Myanmar là bại tướng… quen thuộc của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup
(Dân trí) - Không tính nhóm các đội quá yếu gồm Brunei, Timor Leste, Lào và Campuchia, Myanmar là đối thủ ưa thích hàng đầu của đội tuyển Việt Nam tại các kỳ AFF Cup. Trong 5 lần gặp nhau giữa 2 đội trước đây, đội tuyển Việt Nam thắng đến 4 lần, hoà 1, chưa thua lần nào.
Thậm, chí, đội tuyển Việt Nam qua các thời kỳ không thiếu những chiến thắng đậm trước Myanmar. Ngay ở thời điểm chúng ta yếu nhất tại các kỳ AFF Cup từ trước đến nay, vào năm 2012, đội tuyển Việt Nam cũng không thua Myanmar.
Năm 2012 là năm mà bóng đá Việt Nam đang khủng hoảng lực lượng, lứa từng vô địch AFF Cup 2008 mỗi lúc một lớn tuổi, xuống phong độ, hết khát khao, còn lứa cầu thủ mới chưa đủ trình độ đá đỉnh cao. Năm đó, đội tuyển cũng chỉ được dẫn dắt bởi một HLV nội là ông Phan Thanh Hùng, chứ không xài HLV ngoại (hiếm khi bóng đá Việt Nam sử dụng HLV nội tham dự các kỳ AFF Cup).
Năm đó, dù ở trong giai đoạn rất yếu, đội tuyển Việt Nam vẫn hoà 1-1 với Myanmar. Lê Tấn Tài là người đánh đầu ghi bàn ở phút 34, giúp đội bóng của HLV Phan Thanh Hùng dẫn trước, sau đó Kyi Lin gỡ hoà 1-1 cho Myanmar trên chấm phạt đền.
Đấy cũng là lần duy nhất Myanmar cầm hoà được đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup, còn tất cả các trận khác, họ đều thua.
Không giống như Malaysia hay Indonesia, bóng đá Việt Nam không có quá nhiều duyên nợ với bóng đá Myanmar, đôi bên ít khi gặp nhau tại các kỳ giải vô địch Đông Nam Á, nhưng hễ cứ gặp là đội tuyển Việt Nam thắng.
Ở kỳ AFF Cup đầu tiên vào năm 1996 (khi đó giải còn mang tên Tiger Cup), thế hệ của những Huỳnh Đức, Hữu Đang, Hồng Sơn… đánh bại Myanmar đến 4-1 trên sân Jurong ở Singapore.
Báo chí Đông Nam Á khi đó gọi trận thắng của đội tuyển Việt Nam trước Myanmar là “cơn địa chấn Jurong”, bởi thời điểm ấy Myanmar vẫn còn khá mạnh, thường xuyên cạnh tranh với Thái Lan tại Đông Nam Á. Sau trận thua đội tuyển Việt Nam năm 1996, bóng đá Myanmar bắt đầu đi xuống, và suy yếu cho đến tận bây giờ.
Đến năm 2002, đôi bên tái ngộ tại Thái Lan. Đội tuyển Việt Nam lúc này cũng đang ở giai đoạn chuyển giao lực lượng, tức không còn mạnh như trước. “Thế hệ vàng” cuối những năm 1990 chỉ còn Lê Huỳnh Đức đáng gọi là sao góp mặt trong đội tuyển, trong khi thế hệ mới của Minh Phương, Tài Em chưa vươn lên tầm sao. Riêng Phạm Văn Quyến mới chỉ là cậu nhóc hơn 18 tuổi.
Đội tuyển Việt Nam năm 2002 vẫn đủ sức đánh bại Myanmar 4-2, bằng các bàn thắng của Trịnh Xuân Thành, Lê Huỳnh Đức và Đặng Phương Nam (2 bàn).
Tận đến năm 2010, tức những 8 năm sau, 2 đội tuyển Việt Nam và Myanmar mới có dịp tái ngộ nhau tại AFF Cup, lần này trận đấu diễn ra ở sân Mỹ Đình. Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Calisto đè bẹp Myanmar đến 7-1.
Những người ghi bàn cho đội tuyển Việt Nam năm 2010 là Anh Đức (2 bàn), Trọng Hoàng (2 bàn), Minh Phương, Tấn Tài và Vũ Phong.
Sau đó, 2 đội lại gặp nhau ở AFF Cup 2012 như đã nêu trên, rồi gặp tiếp lần nữa là AFF Cup 2016, trong trận đấu thuộc vòng bảng ở Myanmar. Dù phải thi đấu trên sân đối phương, nhưng đội tuyển Việt Nam vẫn thắng 2-1, do công của Văn Quyết và Công Vinh, còn bàn gỡ của Myanmar được thực hiện bởi Aung Thu.
Tất cả những lần gặp nhau giữa đội tuyển Myanmar và Việt Nam đều diễn ra ở vòng bảng, trong khi đội tuyển Việt Nam là một trong những đội đá vòng bảng hay nhất lịch sử các kỳ AFF Cup (trong 11 kỳ giải, đội tuyển Việt Nam đã 9 lần vượt qua vòng bảng, còn Myanmar chỉ mới 1 lần làm được điều này).
Những cuộc đối đầu giữa đội tuyển Việt Nam và Myanmar ở các kỳ AFF Cup trước đây
Năm 1996, tại Singapore, Việt Nam – Myanmar: 4-1
Năm 2002, tại Thái Lan, Việt Nam – Myanmar: 4-2
Năm 2010, tại Việt Nam, Việt Nam – Myanmar: 7-1
Năm 2012, tại Thái Lan, Việt Nam – Myanmar: 1-1
Năm 2016, tại Myanmar, Việt Nam – Myanmar: 2-1
Thiện Nhân