1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Những điểm nhấn của bóng đá Việt Nam trong năm 2014

(Dân trí) - Có niềm vui xen lẫn nỗi buồn, một năm đầy ắp sự kiện của bóng đá nội khép lại việc đội tuyển nam vào bán kết AFF Cup 2014, dù không được đánh giá cao trước giải. Đấy cũng là sự kiện đáng chú ý nhất của bóng đá nội trong năm.

1/ Đội tuyển bóng đá nam vào bán kết AFF Cup 2014. Đặt trong hoàn cảnh khác, đây chẳng phải là thành tích gì ghê gớm với bóng đá Việt Nam, nhưng kỳ thực là với sự sa sút của bóng đá nội trong vài năm qua, việc vào đến bán kết giải vô địch Đông Nam Á là thành công lớn, xét trên chất lượng con người khá tầm thường mà chúng ta có. Thậm chí, ngay trước khi giải bắt đầu, chính những người quản lý bóng đá nội còn không chú ý mấy đến đội tuyển của HLV Miura.

Đội tuyển Việt Nam vào bán kết AFF Cup 2014 là sự kiện đáng chú ý nhất trong năm (ảnh: Gia Hưng)
Đội tuyển Việt Nam vào bán kết AFF Cup 2014 là sự kiện đáng chú ý nhất trong năm (ảnh: Gia Hưng)

2/ Đội tuyển bóng đá nữ thất bại với mục tiêu giành vé vào VCK World Cup. Đây được xem là mục tiêu lịch sử với bóng đá Việt Nam, nhưng chúng ta lại thất bại trong trận đấu quan trọng nhất với Thái Lan. Thất bại này cũng phản ánh khả năng chuẩn bị kém của VFF, họ không có những chuyển động đáng kể cho đội tuyển nữ, ngoài chuyện cố kéo VCK giải châu Á (cũng là vòng loại World Cup) về sân nhà, nâng chế độ và hứa thưởng đậm cho đội tuyển nữ.

đội tuyển nữ Việt Nam thất bại với mục tiêu tìm vé vào VCK World Cup 2015 (ảnh: Trọng Vũ)
Đội tuyển nữ Việt Nam thất bại với mục tiêu tìm vé vào VCK World Cup 2015 (ảnh: Trọng Vũ)

3/ Hiệu ứng U19. Có thể thành tích của đội tuyển U19 Việt Nam ở giải U19 hoặc U22 Đông Nam Á chưa là gì, vì rốt cuộc đội vẫn không thể đứng nhất. Ở VCK châu Á, giải đấu mà đội tuyển U19 cũng được đặt mục tiêu là giành vé dự VCK U20 thế giới, đội cũng không thành công. Nhưng gạt sang một bên chuyện thắng – thua, người ta mê đội này ở chỗ họ đá đẹp, khác với sự xấu xí của V-League. Đấy cũng là đội bóng hiếm hoi tạo ra hiệu ứng mạnh thu hút khán giả đến sân, biến cụm từ “U19” trở thành một thương hiệu.

4/ VFF có tân chủ tịch. Với số phiếu gần như tuyệt đối, ông Lê Hùng Dũng một mình một ngựa về nhất trong cuộc đua đến ghế chủ tịch cơ quan quyền lực nhất bóng đá nội, cùng với hàng loạt lời hứa và những mục tiêu lớn lao để thay đổi bộ mặt bóng đá Việt Nam. Dù vậy, điều dễ thấy nhất là mục tiêu quan trọng nhất, cũng là mục tiêu gần với một doanh nhân như ông Dũng nhất là kiếm tiền thì ông Dũng chưa thực hiện xong. Ngay trong năm đầu tiên ngồi ghế chủ tịch VFF, ông Dũng… cắt tài trợ cho V-League, dù trước đó từng hứa sẽ mang về vào trăm tỷ đồng cho bóng đá nội ở nhiệm kỳ của ông.

5/ Hai vụ bán độ và dàn xếp tỷ số bị phanh phui. Nếu như những lời hứa về vé dự VCK World Cup của đội tuyển nữ và đội U19 bất thành, hoặc bất lực trong khả năng kêu gọi tài trợ là điểm trừ của ông Dũng, thì việc ông mạnh tay với tiêu cực là điểm cộng đáng kể của ông. Hàng loạt cầu thủ V.Ninh Bình và Đồng Nai sắp phải hầu tòa vì bán độ và dàn xếp tỷ số. Theo lời người đứng đầu VFF, chuyên án chống tiêu cực sẽ chưa dừng lại và ông sẽ làm đến cùng chừng nào còn ngồi ghế lãnh đạo VFF.

6/ Đội tuyển Olympic gây tiếng vang tại Asiad. Cũng giống như đội tuyển quốc gia, không ai chú ý đến đội tuyển Olympic cho đến khi lứa cầu thủ này đánh bại Iran rồi Kyrgyzstan tại môn bóng đá nam Asiad 17. Dù thua UAE ở vòng 1/8, nhưng việc vượt qua một bảng đấu khó và vào đến giai đoạn đấy cũng là thành công lớn của HLV Miura và các học trò.

7/ Đội tuyển futsal vào tứ kết giải châu Á. Đây là một cột mốc mang tính lịch sử khác của bóng đá Việt Nam, lần đầu tiên bóng đá trong nhà nước ta có đại diện vào đến vòng knock-out giải châu lục. Mục tiêu tiếp theo của đội tuyển futsal Việt Nam sẽ là VCK World Cup futsal 2016.

B.Bình Dương vô địch V-League sau 6 năm trắng tay (ảnh: Kim Điền)
B.Bình Dương vô địch V-League sau 6 năm trắng tay (ảnh: Kim Điền)

8/ B.Bình Dương vô địch V-League 2014. Sau 6 năm trắng tay, đội bóng giàu có đất Thủ Dầu trở lại với ngôi vô địch quốc gia. Công lớn thuộc về HLV Lê Thụy Hải, nhưng không thể phủ nhận đường đến ngôi vô địch của B.Bình Dương trải đầy hoa hồng, do các đối thủ của họ chủ động “hãm phanh” trước đích đến.

9/ Trào lưu xóa tên các CLB bóng đá vẫn chưa dừng lại. Kết thúc V-League 2014, người ta chứng kiến cảnh An Giang tuyên bố bỏ bóng đá đỉnh cao. Đây là sự kiện đáng nói ở chỗ An Giang vốn là địa phương vốn là truyền thống bóng đá, nhưng vì sa vào cách làm thiếu khoa học do chính những người điều hành bóng đá nội vạch đường sai, nên càng ngày càng sa lầy rồi phải giải tán. Những vụ xóa sổ liên tiếp ấy buộc VFF vào cuối năm phải thay đổi chiến lược phát triển các CLB, theo hướng siết chặt ngoại binh và quy định chuyển nhượng – cũng là siết chặt khâu tài chính, cho các CLB đỡ… ngợp.

10/ V-League lần đầu tiên có trưởng giải ngoại. Lần đâu tiên trong lịch sử giải VĐQG, chúng ta có trưởng BTC là người nước ngoài, đấy là ông Tanaka Koji (Nhật). Dù vậy, dấu ấn của trưởng giải ngoại không lớn, khi thực chất quyền của ông không to, không quản lý được các ban bệ khác trong việc tổ chức nên giải đấu. Dư luận cũng hồ nghi rằng người ta dựng nên trưởng giải ngoại chủ yếu là để tránh áp lực dư luận, hơn là để tận dụng chất xám của chuyên gia Koji.

Trọng Vũ