Nhìn lại Premier League 2019/20: Không ai khó ba đời

H.Long

(Dân trí) - Định mệnh không bao giờ khước từ ai. Phần thưởng chỉ giành cho kẻ nỗ lực và biết vươn lên. Liverpool ở mùa giải này là hình ảnh rõ nét nhất cho triết lý này.

“Jurgen Klopp xứng đáng với chức vô địch Premier League. Ông ấy đã làm rất tốt” - HLV lừng danh Sir Alex Ferguson chia sẻ trong video chúc mừng HLV trưởng của Liverpool. Và có một chi tiết, sau đêm vô địch, Jurgen Klopp đã gọi báo tin cho Sir Alex Ferguson lúc hơn 3 giờ sáng.

Nhìn lại Premier League 2019/20: Không ai khó ba đời - 1

Jurgen Klopp đã xây dựng nên tập thể vô địch nhờ sự cần mẫn của mình

Chi tiết ấy nói lên nhiều điều. Nó cho thấy “chất điên” của Jurgen Klopp. Chẳng ai “dám” gọi điện cho người vốn không hẳn thân thiết vào cái giờ ấy. Nhưng ở khía cạnh khác, nó cũng cho thấy sự tôn trọng, tình cảm quý mến của HLV người Đức với vị tiền bối, người đã làm nên lịch sử của Premier League.

Ai cũng biết, Sir Alex Ferguson chính là người làm nên kỷ nguyên thống trị của Man Utd ở Premier League. Giữa “ông già gân” và Jurgen Klopp là cả thế hệ nhưng giữa họ có nhiều nét tương đồng.

Họ đều là những con người có cá tính mạnh nhưng đầy tình thương với các học trò. Họ xây dựng đội hình vô địch từ con số không, bằng sự cần mẫn, chứ không phải bằng núi tiền. Triết lý chuyển nhượng của cả hai đều khá tương đồng. Họ không vung tiền bừa bãi và chỉ chi tiền ở thương vụ thật cần thiết. Thay vào đó, cả hai HLV đều cố gắng phát huy tối đa tiềm lực của đội hình.

Có thống kê đáng chú ý, kể từ khi tiếp quản Liverpool, HLV Jurgen Klopp chỉ sử dụng 107.58 triệu bảng (số tiền chênh lệch giữa mua và bán cầu thủ) và xếp thứ 14 ở Premier League. Con số này kém rất nhiều so với Man City (601,98 triệu bảng), Man Utd (484,88 triệu bảng), Arsenal (267,88 triệu bảng).

Jurgen Klopp không bao giờ mua sắm ồ ạt. Thay vào đó, ông chỉ bổ sung từng điểm yếu qua từng mùa giải. Ông chiêu mộ Salah, Sadio Mane để tăng cường tấn công trong những năm đầu triều đại. Sau đó là những bản hợp đồng Van Dijk, Alisson để “vá” điểm yếu ở vị trí trung vệ và thủ môn trong những năm tiếp theo. Cả hai hợp đồng này đều có giá chuyển nhượng cao (kỷ lục thế giới) nhưng đều phát huy được hiệu quả.

Sự cần mẫn của Jurgen Klopp đã giúp Liverpool tạo nên sự cân bằng theo từng năm, để trở thành tập thể toàn diện. Bởi lẽ đó, thành tích của The Kop đã tăng lên theo từng năm. Ở mùa giải trước, Liverpool đã vươn lên vị trí thứ 2 Premier League với số điểm kỷ lục là 97. Nó tạo tiền đề cho CLB thống trị tuyệt đối Premier League mùa này.

Nhìn lại Premier League 2019/20: Không ai khó ba đời - 2

Man City dựa quá nhiều vào sự tỏa sáng của ngôi sao, không còn duy trì được sự ổn định

Trái ngược với sự vươn lên của Liverpool, Man City lại không còn giữ được sự ổn định như 2 mùa giải trước. Dù vẫn sở hữu hai đội hình rất mạnh nhưng họ lại cho thấy dấu hiệu phụ thuộc. Giai đoạn bất ổn của Man “xanh” gắn liền với khi trung vệ Laporte chấn thương. Ngoài ra, Man City cũng thường gặp khó trong việc triển khai bóng khi De Bruyne vắng mặt.

Man City thi đấu dựa khá nhiều vào cảm hứng của De Bruyne ở mùa này. Có những trận, họ sẵn sàng hủy diệt đối thủ không thương tiếc nhưng lại mất điểm vô cùng đáng tiếc ở những trận mà đáng ra phải thắng (điển hình như trận thua 2-3 trước Norwich City).

Do đó, ngay cả khi sở hữu hàng công khủng khiếp (ghi 102 bàn), sở hữu thủ thành Ederson đạt giải Găng tay vàng (dành cho thủ môn giữ sạch lưới nhiều nhất) và Vua kiến tạo De Bruyne nhưng Man City lại tệ hơn chính họ ở những mùa giải trước rất nhiều.

So với Liverpool, rõ ràng, sự gắn kết của Man City ở mùa này thấp hơn rất nhiều. Lối chơi của Pep Guardiola cũng không phải huy nhiều tác dụng. Vì vậy, gần như Man “xanh” chỉ dựa vào sự tỏa sáng của các cá nhân.

Nhìn lại Premier League 2019/20: Không ai khó ba đời - 3

Sự vươn lên của Man Utd cùng với sự tỏa sáng của Bruno Fernandes, mang tới nhiều kỳ vọng ở mùa giải tới

Sự vươn lên của Man Utd trong giai đoạn 2 ở mùa giải này cùng với sự xuất hiện của Bruno Fernandes cũng là câu chuyện đáng bàn. Dù mới chỉ cập bến Man Utd vào tháng 1 nhưng tiền vệ người Bồ Đào Nha đã thích nghi nhanh tới mức không ngờ. Điều đáng nói, Bruno Fernandes chính là mẫu nhạc trưởng mà lâu nay Man Utd tìm kiếm.

Sự ảnh hưởng của tiền vệ người Bồ Đào Nha lớn tới mức, lối chơi của Man Utd phải phụ thuộc của anh. Có nghĩa rằng, các cầu thủ Man Utd phải tập cách di chuyển, chuyền bóng, để phù hợp với lối chơi của Bruno Fernandes, chứ không còn bị động như trước.

Thành công của Bruno Fernandes hay những bản hợp đồng khác như Harry Maguire, Wan-Bissaka cho thấy HLV Solskjaer đang đi đúng hướng. Chả thế mà cựu danh thủ Gary Neville ủng hộ việc cấp thêm tiền cho HLV người Na Uy mua sắm. Nếu tiếp tục xây được bộ khung hoàn chỉnh hơn, Man Utd hoàn toàn có thể vươn lên là kẻ thách thức chức vô địch mùa tới.

Tương tự, Chelsea cũng nhìn thấy nhiều tín hiệu vui từ Frank Lampard. Dù mới dẫn dắt CLB ở mùa giải đầu tiên nhưng Lampard đã tạo nên tập thể với lối chơi tấn công vô cùng quyến rũ. Nên nhớ rằng, cựu danh thủ người Anh tiếp quản Chelsea ở thời điểm mà CLB bị cấm chuyển nhượng.

Nhưng trong cái khó, ló cái khôn. Lampard đã giúp cho nhiều cầu thủ trẻ của CLB phát huy tài năng. Điển hình như Tammy Abraham, Mason Mount, Reece James... Họ là những điểm sáng của The Blues mùa này.

Nhìn lại Premier League 2019/20: Không ai khó ba đời - 4

Lampard cho thấy tài năng ngay trong mùa giải đầu tiên dẫn dắt Chelsea

Ở mùa giải kế tiếp, Chelsea còn được tăng cường những gương mặt chất lượng như Hakim Ziyech hay Timo Werner. Họ hứa hẹn sẽ giúp sức mạnh của CLB thành London cải thiện đáng kể.

Dù có chút đáng tiếc nhưng sự vươn lên của Leicester City, Sheffield United hay Burnley ở mùa giải này cũng tạo nên nét chấm phá. Nó khiến cho các cuộc đua ở Premier League trở nên gay cấn tới phút chót.

Ở mùa sau, Premier League sẽ chào đón “người quen”, đó là Leeds. Đội bóng này đã mất tới 16 năm để trở lại hạng đấu cao nhất nước Anh. Dẫn dắt Leeds là bậc thầy chiến thuật, Marcelo Bielsa. Đây là đội bóng rất được mong chờ với số đông CĐV Premier League.