Nằm trong bảng “dễ thở”, U23 Việt Nam có cơ hội dự Olympic Tokyo 2020
(Dân trí) - Việc nằm trong bảng đấu thuận lợi nhất của VCK U23 châu Á cho phép đội tuyển U23 Việt Nam nghĩ đến chiếc vé vào tứ kết. Mà khi đã vào tứ kết, đội bóng của HLV Park Hang Seo có quyền nghĩ đến suất tham dự Olympic Tokyo 2020.
Theo quy định, châu Á có 3 suất tham dự Olympic Tokyo diễn ra vào mùa Hè năm sau, không tính chủ nhà Nhật Bản. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc 3 đội có thành tích cao nhất tại VCK U23 châu Á vào đầu năm 2020, sẽ giành quyền đến Thế vận hội tại Tokyo sau đó ít tháng.
Thành ra, mục tiêu đầu tiên của các đội muốn giành quyền tham dự Olympic Tokyo là vào đến bán kết giải U23 châu Á vào đầu năm sau. Nếu trong số 4 đội vào bán kết có U23 Nhật Bản, thì 3 đội còn lại đương nhiên có suất dự Thế vận hội, mà không cần quan tâm đến kết quả của trận tranh hạng ba (ngược lại, nếu Nhật Bản bị loại trước bán kết, trận tranh hạng ba của VCK U23 châu Á sẽ là trận tranh vé vớt dự Olympic).
Đội tuyển U23 Việt Nam đầu tiên đang nắm trong tay cơ hội vào tứ kết, sau khi rơi vào bảng “dễ thở” nhất của VCK U23 châu Á năm 2020.
Dĩ nhiên, không có ý nói UAE, CHDCND Triều Tiên và Jordan (những đội chung bảng D với U23 Việt Nam) là các đối thủ yếu, xét về tương quan trình độ chung của các nền bóng đá này, so với bóng đá Việt Nam.
Nhưng dù sao, gặp CHDCND Triều Tiên cũng dễ thở hơn nếu phải gặp Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, đá với UAE và Jordan dù sao cũng dễ chịu hơn nhiều so với việc phải đụng Iran, Saudi Arabia.
Đá với các đội trong bảng D, cửa thắng của đội tuyển U23 Việt Nam là lớn hơn, so với nếu đá với Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Iran.
Tầm tuổi 23, những cầu thủ Iran, Nhật Bản hay Hàn Quốc đã sang châu Âu thi đấu, nên trình độ của họ rất cao. Trong khi đó, cầu thủ CHDCND Triều Tiên, Jordan hay UAE không được như vậy.
Thậm chí, so về kinh nghiệm thi đấu quốc tế, các cầu thủ trẻ dưới 23 tuổi đến từ CHDCND Triều Tiên hoặc Jordan không dày dặn bằng thế hệ U23 hiện nay của bóng đá Việt Nam.
Những Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Trần Đình Trọng, Nguyễn Tiến Linh… thậm chí đã dự VCK World Cup U20 từ năm 2017, thành công ở giải U23 châu Á cách nay gần 2 năm, từng thi đấu tại Asiad rồi giải vô địch châu Á Asian Cup 2019. Họ rất nhiều kinh nghiệm và giàu bản lĩnh, nên chất quái của họ có thể hơn các đối thủ trong bảng.
Mục tiêu ban đầu của đội tuyển U23 Việt Nam trong bảng D là vượt qua vòng bảng (chứ không lẽ đến với giải mà không có mục tiêu gì). Sau khi qua được vòng bảng, tức là vào đến tứ kết, tuỳ thuộc vào việc gặp đối thủ nào ở giai đoạn này, mà cơ hội vào bán kết của đội bóng trong tay HLV Park Hang Seo sẽ lớn hay nhỏ?
Nếu đội tuyển U23 Việt Nam nhất bảng D, chúng ta có khả năng tránh được Hàn Quốc hay Iran tại tứ kết (những đội có khả năng đứng đầu bảng C), và cơ hội để thắng ở tứ kết sẽ lớn hơn, khi chúng ta gặp Uzbekistan hoặc Trung Quốc từ bảng C.
Thắng ở tứ kết sẽ là vòng bán kết. Mà vào đến vòng bán kết cũng đồng nghĩa với cơ hội cực lớn tham dự Olympic Tokyo năm 2020, trong trường hợp Nhật Bản cũng có mặt tại bán kết.
Đấy là xét trên góc độ chuyên môn thông thường, còn câu chuyện thần kỳ như ký ức ở giải U23 năm 2018 mà tái hiện, bóng đá Việt Nam sẽ còn mơ những giấc mơ đẹp hơn nữa!
Kim Điền