1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

Maradona: “Cậu bé vàng” và vị “thánh sống” ở vùng đất mafia (Kỳ 1)

(Dân trí) - Miền đất Napoli được ví như đất chết với “luật riêng” của giới mafia nhưng tại nơi đây, người ta tôn Maradona như “thánh sống” bởi tầm ảnh hưởng quá lớn của mình...

Dân trí xin lược dịch bài viết trên tờ Thesefootballtimes để độc giả có cái nhìn rõ nét về hành trình của “cậu bé vàng” Maradona trên miền đất chết Napoli.

Kỳ 1: ÁNH SÁNG Ở MIỀN ĐẤT CHẾT

Thành phố Napoli xinh đẹp nằm ở miền Nam Italia, một nơi mà đức tin tôn giáo La Mã tràn ngập trên khắp thành phố. Nhưng ở đó CLB SSC Napoli lại đại diện cho đức tin riêng, về trái bóng tròn.

Maradona: “Cậu bé vàng” và vị “thánh sống” ở vùng đất mafia (Kỳ 1) - 1

Mảnh đất chết Napoli phát cuồng vì Maradona

Đôi khi ở thành phố chết chóc ấy, những tín đồ đã xóa nhòa những ranh giới của bóng đá và tôn giáo. Chưa bao giờ điều này lại rõ ràng đến như vậy trong những năm Diego Maradona đặt chân tới đây.

“Cậu bé vàng” khoác áo Napoli trong vòng 7 năm từ 1984 đến 1991 nhưng ông đã mang tới cho Napoli kỷ nguyên thành công rực rỡ chưa từng có. Họ đã giành 2 chức vô địch Serie A (Scudetto), Coppa Italia, Siêu cúp Italia, UEFA Cup. Cũng bởi lẽ đó, Maradona được ví như vị thánh sống tại nơi đây.

Người ta thần thánh hóa Maradona, không chỉ vì những nghệ thuật chơi bóng của ông mà còn cả việc chấp nhận những tật xấu như nghiện ma túy, trốn thuế, tiệc tùng với các tội phạm có tổ chức... Những người Napoli yêu mến tất cả, từ sự thiêng liêng trong bóng đá mà Maradona mang lại, tới cả những lời tục tũi của ông.

Bởi lẽ đó, nhiều người cho rằng sự ra đi của Maradona là điềm báo trước cho hành trình xấu số của CLB. Quả thực, Napoli từ thế lực Serie A đã bị tụt xuống Serie B và từng có lúc ngụp lặn ở Serie C1.

Chức vô địch Serie A lịch sử

Vào buổi chiều ngày 10/5/1987, một sự yên tĩnh chết chóc ập xuống thành phố Napoli. Thậm chí, với nhiều khách du lịch, họ tưởng chừng như đây là thành phố ma, cuộc sống bỗng dưng dừng lại. Bản chất kỳ lạ của sự yên tĩnh này đã được nhà nhân chủng học người Ý Amalia Signorelli viết:

Maradona: “Cậu bé vàng” và vị “thánh sống” ở vùng đất mafia (Kỳ 1) - 2

Maradona đã mang tới thứ cảm xúc mà những người Napoli chưa bao giờ trải qua

“Thật ra, Napoli đang im lìm nhưng nó không giống như ngọn núi lửa Vesuvius. Nhưng người dân của thành phố này đã ở trong các quán bar, nhà hàng và nếu may mắn là sân San Paolo... Khoảnh khắc lặng yên ấy chỉ là báo hiệu cho sự phun trào. Thế giới có thể thay đổi, nhưng trong lòng những người Napoli hôm ấy, mọi thứ đã thay đổi. Napoli đã giành được danh hiệu Serie A đầu tiên sau 61 năm tồn tại.

Những con đường hoang vắng, thành phố ma đã nhanh chóng chuyền đổi trạng thái chỉ trong vài phút. Những chiếc ô tô, tại các tòa nhà và sân thượng đều chìm ngập màu xanh bất diệt khi những người Napoli háo hức bước vào mùa Hè với tràn ngập niềm vui. Như nhà quan sát John Foot từng ghi lại, lễ kỷ niệm mang đầy đủ tính cách của những người Napoli: trớ trêu, nhai lại, cảm giác rùng rợn, tục tũi và báng bổ.

Trên những bức tường nghĩa địa của thành phố, xuất hiện những bức hình vẽ bậy bằng tiếng địa phương: Guagliu! E che ve sit pers (tạm dịch: Mọi người ạ! Chúng ta không còn thiếu điều gì). Họ làm đám tang giả và cho Juventus... vào quan tài, ám chỉ sự ra đi của Bà Đầm Già. Và trên tất cả, dù mọi thứ diễn ra theo cách điên cuồng, rùng rợn, thì trong trái tim của những người Napoli vẫn tràn ngập niềm tự hào. Tự hào là người Napoli, được sinh ra ở mảnh đất này. Một mảnh đất đầy sóng gió ở miền nam Italia.

Chức vô địch Serie A đầu tiên không chỉ mang ý nghĩa lịch sử về bóng đá, mà còn có ý nghĩa chính trị xã hội rộng lớn. Vào thời điểm mà sự thù địch chính trị đang bị đẩy lên đỉnh điểm, khi mà làn sống phản đối quan điểm chính trị ly khai của miền Nam Italia đang diễn ra, thì thành công của Napoli như sự thách thức.

Trong nhiều năm, giải Serie A đã phản ánh rõ nét về sự chênh lệch kinh tế giữa miền Bắc và miền Nam. Kể từ khi Cagliari vô địch năm 1970, thì Napoli mới là đội thứ 2 ở phía Nam của Roma đăng quang danh hiệu.

Chức vô địch của Napoli tạm thời phá vỡ sự độc quyền của các CLB lớn phương Bắc. Thông điệp của Napoli rõ ràng: phần còn lại nước Italia đã bị đánh bại và một thế lực mới sinh ra. Và cũng bởi những lý do trên, mà đôi chân thiên tài của “thánh” Maradona càng được quý trọng ở mảnh đất chết này.

Maradona: “Cậu bé vàng” và vị “thánh sống” ở vùng đất mafia (Kỳ 1) - 3

Không chỉ Serie A, cả châu Âu khiếp sợ Maradona ở thời điểm ấy

Thiên tài Maradona

Ngoại hình nhếch nhác của Maradona chỉ đơn thuần là chiêu bài lừa gạt, nó đã che đi sự thiên tài trong đôi chân của “cậu bé vàng”. Một chân chân luôn biết truyền cảm hứng, khiến những trái tim rung động. Nhà báo người Italia, Gianni Brera đã gọi Maradona là “đứa con của thần thánh”.

Trong mùa giải giúp Napoli giành Scudetto 1987, Maradona đã ghi được 10 bàn thắng và đã khiến nhiều gương mặt lừng danh như Michel Platini tại Juventus, Marco van Basten tại AC Milan, Lothar Matthäus tại Inter và Zico tại Udinese đều bị đặt dưới tên tuổi của ông.

Dưới đôi chân thần thành của Maradona, công cuộc hồi sinh của Napoli vẫn tiếp tục. Năm 1989, Partenopei (biệt danh của Napoli) đã vượt qua hàng loạt CLB lớn như Juventus, Bayern Munich và Stuttgart để giành UEFA Cup. Một năm sau đó, họ khiến AC Milan hùng mạnh của Arrigo Sacchi phải ôm hận, để giành Scudetto. Maradona một lần nữa là nhân vật chính khi ghi 16 bàn ở mùa giải năm ấy. Cả thành phố Napoli nhảy theo những nhịp điệu của ông.

Và có thể, trong những năm khoác áo Barcelona, Maradona đã là cầu thủ giỏi nhưng có lẽ, chỉ tới khi tới Napoli, người ta mới thấy hình ảnh của vị thánh thực sự, khiến có thể khiến cả vùng đất mafia phải tôn sùng ông như vị thánh. Mối tình Maradona - Napoli cứ thể như họ sinh ra để dành cho nhau.

Ở vùng đất ấy, Maradona có thể nổi loạn, phát huy những phẩm chất điên cuồng nhất của mình. Và thậm chí, ông càng tệ nạn thì người ta lại càng cảm thấy thích thú, miễn là đôi chân của “cậu bé vàng” có niềm cảm hứng.

Maradona: “Cậu bé vàng” và vị “thánh sống” ở vùng đất mafia (Kỳ 1) - 4

Maradona chẳng khác gì vị thánh sống ở mảnh đất Napoli đầy chết chóc

Trong cuốn “Maradona - vị thánh của xứ Naples” có lời dẫn: “Khi Maradona đặt chân tới đất Napoli vào năm 1984, hơn 70.000 người đã chen nhau vào sân San Paolo chỉ để theo dõi ông. Mảnh đất nghèo khó Napoli như được thắp một tia sáng. Và thứ tia sáng ấy đã mang cho Napoli giai đoạn thành công rực rỡ nhất chưa từng có trong lịch sử. Maradona tựa như ví thánh của xứ Naples”.

Sự cuồng loạn vào Maradona thậm chí khiến người ta quên đi rằng Napoli (đội hình mùa 1986/87) cũng là tập thể đáng gờm, được xây dựng bởi hàng thủ vô cùng chắc chắn với Giuseppe Bruscolotti, Moreno Ferrario, Alessandro Renica và Ciro Ferrara và bộ đôi tiền vệ trung tâm năng động Fernando De Napoli và Salvatore Bagni. Trên hàng công, họ cũng sở hữu Bruno Giordano (5 bàn) và Andrea Carnevale (8 bàn). Chính những nhân tốt ấy đã giúp Maradona có thể thảnh thơi phô diễn phẩm chất thiên tài của mình.

Và sau đó, Napoli còn sở hữu cầu thủ trẻ tài năng Gianfranco Zola và ngôi sao Brazil, Careca. Bộ ba Ma-Gi-Ca (Maradona, Giordano, Careca) đã khiến cả Serie A khiếp sợ trong những năm ấy.

Nhưng suy cho cùng, đúng như câu kết lời dẫn của cuốn sách: “Maradona tới Napoli và trở thành người hùng, rồi sau đó, ông ấy bị đẩy khỏi Napoli như nỗi ô nhục. Nhưng mọi người đã quên mất rằng, Maradona không phải là Chúa trời. Ông ấy cũng là con người”.

Những cám dỗ của vinh quang, của mảnh đất đầy chết chóc Napoli khiến cho Maradona từ từ rơi vào cạm bẫy...

Kỳ 2: Hành trình xuống địa ngục của “thánh” Maradona.

H.Long