Nghị lực phi thường của “chàng trai vàng” Võ Thanh Tùng
(Dân trí) - Với người khuyết tật, vượt qua cuộc sống đời thường đã khó, tham gia và đạt thành tích cao trong thể thao càng khó hơn, đặc biệt là môn bơi lội. Vậy mà “kình ngư” Võ Thanh Tùng, đã giành tới 5 tấm HCV tại Asian Para Games 2 năm 2014, anh thực sự là tấm gương về ý chí nghị lực phi thường.
Cụ thể, đăng ký thi đấu 5 nội dung hạng thương tật S5 (50m tự do, 100m tự do, 200m tự do, 50m ngửa, 50m bướm) ở Asian Para Games 2, Thanh Tùng giành cả 5 HCV. Thành tích của Thanh Tùng không chỉ giúp anh đoạt HCV, mà còn phá nhiều kỷ lục châu Á.
Thanh Tùng đã có một kỳ Asian Para Games đáng nhớ
Những tố chất đặc biệt về tốc độ, sức mạnh và trên hết là ý chí vượt lên số phận đã giúp Tùng giành được những chiến công vang dội. Cứ mỗi lần xuống nước là anh giành HCV, khiến các đối thủ trong châu lục phải khâm phục.
“Trước giờ vào cuộc, tôi chỉ hy vọng rằng Thanh Tùng sẽ giành được từ 2 đến 3 HCV bởi như thế đã là quá tuyệt vời. Tuy nhiên, những gì Tùng làm được còn vượt qua cả kỳ vọng. Đây thực sự là một kỳ tích của cá nhân Tùng, của đoàn Việt Nam”, trưởng đoàn thể thao Người khuyết tật Việt Nam tham dự Asian Para Games 2 Vũ Thế Phiệt xúc động nói.
Kỳ tích mang tên “Võ Thanh Tùng” thực sự gây chấn động đấu trường dành cho những người vượt lên số phận. Nhưng chắc hẳn, tất cả sẽ càng khâm phục hơn khi biết rằng, đằng sau mỗi tấm huy chương của Võ Thanh Tùng là một nghị lực và ý chí phi thường của một người bị liệt cả 2 chân và vẫn đang gánh trên vai gánh nặng mưu sinh trong cuộc sống thường nhật.
Võ Thanh Tùng (quê ở xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Sinh ra như bao đứa trẻ bình thường khác, nhưng quái ác thay, năm lên 2 tuổi Tùng bị cơn sốt kéo dài khiến đôi chân của Tùng cứ thế ngày teo tóp dần...
Nỗi bất hanh lớn không khiến cậu bé vùng sông nước miền Tây gục ngã. Tùng bắt đầu tập đi, dù là khó khăn nhưng Tùng không bỏ cuộc. Rồi ông trời cũng không phụ lòng người, sau 6 năm với những bước đi thấm đầy mồ hôi, nước mắt, Tùng đã đi lại được bằng chính đôi chân của mình.
Thanh Tùng là hình mẫu tiêu biểu của VĐV khuyết tật biết vươn lên trong cuộc sốngKhông chỉ cố gắng tập luyện để vượt qua số phận, Tùng còn phụ giúp bố mẹ nhiều việc nhà, biết đi cắm câu, hái bông súng về lo bữa cơm gia đình. Lo thuốc thang cho con, gia đình Tùng càng trở nên nghèo khó, khiến em phải bỏ học năm lớp 8. Rất may, sau đó Tùng đã được nhận học trở lại. Tốt nghiệp lớp 12, Tùng học trung cấp điện tử và sau khi ra trường, em học thêm lớp chuyên viên kỹ thuật.
Nghiệp VĐV đến với Thanh Tùng cũng rất tình cờ. thấy Tùng bơi giỏi, người chú ruột đã giới thiệu về thành phố Cần Thơ sinh hoạt cùng những người khuyết tật. Năng khiếu bơi lội của Tùng đã phát triển vượt bậc từ đó. Cơ hội đến với Tùng và mở ra trang đời mới, đó là vào năm 2005, Tùng được mời tham gia thi đấu cho phong trào thể thao Người khuyết tật TP Cần Thơ. Cũng trong năm 2005, Tùng lần đầu tiên tham dự Đại hội TDTT toàn quốc và giành được 3 HCV.
Năm 2009, lần đầu thi đấu cho đội tuyển bơi lội Người khuyết tật Việt Nam, Tùng 2 lần phá kỷ lục Đông Nam Á về thành tích bơi tự do ở cự ly 50m và 100m. Từ đó tới nay, Tùng gần như không có đối thủ ở khu vực.
Không những thế, anh cùng xuất sắc chinh phục tấm HCV châu Á năm 2010 và đặc biệt là kỳ tích giành 5 HCV tại Asian Para Games vừa qua. Khép lại năm 2014, Thanh Tùng được bầu chọn là VĐV người khuyết tật xuất sắc nhất, cùng với nhiều tiền thưởng, bằng khen của nghành thể thao, đơn vị TP.HCM…
HLV Đổng Quốc Cường xúc động nói: “Với người khuyết tật vượt qua cuộc sống đời thường đã khó, tham gia thể thao càng khó hơn, đặc biệt là môn bơi lội. Tùng là VĐV có ý chí, sự phấn đấu rất lớn. Thành tích vừa đạt được, mở ra cơ hội giành HCV cho Tùng ở sân chơi Para Olympic 2 năm tới. Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn gian nan lắm…”.
Ngô Linh