1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Messi và những tên tuổi vĩ đại vô duyên trong màu áo đội tuyển quốc gia

(Dân trí) - Sự nghiệp của Messi là cả một nghịch cảnh trớ trêu giữa hai màu áo Barcelona và Argentina. Ở cấp độ câu lạc bộ El Pulga thành công bao nhiêu thì ở cấp độ đội tuyển anh phải chịu cay đắng bấy nhiêu.

Tuy đã đem hàng tá danh hiệu lớn về cho người Catalonia nhưng Messi chưa bao giờ giúp người dân quê hương Argentina của anh được tận hưởng niềm vui chiến thắng. Copa America 2015 là một lần nữa thế hệ Messi lỗi hẹn với những danh hiệu dù đã tiến đến trận chung kết. Búa rìu dư luận tại quê nhà lập tức đổ dồn vào cầu thủ được ví như “truyền nhân của Maradona”.

Khó lòng trách được người dân xứ sở Tango. Argentina đã quá lâu rồi họ chưa vô địch một giải đấu nào dù luôn được đánh giá là cường quốc bóng đá. Lần gần nhất Alcebileste vô địch World Cup chính là Mexico 86 với thủ lĩnh Maradona. Lần vô địch Copa America gần nhất cũng đã cách đây 22 năm, từ năm 1993. Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử bóng đá thế giới, Lionel Messi không phải là tên tuổi lớn duy nhất vô duyên trong màu áo đội tuyển quốc gia.

Johan Cruyff, Hà Lan (1966-77: 48 trận, 33 bàn thắng):

Johan Cruyff đã giành được vô khối danh hiệu vô địch quốc gia trong màu áo Ajax, Barca và Feyenoord. Trong màu áo đội tuyển Hà Lan, ông được xem như hiện thân của triết lý bóng đá Tổng lực từng gieo rắc kinh hoàng khắp thế giới những năm thập niên 1970. Biệt danh “cơn lốc màu da cam” cũng ra đời trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, thành tích cao nhất thế hệ Cruyff làm được cho bóng đá “xứ sở hoa tulip” chỉ là ngôi vị á quân World Cup.

Cruyff và Hà Lan luôn
lỡ hẹn với những danh hiệu lớn
Cruyff và Hà Lan luôn lỡ hẹn với những danh hiệu lớn

Ferenc Puskas, Hungary (1945-55: 85 trận, 84 bàn thắng), Tây Ban Nha (1961-62: 4 trận, 0 bàn thắng):

Tương tự Hà Lan những năm 70, Hungary chính là kẻ thống trị làng túc cầu những năm đầu thập niên 1950. Thống chế của đội bóng được gọi với biệt danh “những người Hungary ma thuật” ấy chính là huyền thoại Puskas. Trước khi bước vào World Cup 1954, Hungary thách thức cả thế giới với 4 năm liên tiếp bất bại, đánh bại đội tuyển Anh với tỉ số không tưởng 8-3 ngay tại Wembley, giành huy chương vàng Thế vận hội 1952.

Thế hệ Ferenc Puskas đã giúp bóng đá Hungary trải qua thời kỳ
vàng son nhất trong lịch sử
Thế hệ Ferenc Puskas đã giúp bóng đá Hungary trải qua thời kỳ vàng son nhất trong lịch sử

Nhưng kết cục, đoàn quân kiêu hùng ấy lại để cho Tây Đức lội ngược dòng thắng 3-2 trong trận chung kết. 4 năm sau, tại giải vô địch thế giới diễn ra ở Chile, Puskas thời điểm bấy giờ khoác áo đội tuyển Tây Ban Nha nhưng thi đấu khá thất vọng và La Roja bị loại ngay từ vòng bảng.

Eusebio, Bồ Đào Nha (1961-73: 64 trận, 41 bàn thắng)

Eusebio chính là thủ lĩnh của Benfica thống trị bóng đá Bồ Đào Nha những năm thập niên 1960 với 11 chức vô địch quốc gia và 1 lần đăng quang tại Cúp C1. Sự xuất sắc của “báo đen” cũng giúp đội tuyển Bồ Đào Nha giành vị trí thứ 3 tại World Cup 1966 trên đất Anh. Tất nhiên khó có thể kỳ vọng nhiều hơn bởi đội tuyển Bồ Đào Nha không đủ mạnh để tiến đến chức vô địch.

Một mình “Báo đen” Eusebio chỉ đủ sức kéo Bồ Đào Nha vào tới
bán kết World Cup
Một mình “Báo đen” Eusebio chỉ đủ sức kéo Bồ Đào Nha vào tới bán kết World Cup

Zico, Brazil (1976-86: 71 trận, 48 bàn thắng)

Thế hệ Zico đã tạo nên một trong những đội tuyển Brazil quyến rũ nhất trong lịch sử. Đáng tiếc, “Pele trắng” và các đồng đội không có được vinh quang như tiền bối. World Cup 1978 tại Argentina, Brazil bị loại một cách tức tưởi bởi chính đội chủ nhà. Ở lượt trận vòng bảng thứ hai, Albiceleste cần một chiến thắng với cách biệt từ 4 bàn trở lên để giành chiếc vé vào chung kết tưởng chừng đã nằm gọn trong tay người Brazil. Kết quả thì Kempes và đồng đội đánh bại Peru với tỉ số 6-0, tạo nên một trong những nghi án lớn nhất trong lịch sử World Cup.

Thế hệ của Zico luôn được đánh giá là một trong những thế hệ
xuất chúng nhất của bóng đá Brazil
Thế hệ của Zico luôn được đánh giá là một trong những thế hệ xuất chúng nhất của bóng đá Brazil

Tại Tây Ban Nha 1982, thời điểm Zico đang ở độ chín của sự nghiệp thì Brazil lại bị loại bởi cú hattrick thần thánh của Paolo Rossi. Đến Mexico 1986, Seleca tiếp tục dừng cuộc chơi một cách cay đắng. Tại vòng tứ kết, họ để thua đội tuyển Pháp sau loạt đá luân lưu may rủi.

Paolo Maldini, Italia (1988-2002: 126 trận, 7 bàn thắng)

Maldini đã giành 7 chức vô địch Serie A, 5 chức vô địch châu Âu (C1/Champions League) cùng AC Milan. Tuy nhiên, hậu vệ huyền thoại này chưa bao giờ giành được bất cứ danh hiệu nào cùng đội tuyển Italia. Với sự góp mặt của Maldini, đoàn quân thiên thanh đã giành ngôi á quân World Cup 1994 và Euro 2000, lọt vào bán kết World Cup 1990 và Euro 1988. Chỉ đến khi Maldini chia tay đội tuyển thì Italia mới chinh phục thành công cúp vàng tại World Cup 2006.

Vẻ mặt thẫn thờ của Maldini khi Italia bị Hàn Quốc loại một
cách tức tưởi tại World Cup 2002
Vẻ mặt thẫn thờ của Maldini khi Italia bị Hàn Quốc loại một cách tức tưởi tại World Cup 2002

Roberto Baggio, Italia (1988-2004: 56 trận, 27 bàn thắng)

Một huyền thoại vĩ đại khác của bóng đá Italia. Roberto Baggio là người đã dẫn dắt đoàn quân thiên thanh tiến đến trận chung kết World Cup 1994 bằng những màn trình diễn thăng hoa. Nhưng rồi định mệnh thật trớ trêu, chính anh lại đích thân kết liễu giấc mơ vô địch của đội nhà bằng cú đá vọt xà trong loạt đá luân lưu quyết định. Đó là lần “đuôi ngựa thần thánh” cùng đội tuyển Italia đến gần danh hiệu nhất.

Baggio là phiên bản lỗi của Maradona 
Baggio là phiên bản lỗi của Maradona 

Michael Ballack, Đức (1999-2010: 98 trận, 42 bàn thắng)

Ballack chính là thủ lĩnh của cỗ xe tăng Đức thi đấu rất thành công tại World Cup 2002 khi lọt vào tới trận chung kết. Tuy nhiên, tiền vệ mang áo số 13 này lại không thể góp mặt ở trận đấu cuối cùng vì án treo giò. Kết quả Đức thua Brazil 2-0. Đến năm 2008, Ballack lại dẫn dắt Die Mannschaft lọt vào chung kết Euro. Lần này anh góp mặt trong trận đấu cuối cùng. Tuy vậy, Đức vẫn bị đánh bại. Đội đăng quang là Tây Ban Nha. Ngoài hai lần giành ngôi á quân này, Ballack còn về nhì thêm một cơ số lần nữa trong màu áo CLB (Bayer Leverkusen, Bayern Munich và Chelsea). Vì vậy, anh được gọi là “vua về nhì”.

Biệt danh của Ballack lầ “vua về nhì”
Biệt danh của Ballack lầ “vua về nhì”

Michael Laudrup, Đan Mạch (1982-98: 104 trận, 37 bàn thắng)

Laudrup có một số phận trớ trêu trong màu áo đội tuyển quốc gia. Giành hàng tá danh hiệu cùng các CLB lớn như Juventus, Barcelona, ​​Real Madrid và Ajax, Laudrup được xem là ngôi sao sáng giá nhất của bóng đá Đan Mạch những năm cuối thập niên 1980 đầu 1990. Tuy nhiên, khi “những chú lính chì” làm nên cơn địa chấn với chức vô địch Euro 1992 thì Laudrup lại không góp mặt.

Đan Mạch vô địch châu Âu khi không có ngôi sao sáng nhất
Michael Laudrup
Đan Mạch vô địch châu Âu khi không có ngôi sao sáng nhất Michael Laudrup

Cristiano Ronaldo, Bồ Đào Nha (2003-nay: 120 trận, 55 bàn thắng)

Tương tự Messi, C.Ronaldo cũng rất vô duyên với các danh hiệu trong màu áo đội tuyển quốc gia. Khi còn là một tài năng trẻ, suýt chút nữa CR7 cùng Bồ Đào Nha đã có được chức vô địch châu Âu khi giải đấu này được tổ chức trên sân nhà vào năm 2004. Đó là thời điểm đội bóng áo bã trầu sỡ hữu lực lượng cực kỳ mạnh, kết hợp giữa thế hệ vàng của Figo, Rui Costa cùng những ngôi sao vừa vô địch Champions League trong màu áo Porto như Deco, Maniche hay Carvalho... Đáng tiếc, Bồ Đào Nha lại bị Hy Lạp hạ nhục trong trận chung kết.

C.Ronaldo bật khóc vì Bồ Đào Nha bị Hy Lạp đánh bại
trong trận chung kết Euro 2004
C.Ronaldo bật khóc vì Bồ Đào Nha bị Hy Lạp đánh bại trong trận chung kết Euro 2004

Sau này, khi C.Ronaldo vươn tầm trở thành ngôi sao hàng đầu thế giới, anh dĩ nhiên được giao trọng trách thủ lĩnh đội tuyển Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, đội bóng áo bã trầu bây giờ lại không có được lực lượng đủ mạnh để cạnh tranh danh hiệp tại các giải đấu lớn.

Duy Khánh