1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

“Mẻ lưới” cuối cùng của bóng đá thế giới 2005

Cuối tuần này và giữa tuần sau, hai loạt trận play-off sẽ quyết định nốt 5 chiếc vé còn lại dự World Cup 2006. Chắc chắn sẽ có những niềm hy vọng đột ngột hồi sinh, và không ít giấc mơ trở thành kỷ niệm buồn.

5 cặp đấu chia cơ hội cho 10 quốc gia, là niềm hy vọng của 166 triệu người, nhưng chắc chắn, chỉ có một nửa số quốc gia ấy mãn nguyện sau ngày 16/11.

 

Cặp đấu được quan tâm nhất là Australia - Uruguay. 31 năm qua, xứ sở kangaroo đã quá quen với việc thất bại trước ngưỡng cửa thiên đường, khi thì thiếu may mắn (bị Iran loại năm 1997 bởi luật bàn thắng sân khách), lúc lại không đủ lực và mưu mẹo để vượt qua đối thủ (thua Argentina năm 1993 và chính Uruguay năm 2001).

 

Lần này đại diện của lục địa nhỏ nhất thế giới quyết tâm hơn bao giờ hết. Thứ nhất, họ làm một cú đầu tư ngắn hạn trong 4 tháng, khi mời "siêu HLV" Guus Hiddink về dẫn dắt. Thứ hai, bắt đầu từ vòng loại World Cup lần sau, Australia sẽ chơi với tư cách một đội bóng châu Á, "ly khai" hoàn toàn với suất đá vé vớt hẩm hiu mà FIFA "chiếu cố" cho châu Đại dương cứ 4 năm một lần.

 

Tuy vậy, cơ hội để các hảo thủ như Harry Kewell, Mark Viduka, Vince Grella, Mark Bresciano góp mặt tại Đức năm sau đang trở nên nhỏ đi khá nhiều khi họ đụng lại Uruguay. Không chỉ Recoba dường như đã "chín" hơn, đại gia bóng đá Nam Mỹ còn phát hiện thêm một loạt tên tuổi như tiền đạo Diego Forlan, hậu vệ Diego Lugano, bộ đội đang chơi cho Real Madrid, Pablo Garcia và Carlos Diogo, trong khi trung vệ thủ quân Paolo Montero vẫn là "quái nhân" ở tuyến dưới.

 

Nếu như Australia là đội có số bàn thắng trung bình/trận cao nhất tại vòng loại (4,3 bàn, tính cả sơ loại), thì Uruguay chính là đội chơi rắn nhất (nhận 50 thẻ vàng và 5 thẻ đỏ). Đúng là số phận khéo sắp đặt. Triết lý bóng đá của Guus Hiddink mang đậm tư tưởng tấn công, còn đoàn quân của HLV Jorge Fossati là một trong nhưng đội phòng ngự khó chịu nhất thế giới nhưng cũng có không ít phẩm chất kỹ thuật đặc trưng Nam Mỹ.

 

Cũng liên quan đến cuộc chiến liên lục địa, cặp Trinidad & Tobago - Bahrain là cả một sự thú vị khi dân số hai nước này cộng lại chưa đủ.....2 triệu người.

 

Trong hai năm qua, Bahrain thể hiện tiến bộ vượt bậc khi giành chiếc HCĐ giải vô địch châu Á năm ngoái, trước khi vượt qua Uzbekistan để đoạt suất tranh vé vớt lần này, bất chấp ngôi sao tiền đạo số một Ala'a Hubail chẳng góp mấy công sức do phải nghỉ dưỡng thương tới 6 tháng trời. Họ sẽ trở thành niềm hy vọng thứ 5 của bóng đá châu Á nếu vượt qua được "cửa ải cuối cùng".

 

Ở phía đối diện, Trinidad & Tobago được biết tới bởi một Dwight Yorke trên hàng công và được dẫn dắt bởi cựu HLV đội tuyển Hà Lan và CLB Real Madrid, Leo Beenhakker. Kịp thắng Mexico 2-1 ở lượt cuối vòng loại khu vực Bắc Trung Mỹ để lên chuyến tàu "vét", Trinidad & Tobago gây ấn tượng bằng một số cầu thủ kinh nghiệm đang chơi bóng tại châu Âu.

 

Tháng trước Bahrain vừa đè bẹp một đội bóng Trung Mỹ khác là Panama tới 5-0 trong một trận giao hữu. Nhưng có nhiều nguồn tin khẳng định Panama chỉ đưa ra một đội hình loại hai.

 

Ở ba cặp đấu châu Âu, Tây Ban Nha - Slovakia, Czech - Nauy, Thổ Nhĩ Kỳ - Thụy Sĩ, không có quá nhiều lạ lẫm với thế giới bóng đá. Đáng chú ý nhất, Nedved "học tập" Zidane và Figo, trở lại nhằm góp chút sức lực cho đội tuyển CH Czech đang sứt mẻ vì nạn chấn thương. Anh sẽ đối đầu với Nauy của John Carew, tiền đạo 26 tuổi vừa tìm lại được chính mình tại CLB Lyon.

 

Người Tây Ban Nha thở phào khi biết kết quả bốc thăm chỉ gặp Slovakia - một đội bóng "không sao". Tuy nhiên, trong loạt play-off, thường các cặp đấu ít tạo chú ý nhất lại hay gây lắm bất ngờ. Nếu bị loại, quả là đáng tiếc cho thế hệ trẻ đang lên của Tây Ban Nha như Reyes, Torres, Del Horno, Casillas, Ibanez, Ramos và đương nhiên là cả Joaquin, cầu thủ tạm bị loại khỏi danh sách do mất phong độ.

 

Nếu không loại được Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lặp lại "vết xe đổ" của Thụy Điển 8 năm trước: đoạt HCĐ World Cup 1994 nhưng vắng mặt tại Pháp ở lần kế tiếp. Thụy Sĩ là 1 trong 11 đội không thua ở vòng loại World Cup trên khắp thế giới, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ phải vất vả lắm mới giành được vị trí nhì bảng 2 khu vực châu Âu, xếp sau Ukraina.

 

Lịch đấu 5 trận play-off các khu vực:

12/11

Trinidad - Bahrain

 

13/11

Tây Ban Nha - Slovakia

Thụy Sĩ - Thổ Nhĩ Kỳ

Nauy - Czech

 

Uruguay - Australia 3h, 13/11

 

* lượt đi 12/11, lượt về 16/11, đội đứng trước đá trận lượt đi trên sân nhà

 

Theo Tiến Dũng

Vnexpress