Bàn & Luận:

Nhất bên trọng, nhất bên khinh

(Dân trí) - 6 trong số 7 cầu thủ bán độ đang được cân nhắc cho thi đấu trở lại ngay trong thời gian thụ án, 4 “ông vua áo đen” được miễn tố lại đang khóc dở mếu dở vì mùa giải mới đã gõ cửa mà cái nghiệp cầm còi, cầm cờ chưa thấy lối ra vì VFF vẫn… chờ.

VFF đang phải chờ Tiểu ban kỷ luật, thuộc Ban kỷ luật của… VFF, cái Ban gồm độc ông trưởng Ban Nguyễn Hải Hường vẫn “gánh” luôn vai Trưởng Tiểu ban kỷ luật.

 

Cái ban “mẹ”, ban “con” đó đang trở thành tâm điểm của dư luận với hai bản án kỷ luật sắp được đưa ra. Ông Hường “trong vai” trưởng Ban kỷ luật tuyên bố sẽ mở đường cho các cầu thủ bán độ làm lại cuộc đời và đoái công chuộc tội.

 

Ông Hường trên ghế trưởng Tiểu ban kỷ luật đang xem xét kỷ luật nghề nghiệp đối với 4 trọng tài và trợ lý Thái Thượng Triết, Nguyễn Đức Vũ, Trần Đại và Lê Quang Ninh - những người vừa được miễn truy tố trách nhiệm hình sự.

 

Để kỷ luật nhẹ nhàng cho 7 cầu thủ - tội phạm, cái lý được đưa ra là toà đã xử án treo đồng thời không cấm hành nghề có nghĩa là “muốn tạo điều kiện cho các em làm lại”.

 

Sự cấn cá duy nhất trong quyết định “trảm” là tiền lệ, khi mà trước đó Như Thành, Trung Tuấn, Việt Thắng và cả Nguyễn Văn Hiếu (Tây Ninh) đều bị xử không thương tiếc dù các vụ việc chỉ dừng lại ở mức nghi án hoặc móc độ… đùa.

 

Nhưng bởi VFF không có cái khung kỷ luật rõ ràng như luật pháp, nên cái lý “không thể lấy chuyện quá khứ làm thước đo” mới được đưa ra làm bệ đỡ. Nặng, nhẹ - tất cả chỉ nằm trong cảm quan của người quyết định, bởi xét cho cùng trong trường hợp này người quyết định cũng chẳng có cái hệ quy chiếu nào để đong đo.

 

Thế nên mới có chuyện một án kỷ luật nghề nghiệp có thể còn ngắn hơn thời gian thụ án hình sự, và một đồng nghiệp đã bấm đốt ngón tay mà luận ra rằng: Văn Quyến, Quốc Anh… vẫn kịp đá SEA Games 24 (!).

 

Có người đồng tình, có người phản đối nhưng nói tóm lại đó là quyền của VFF. Cái lợi trước mắt hay cái hại lâu dài cũng chỉ là vấn đề quan điểm.

 

Cái cảm quan đơn thuần đó sẽ không bộc lộ bộ mặt tồi nếu cùng lúc không có việc 4 “ông vua sân cỏ” được miễn truy tố trong vụ án nhận hối lộ mùa giải 2005.

 

Không bị truy tố có nghĩa là các vị trọng tài, trợ lý đó vẫn có đầy đủ quyền công dân, quyền hành nghề hợp pháp. Chắc chắn, BĐVN vẫn cần sự cống hiến của họ trong hoàn cảnh trọng tài giỏi như lá mùa thu.

 

Nhưng để trở lại sân cỏ, họ còn phải bước qua “ải” Ban kỷ luật. Không biết cái án nghề nghiệp đó nặng đến đâu, nhưng trong buổi họp báo giới thiệu V-League và Cup QG 2007, ông Trưởng giải Dương Nghiệp Khôi đã “thòng” trước: “Chắc chắn họ sẽ không điều hành lượt đi của giải”.

 

Việc ông Khôi vừa đợi lại vừa… biết trước cho thấy quyền kỷ luật không chỉ nằm trong tay ông Hường. Có lẽ đây là điểm phản ánh rõ nhất tôn chỉ “phát huy trí tuệ tập thể” của VFF khoá V.

 

Nhưng việc đó không quan trọng bằng việc đồng thời tính chuyện khoan dung (túng???) cho những người có tội và tước quyến hành nghề hợp pháp của những người vô tội.

 

Lối làm việc luộm thuộm, cảm tính và nghiệp dư đó, lạ thay, vẫn còn tồn tại trong nền bóng đã bước sang năm thứ 7 “làm chuyên nghiệp”.

 

Tiền đồ của một nền bóng, tương lai sự nghiệp của những con người lắm lúc bị phó thác cho phán xét cảm tính của một vài cá nhân.

 

Tiêu Minh Huấn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm