1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Người Việt có còn yêu bóng đá Việt?

Bóng đá Việt Nam đang đứng trước bờ vực chênh vênh của sự yêu - ghét từ khán giả. Liệu người Việt có còn say mê với môn thể thao vua?

Thương hiệu Việt

 

Không biết đích xác du nhập vào Việt Nam từ khi nào nhưng có thể thấy bóng đá luôn là môn thể thao được yêu thích nhất của người Việt. Nó là niềm đam mê của đông đảo người hâm mộ qua nhiều thế hệ.

 

Trước kia, khi các giải bóng đá châu Âu, các kỳ World Cup, v.v... chưa đến Việt Nam qua truyền hình, người hâm mộ chỉ yêu một thứ bóng đá thuần Việt với những Thể Công, Tổng cục Đường sắt, Thực phẩm Hà Nam Ninh, Công nhân Nghĩa Bình, Cảng Sài Gòn, v.v...

 

Sang thời kỳ hội nhập, khán giả yêu mến môn túc cầu ở dải đất hình chữ S được mãn nhãn với những trận đấu đỉnh cao ở các giải thế giới. Trước sự du nhập của BĐTG, không thể phủ nhận một bộ phận không nhỏ người Việt khi được hỏi sẵn sàng nói "Bóng đá Việt Nam thì...".

 

Nhưng không vì thế mà tình yêu với bóng đá nội trong đại đa số người Việt suy giảm. Bóng đá không đơn thuần là môn thể thao giải trí số một mà nó còn là niềm tự hào dân tộc. Cuồng nhiệt cùng màu cờ sắc áo là cuồng nhiệt cùng biểu tượng dân tộc. Bóng đá Việt cũng chính là thương hiệu Việt.

 

Người Việt có còn yêu bóng đá Việt?  - 1
 

Những CĐV nhiệt thành cổ vũ ĐTVN (ảnh: Vietnamnet) 

 

Vì thế tình yêu với bóng đá Việt không hề bị phai nhạt trước những giải đấu hàng đầu thế giới như World Cup, Euro, Champions League, Premier League, v.v...

 

Chính những thất bại của đội tuyển Việt Nam tại Tiger Cup 1998 và SEA Games 22 (2003) ngay trên sân nhà cho thấy rõ tình yêu đến cháy bỏng đối với bóng đá Việt Nam.

 

Phản bội

 

Tuy nhiên, tình yêu đó nhận được cú sốc vào năm 2005 với vụ tiêu cực trọng tài bị phanh phui khiến hàng loạt tên tuổi lớn phải vào vòng lao lý, các đội bóng từng là niềm tự hào một thời bị đánh tụt hạng.

 

Rồi đến vụ P.SLNA, một biểu tượng của bóng đá miền Trung, dùng tiền để mua cúp vô địch năm 2001 được đưa ra ánh sáng. Và đặc biệt nghiêm trọng là vụ bảy cầu thủ trong đội tuyển U23 Việt Nam tham gia bán độ tại SEA Games 23.

 

Những vụ tiêu cực này làm cho niềm tin, tình cảm của người hâm mộ đối với bóng đá nội suy giảm nghiêm trọng. Nhiều người bày tỏ họ cảm thấy bị lừa dối, phản bội và bị chạm đến lòng tự hào dân tộc. Chưa bao giờ BĐVN đứng trước bờ vực chênh vênh của sự yêu ghét đến vậy.

 

Đó là chưa kể đến những sự tụt dốc thảm hại về chuyên môn hay biến mất hoàn toàn của các đội bóng tên tuổi một thời như Thể Công, Công an Hà Nội, Hải Quan, v.v... khiến những người từng yêu mến họ nay cảm thấy bơ vơ.

 

Rồi BĐVN vẫn chưa thể vượt khỏi vùng trũng ĐNÁ khi chúng ta tiếp tục thất bại trước người Thái ở trận chung kết SEA Games 23 cũng khiến cho sự mong mỏi của người hâm mộ lại được đặt trong thử thách.

 

Trong bối cảnh đầy rẫy vụ tiêu cực bị phanh phui, nếu bóng đá Việt Nam không thể vượt cạn thành công trong lòng người hâm mộ, hẳn nó sẽ đánh mất vị thế của mình trước bóng đá ngoại và sự phát triển của các môn thể thao khác.

 

Niềm tin

 

Trước mùa bóng 2006, không ít người, nhất là những người làm bóng đá, lo ngại sự quay lưng của khán giả đối với các giải quốc nội. Và trên thực tế, dù lượng khán giả có giảm so với mùa bóng trước nhưng vẫn có khá nhiều người có mặt trên các sân vận động.

 

Thống kê sau lượt đi V-League cho thấy trung bình mỗi trận đấu có gần 7.000 khán giả đến sân cỏ vũ cho đội nhà. Con số này không cao nhưng hẳn vẫn làm những người làm bóng đá hài lòng. Các trận đấu vừa qua có chất lượng khá tốt và nhất là được đánh giá là sạch nên hy vọng sẽ thu hút nhiều khán giả đến sân hơn nữa.

 

Đối với thế hệ trẻ, vẫn có thể nhận thấy sự nhiệt tình đôi lúc có phần quá khích của họ mỗi khi đến sân. Một số chương trình giao lưu trên truyền hình gần đây với một số thành viên của hội cổ động viên các đội bóng trong nước cho thấy họ vẫn rất tin tưởng vào tương lai của đội bóng mà họ yêu quý.

 

Cơn lũ tiêu cực vừa qua được họ coi như cơn bạo bệnh để bóng đá tự đứng lên cứu chữa cho mình và vươn lên. Và sau một thời gian, thái độ của công chúng đối với những tiêu cực trong bóng đá có sự cân bằng trở lại. Cái bây giờ họ quan tâm không phải những tiêu cực gì mà là bóng đá Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt mới như thế nào.

 

Đối với nhiều người, bóng đá không chỉ đơn thuần là niềm đam mê mà nó còn là phương thức thể hiện phong cách sống thông qua việc tham gia các fanclub. Các đội bóng ở các địa phương khác nhau nên nó còn là biểu tượng của từng tỉnh, thành. Rồi mỗi đội bóng còn là con đẻ của các doanh nghiệp lớn có hàng ngàn công nhân.

 

Đối với thế hệ măng non, theo khảo sát của người viết, có rất nhiều em muốn trở thành cầu thủ bóng đá và muốn có môn bóng đá trong trường học. Và một điều nữa là các em ở nông thôn, khu vực chiếm đại đa số dân chúng, lại có niềm khát vọng, say mê đối với bóng đá hơn các em ở thành phố.

 

Với tất cả những điều đó, đặc biệt là sự gắn liền với tinh thần dân tộc, vẫn có nhiều niềm tin để khẳng định sự tồn tại của khái niệm "người Việt yêu bóng đá Việt" trong tương lai. Tuy nhiên mức độ đến đâu lại phụ thuộc vào việc tự cải thiện hình ảnh của chính bóng đá Việt Nam.

 

Theo Hoàng Linh

Netnam