Nguyên nhân nào khiến báo chí quốc tế thờ ơ với King’s Cup?
(Dân trí) - Thật ra thì trong mắt giới chuyên môn và giới truyền thông quốc tế, trừ truyền thông chủ giải Thái Lan, King’s Cup không phải là giải đấu thu hút. Bởi nói cho cùng đây chỉ là giải giao hữu và chất lượng các khách mời không thuộc hàng có giá trên bảng xếp hạng FIFA.
Việc giới bóng đá Thái Lan và giới truyền thông Thái Lan nói nhiều về tính chất được cộng điểm của các trận đấu tại King’s Cup, thật ra cũng chỉ là mượn… mác FIFA, để lên đời cho giải.
Và nói đến đây, nhân tiện cũng đề cập luôn chuyện vì sao King’s Cup không diễn ra theo thể thức vòng tròn 1 lượt, tính điểm, xếp hạng, như thông thường các giải đấu tứ hùng vẫn diễn ra như thế. Nhà tổ chức lại cho giải đá theo kiểu từng cặp bán kết sau đó đến chung kết hoặc trận tranh hạng ba.
Vì nếu tổ chức theo thể thức vòng tròn 1 lượt, với số lượng tham dự là 4 đội, giải tối thiểu phải có 3 lượt đấu, buộc phải diễn ra theo 3 ngày thi đấu khác nhau. Nếu thế, sẽ có ít nhất một ngày, giải rơi khỏi ngày “FIFA Days”, tức là những ngày mà FIFA cho phép các đội tuyển quốc gia thoải mái lấy cầu thủ từ các CLB chủ quản, đá giao hữu.
Đấy chính là lý do mà King’s Cup diễn ra theo thể thức chọn 2 cặp đấu bán kết, chọn 2 đội thắng vào chung kết, 2 đội thua đá trận tranh hạng ba, để giải chỉ diễn ra trong 2 ngày (tính số ngày thi đấu), đồng thời được tiến hành theo đúng những ngày tập trung đội tuyển theo lịch thi đấu thường niên được FIFA ấn định (5 và 8/6).
Tức là về mặt tính chất và về bản chất, các cặp đấu tại King’s Cup không khác các cặp đấu giao hữu quốc tế sẽ diễn ra trên khắp thế giới trong 2 ngày nói trên. Chỉ có điều, đấy là các trận đấu giao hữu giữa các đội bóng đến từ những khu vực thuộc vào loại “trũng” nhất của bóng đá thế giới: Đông Nam Á và Nam Á, đấu với một đội bóng thuộc vào loại vô danh nhất thế giới: Curacao.
Báo chí quốc tế vì thế không đề cập nhiều đến King’s Cup, dĩ nhiên trừ báo chí của quốc gia chủ giải Thái Lan. Mà truyền thông Thái Lan, giới chuyên môn của bóng đá Thái Lan nói nhiều về giải đấu này, kể cả đưa thông tin gây sốc về giải đấu (như chuyện Liên đoàn bóng đá Thái Lan xoá án treo giò cho cầu thủ đánh trọng tài ở giải quốc nội, để cầu thủ đấy đủ thời gian dự King’s Cup), không loại trừ việc nằm trong toan tính về mặt thương mại của nền bóng đá chủ giải.
Để rồi, như chúng ta thấy, bản quyền truyền hình của King’s Cup sau hàng loạt thông tin gây sốc dạng vừa nêu, sau hàng loạt động thái đẩy tính chất của cuộc đối đầu giữa đội tuyển Thái Lan và đội tuyển Việt Nam lên mức nẩy lửa, tăng giá lên đến mức chóng mặt!
Một điều khá nghịch lý tại King’s Cup còn nằm ở chỗ, đây là giải đấu có số tiền thưởng quá thấp cho đội vô địch: chỉ 50.000 USD, tương đương hơn 1,1 tỷ đồng, thấp hơn cả bản quyền phát sóng của 2 trận đấu mà Việt Nam “cắn răng” đi mua.
Cách thổi giá và hét giá của những nhà tổ chức cũng như truyền thông quốc gia chủ giải khiến một số người quên mất rằng đây chỉ là giải đấu giao hữu.
Đặc biệt, nếu tâm lý ngộ nhận đấy rơi vào những người làm công tác chuyên môn và những nhà quản lý thuộc các nền bóng đá có đại diện tham dự King’s Cup, thì sẽ nẩy sinh ra những sự nguy hiểm khác.
Sự nguy hiểm ở đây là sự nguy hiểm của việc ngộ nhận về mục đích của giải đấu, mục đích của đội tham dự giải đấu: Đó là tham dự để rà soát lực lượng, chuẩn bị cho các giải chính thức, chứ King’s Cup không phải là giải đấu chính thức, là thước đo để đánh giá chất lượng của các nền bóng đá!
Kim Điền