liên đoàn bóng đá Scotland SPL đối với anh chàng này vì biệt danh của anh là “Zero”.

 

Kỳ lạ hơn thế là số áo của Ivan Zamorano tại Inter Milan kể từ sau khi “người ngoài hành tinh” Ronaldo đến đầu quân cho CLB này.

 

Trước đó, số áo ở cả CLB và đội tuyển Chilê của Ivan luôn là số 9,  nhưng quá phấn khởi với việc Inter có được tiền đạo xuất sắc nhất thế giới lúc bấy giờ, Ivan quyết định nhường số 9 của mình cho Ronaldo và “tậu” một số áo mới: 1+8. Đến nay, những Interista vẫn nhớ về chàng trai vàng của mình với số áo “có một không hai” đó.

 

Những số áo kỳ lạ - 2

Chiếc áo số 1+8 của Ivan Zamorano 
trong phòng truyền thống của Inter Milan

 

Hẳn những ai đã theo dõi Euro 2004 còn nhớ rất rõ chàng thủ môn tài ba Vitor Baia của đội chủ nhà Bồ Đào Nha. Ngoài những pha bắt bóng chắc chắn và hoa mỹ,  Vitor còn nổi tiếng với số áo 99 của mình. Cho đến nay, đó vẫn là số áo giữ lỷ lục cao nhất của bóng đá châu Âu.

 

Nhưng đó chỉ là kỷ lục của bóng đá châu Âu, bởi số 99 không thể vượt qua số 100 của một cầu thủ Mexico! Đội bóng đã vào đến bán kết Copa Libertadores mùa vừa qua là Guadalajara sở hữu tiền đạo tài năng Adolfo Bautista với số áo 100 trên lưng.

 

Tuy nhiên, anh chỉ được mang số áo này trong những trận đấu của giải quốc gia Mexico Clausura và Apertura. Luật của FIFA không cho phép các cầu thủ mang những số áo có 3 chữ số trong các trận đấu của Copa Libertadores.

 

Nhưng thú vị nhất phải kể đến một số áo không quá cao, cũng không quá đặc biệt: số 69 của hậu vệ nổi tiếng Bixente Lizarazu.

 

Trong những năm cuối cùng trong sự nghiệp của mình, thay vì mang áo số 3 như trước đó, Bixente đã chạy dọc hành lang cánh trái của đội tuyển Pháp và Bayern Munich với số áo 69. Không phải ngẫu nhiên mà anh quyết định chọn số áo 69: Lizarazu sinh năm 1969, anh cao 169cm và nặng vừa đúng 69 kg!

 

Hà Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm