1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Những cuộc lật đổ bẩn thỉu ở CLB SLNA

Theo <a href=" http://www1.dantri.com.vn/The-Thao/2006/1/96154.vip">những chứng cứ đã phản ánh</a> thì tại CLB Pjico SLNA, nhóm cầu thủ mà Nguyễn Hữu Thắng “nâng đỡ” sau nhiều lần bị kỷ luật đều “vượt khỏi tầm kiểm soát” của BHL, quay sang “phò” Thắng.

Sau chức vô địch mùa bóng 2000/01, cầu thủ của đội bóng này bắt đầu đá bóng theo sự điều khiển của thế lực bên ngoài sân cỏ nhiều hơn là của HLV. Những trận thua liên tiếp diễn ra thường xuyên.

 

Điển hình là trận bán kết Cúp quốc gia với Thể Công năm 2004 tại sân Vinh. Lúc đó, ông Nguyễn Thành Vinh vẫn là HLV trưởng, đang dẫn dắt đội bóng lọt vào tốp thứ tư giải chuyên nghiệp, nhưng khi đá với Thể Công thì cầu thủ vật vờ lạ lùng. Đá giải chuyên nghiệp SLNA thắng Thể Công với tỷ số “khổng lồ”: 8-1, nhưng trận đấu Cúp quốc gia thì đến phút 82, tỷ số vẫn chỉ là 1-1.

 

Lúc đó, có lẽ do nhóm cầu thủ “cưng” của Thắng không biết làm cách nào để... “thua” nên thủ môn Dương Hồng Sơn, trong một pha chụp bóng, dù đã ôm gọn bóng trong tay nhưng cố tình đánh cùi chỏ vào mặt một cầu thủ Thể Công để được nhận thẻ đỏ ra sân. Thể Công được hưởng phạt đền, và tỷ số chung cuộc Thể Công thắng SLNA 2-1 ngay tại Vinh.

 

CLB họp đề nghị kỷ luật một số cầu thủ nhưng Thắng đã xin xỏ cho nhóm cầu thủ trên. Đây cũng là thời điểm mà ông Vinh lỡ “hứa” với lãnh đạo tỉnh là sẽ đưa đội lọt vào tốp 3 giải chuyên nghiệp, nhưng rồi cuối cùng chỉ đứng thứ 5. Dưới sức ép từ nhiều phía, từ sự “cứng đầu” của cầu thủ, ông Vinh cảm thấy phải rút lui nên làm đơn xin từ chức, chờ quyết định nghỉ hưu.

 

Ông Vinh ra đi mà lòng nặng trĩu bởi hình ảnh về những cầu thủ, học trò mà ông đào tạo bao nhiêu năm nay đã đổi thay. Phía sau sự ra đi của ông là hàng loạt vụ hăm dọa diễn ra đối với các vị lãnh đạo muốn làm sạch bóng đá xứ Nghệ. Nhà ông Nguyễn Hoàng Thụ, Giám đốc Sở TD-TT bị “tặng” bức trướng, vòng hoa tang (như đã đề cập ở bài báo trước). Nhà ông Chủ tịch CLB Trịnh Thành Tài thì luôn nhận được điện thoại, tin nhắn hăm dọa vào ban đêm; thậm chí phòng làm việc của ông bị đột nhập và lục tung mọi thứ đồ đạc.

 

Ông Tài lúc đó là Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An, được lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ đồng Chủ tịch CLB cùng với ông Trần Nghĩa Vinh. Vì có ý định đưa bóng đá vào quy củ nên ông đã nhận được sự cảnh cáo như trên.

 

Mùa bóng 2004/05,  SLNA đã phơi bày tất cả những ung nhọt vốn có của nó, đó là sự thao túng, lật đổ lẫn nhau của một nhóm cầu thủ, lãnh đạo đội bóng. Mùa bóng này, chức HLV được giao cho ông Nguyễn Văn Thịnh. Đến giờ này, ông Thịnh ngồi nhớ lại vẫn “không hiểu” điều gì đang xảy ra với những đôi chân các học trò mà ông từng đào tạo từ đội trẻ đưa lên.

 

Điển hình là Phạm Văn Quyến. Chính ông Thịnh là người đã phát hiện và cưu mang Quyến vào đời và cả vào nghiệp đá bóng. Nhưng khi ông lên làm HLV thì Quyến “quên” thầy cũ theo thầy mới. Có những lúc, chàng tiền đạo tài hoa này đá 16 trận liền không ghi được bàn thắng nào, cứ chạy vật vờ trên sân. Hàng loạt cầu thủ cáo bệnh, chấn thương để không thi đấu. Quyến lúc này đang được cầu thủ Huy Hoàng dẫn dắt, che chắn và nâng đỡ cả trong và ngoài sân cỏ. Chỉ có Hoàng, Hữu Thắng nhắc nhở, sai bảo thì Quyến mới nghe.

 

Còn Quốc Vượng được sự “dẫn dắt” của Nguyễn Phi Hùng đi theo con đường ăn chơi sa đọa, cờ bạc như chính bản thân Hùng đang sống. Biết Hùng là người như thế, nhưng bố Vượng vẫn không tài nào ngăn được. Dù đã có lần thấy Hùng vào nhà rủ Vượng đi, ông Quang, bố Vượng đã hăm: “Mày hãy buông tha cho con tao, không tao cho mày biết tay...”.

 

Trở lại với ông Thịnh, nhiều trận đấu có “mùi” diễn ra dưới thời ông cầm quân nhưng rồi ông đành bó tay trước các học trò. Như trận đá với M. Hải Phòng ngày 13/3/2005 ngay tại Vinh. Hết hiệp 1, SLNA đang dẫn trước 4-1, nhưng đến phút 72 của trận đấu thì tỉ số được cân bằng 4-4. Rồi trận thua LG Hà Nội ACB 3-0, hòa với HA.GL...

 

Mỗi lúc như thế, ông Thịnh căng thẳng, HLV phó Xuân Thủy cũng cáu gắt, nhưng cầu thủ được sự vỗ về, động viên của ông Nguyễn Xuân Vinh (còn gọi Vinh Bá), trợ lý kiêm thủ quỹ của CLB. Một nhóm người lúc đó gồm Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Xuân Vinh, Huy Hoàng, Văn Quyến... trở nên thân tình, đoàn kết với nhau vô cùng. Dưới bàn tay của những con người này, một cuộc lật đổ đã diễn ra.

 

Hết mùa giải 2004/05, SLNA vẫn đứng thứ 5 giải chuyên nghiệp, nhưng ông Thịnh đã nhận ra điều mình nên làm. Ông thấy không thể quản được các cầu thủ dưới tay mình, ông đã gợi ý với lãnh đạo ngành cho ông quay lại huấn luyện cầu thủ trẻ, nhưng vì chưa có người nên tỉnh chưa đồng ý.

 

Biết được thời cơ đã đến, Nguyễn Hữu Thắng (lúc đó đang bị gạt khỏi HLV phó trong đợt cải tổ và ra đi của ông Vinh) đã chỉ đạo Nguyễn Huy Hoàng cầm lá đơn đi vận động cầu thủ, phụ huynh của cầu thủ bài xích HLV Nguyễn Văn Thịnh khỏi ghế HLV.

 

Lá đơn này được Huy Hoàng trực tiếp đi vận động gần như toàn thể cầu thủ đội bóng ký vào. Trong đó, cầu thủ mà ông Thịnh đưa về thành Vinh từ khi “ghẻ còn lở đầy chân” - Phạm Văn Quyến hăng hái ký nhất. Có những cầu thủ không ký nhưng đã bị giả chữ ký. Có ba cầu thủ ít ra còn biết được thế nào là đạo thầy trò nên không chịu ký là Quốc Vượng, Hải Nam và Văn Vinh.

 

Cuối cùng, lãnh đạo ngành thể thao của tỉnh này không còn cách nào khác là phải thay ông Thịnh bằng Nguyễn Hữu Thắng làm HLV. Những ngày qua, có thông tin cho rằng vì cú “cứng đầu” không chịu ký vào lá đơn bãi nhiệm HLV Thịnh trước đây nên Quốc Vượng đã phải trả giá bằng phi vụ vừa qua tại SEA Games 23.

 

Sau khi thực hiện được ước mơ cháy bỏng bao lâu nay là nắm chức HLV, Nguyễn Hữu Thắng ra tay khai trừ nốt thành viên BHL còn sót lại là ông Nguyễn Xuân Thủy, HLV thủ môn. Thắng cho làm ra cái gọi là “bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên BHL”. Đây là ý đồ của Thắng và Xuân Vinh nên tất cả cầu thủ đều bỏ phiếu cho ông Vinh và Hữu Thắng, ông Thủy thì không. Kết quả được báo lên cho lãnh đạo Sở và tung lên mặt báo để bêu riếu ông Thủy. Ông Thủy bị chuyển xuống làm Phó ban đào tạo bóng đá trẻ, nhường hẳn đội bóng cho Hữu Thắng và Xuân Vinh.

 

Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm này, những người biết chuyện đều hiểu đây là chiêu độc của phe lật đổ, nhưng có một khuôn mặt bị dân xứ Nghệ lên án nhiều nhất là cầu thủ Nguyễn Huy Hoàng. Hoàng là học trò, vừa là cháu kết nghĩa của ông Thủy, được ông nuôi nấng dạy dỗ từ nhỏ. Việc bỏ phiếu kín mà ông Thủy không được cả phiếu của Hoàng thì rất buồn cười.

 

Anh trai của Huy Hoàng không chịu kiểu hành xử của em mình đã chửi đánh Hoàng, không cho Hoàng thắp hương trước bàn thờ cha nữa. Hai anh em đang ở chung, nhưng sau vụ này anh trai Hoàng mang theo người vợ đang mang thai thuê nhà khác ở và từ đứa em cầu thủ đang mưu cầu quyền thế cùng với Hữu Thắng.

 

Tiếc thay, “con đường” mà những thế lực ngầm ở đội bóng xứ Nghệ mưu toan xây dựng lâu nay quá nhiều sự xấu xa nên khó vẹn toàn. Chỉ sau vài tháng cầm quân, những cầu thủ dưới sự dẫn dắt của Hữu Thắng phơi bày bộ mặt thật của thầy trò họ qua vụ bán độ tại SEA Games 23 vừa xảy ra. Đã đến lúc những âm mưu thao túng quyền lực trong bóng đá phải được lôi ra ánh sáng và trừng trị.

 

Theo Công an TPHCM