(Dân trí) - Tháng 12 năm ngoái, Sir Jim Ratcliffe cam kết tái cơ cấu một trong những tổ chức thể thao nổi tiếng nhất hành tinh, sau khi mua 27% cổ phần Man Utd.
Chỉ sau 8 tháng, những nhà quản lý mới được bổ nhiệm, hàng trăm vị trí việc làm bị cắt giảm, đội hình được nâng cấp và đội ngũ huấn luyện viên được củng cố. Kế hoạch dài hơi để cải tạo sân bóng đã quá cũ và cơ sở tập luyện lạc hậu tại CLB cũng bắt đầu tiến hành.
Nhưng sau nhiều năm hy vọng rồi thất vọng và trượt dài, liệu cách làm việc quyết liệt, vốn được mài dũa trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của ngành công nghiệp hóa chất, liệu ông chủ của tập đoàn Ineos có thể tìm lại vinh quang cho đội bóng 20 lần vô địch nước Anh hay không?
"Các đội bóng thể thao không được biết đến với sự tiên tiến của hiệu suất", Tim Fidler, Giám đốc nghiên cứu tại công ty đầu tư Ariel Investments, một cổ đông của Man Utd đánh giá. "Ngược lại, Ineos nhiều năm nay xây dựng doanh nghiệp theo chiến lược này".
Bất chấp phần lớn cổ phiếu Man Utd vẫn nằm trong tay gia đình Glazer, tỷ phú Ratcliffe vẫn đang thúc đẩy sự thay đổi tại sân Old Trafford, với một số cộng sự tin cẩn đã gắn bó từ đế chế hóa dầu Ineos, những người vốn có kinh nghiệm làm việc tại các CLB đua xe đạp, đua thuyền và đua motors hàng đầu.
Đúng như danh tiếng quyết liệt tinh gọn bộ máy hoạt động của Ineos, ông Ratcliffe nhanh chóng tạo dấu ấn tại Man Utd, đội bóng xưa nay nổi tiếng với lực lượng lao động cồng kềnh. Khoảng 250 vị trí việc làm, gần 1/4 lực lượng lao động, đang có nguy cơ bị sa thải trong kế hoạch cắt giảm nhân sự.
Theo một người am hiểu tổ chức nhân sự tại Old Trafford, kế hoạch nhằm "cắt giảm sâu chi phí vận hành" nhắm vào vị trí việc làm này khiến tinh thần nhân viên xuống mức thấp. "Họ không đùa đâu, có thể sẽ là chặng đường gập ghềnh", vị này nhận định.
Hành động quyết liệt và nhanh chóng tại Man Utd trái ngược hoàn toàn cách làm ở Nice, đội bóng Pháp mà tỷ phú Ratcliffe đã mua lại năm 2019. Tại Nice, ban đầu ông chủ Ineos áp dụng phương pháp nhẹ nhàng, vẫn để quyền lực nằm trong tay các nhà quản lý lâu niên. Khi kết quả không được cải thiện, các cuộc cải tổ mạnh mẽ mới được tiến hành.
Việc cải tổ Man Utd cũng cho thấy việc tách biệt hoạt động thể thao - vai trò ông Ratcliffe đảm nhận như cách để đại diện phần vốn đã mua - khỏi các hoạt động còn lại của đội bóng là điều bất khả.
Khi Premier League sắp sửa khởi tranh, giới mộ điệu lại càng hoài nghi phương pháp của vị tỷ phú này liệu có thể gặt hái được thành công tại đội bóng giàu thành tích nhất giải đấu hay không.
"Mô hình doanh nghiệp tại Ineos là mô hình đặc trưng trong các ngành công nghiệp lớn. Họ đã thành công rực rỡ và cảm thấy có thể áp dụng phương pháp quản trị tương tự vào bóng đá", một nhà quản lý cấp cao tại Man Utd cho biết. "Nhưng mỗi doanh nghiệp đều có sự khác biệt và bóng đá đòi hỏi rất nhiều kỹ năng mềm".
Nhiệm vụ Ratcliffe đang đảm đương là thử thách khó khăn bậc nhất trong bóng đá đương đại. Man Utd đã không thể đăng quang Ngoại hạng Anh kể từ khi Sir Alex Ferguson "cáo lão về hưu" năm 2013. Mùa giải 2023-24 vừa qua, Man Utd chỉ xếp thứ 8, vị trí thấp nhất của đội bóng này kể từ khi Premier League ra đời.
Quãng thời gian dài sa sút thê thảm lại không thể đổ lỗi cho sự thiếu hụt tài chính. Trong kỷ nguyên hậu Sir Alex, theo số liệu của Transfermarkt, "Quỷ đỏ thành Manchester" đã chi 1,85 tỷ euro để mua cầu thủ, trong khi chỉ thu về 500 triệu euro theo chiều ngược lại.
Số tiền chi tiêu ròng 1,34 tỷ euro trên thị trường chuyển nhượng trong khoảng thời gian trên là khía cạnh duy nhất Man Utd còn "vô đối" (không có đối thủ - cách nói của cộng đồng cổ động viên Man Utd tại Việt Nam).
Andrea Sartori, nhà sáng lập công ty tư vấn Football Benchmark, cho biết kỷ nguyên hậu Ferguson "cực kỳ tệ hại" xét trên nhiều phương diện.
"Dù chúng ta đánh giá chi tiêu trên thị trường chuyển nhượng hay kết quả trên sân cỏ, mọi con số đều bi quan cho Man Utd", Sartori nói. "Xét về lợi nhuận trước hoặc sau thuế, 10 năm qua đối với đội bóng này đều là thảm họa".
Sau màn trình diễn đáng thất vọng tại Premier League mùa trước, Man Utd đã cân nhắc việc bổ nhiệm HLV mới nhưng rốt cuộc quyết định gia hạn hợp đồng với Erik ten Hag. Tuy nhiên vẫn có sự thay đổi, với việc cựu danh thủ Ruud van Nistelrooy, chân sút thần tượng một thời tại Old Trafford, gia nhập ban huấn luyện trong khi Dan Ashworth được đưa về từ Newcastle United để làm Giám đốc thể thao.
Những thay đổi tại thượng tầng rất đáng kể, cho thấy tầm ảnh hưởng của Ratcliffe vượt xa phạm vi chuyên môn bóng đá. Omar Berrada, từ kình địch láng giềng Man City, gia nhập Man Utd với tư cách là Giám đốc điều hành. Roger Bell, Giám đốc điều hành của Ineos, thay thế Cliff Baty, vị Giám đốc tài chính lâu năm, trong khi cố vấn trưởng Patrick Stewart từ chức sau hơn 18 năm làm việc tại CLB.
"Đã đến lúc phải có ai đó hành động sáng suốt. Không nên coi việc cắt giảm lực lượng lao động phình to quá mức và xây dựng cấu trúc quản lý tinh gọn, rõ ràng, rành mạch là cuộc cách mạng", Chris Brady, trưởng bộ phận trinh sát tại Công ty tư vấn thể thao Sportsology nêu ra quan điểm kế hoạch Ratcliffe thực hiện tại Man Utd đơn giản là việc phải làm.
Man Utd cũng nhanh chóng củng cố đội hình, đưa về tiền đạo người Hà Lan Joshua Zirkzee từ Bologna về với mức phí 36,5 triệu bảng; trung vệ trẻ tài năng Leny Yoro từ Lille với mức phí 60 triệu bảng; trung vệ Matthijs De Ligt với mức phí 50 triệu bảng và hậu vệ phải Noussair Mazraoui với mức phí 20 triệu bảng đều từ Bayern Munich.
Trong bức tâm thư gửi tới người hâm mộ, Giám đốc điều hành Berrada tuyên bố: "Chúng tôi hứa sẽ làm mọi thứ có thể để đem lại những danh hiệu và tái tạo văn hóa mà đội bóng mong đợi".
Tuy nhiên, Man Utd đang vận hành trong môi trường quản lý chặt chẽ hơn so với những năm trước. Premier League đã xử lý nghiêm các đội vi phạm quy tắc giới hạn lỗ ở mức 105 triệu bảng trong ba mùa giải. Trong khi đó, Man Utd là đội chưa có lợi nhuận kể từ trước đại dịch Covid-19 và nằm trong số những CLB bị báo động.
Đầu tháng này, CLB đã báo cáo khoản lỗ ròng quý ba hơn 71 triệu bảng, so với 5,5 triệu bảng cùng kỳ năm ngoái, một phần do 30 triệu bảng chi phí liên quan đến việc mua cổ phần của Ratcliffe.
Trong khi đó, cuộc cải tổ của vị tỷ phú này được triển khai nhưng không cần sở hữu toàn bộ CLB. Gia đình Glazer, đặc biệt là đồng Chủ tịch điều hành Joel, vẫn tham gia tích cực vào nhiều quyết định quan trọng, bao gồm việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao. Một nguồn tin cho biết, các thành viên trong hội đồng quản trị "rất thống nhất".
Một Giám đốc điều hành thể thao cấp cao, người hiểu rõ Man Utd, cho rằng ông chủ Ineos cần phải chứng tỏ được sự thay đổi. "Thông điệp gửi đến các cầu thủ là: "Không phải lỗi của các bạn, mà là môi trường", hy vọng những hành động quyết liệt sẽ đem đến điều ngọt ngào".
Trong ngắn hạn, nhiệm vụ trọng tâm vẫn là cải thiện kết quả trên sân cỏ. Việc ông Ratcliffe bơm vốn đã giúp Man Utd có động lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm dự án có tổng vốn đầu tư 50 triệu bảng để hiện đại hóa khu tập luyện đặt tại Carrington.
Thách thức lớn hơn nhiều sẽ là nâng cấp hoặc thay thế sân nhà của CLB. Old Trafford vẫn là sân vận động lớn nhất tại Premier League, nhưng các đối thủ như Tottenham đã xây dựng những cơ sở hiện đại hơn, mang lại doanh thu đáng kể ngoài các ngày thi đấu.
Ratcliffe đã thành lập một nhóm "đặc nhiệm" để xem xét các lựa chọn bao gồm cựu cầu thủ, bình luận viên nổi tiếng Gary Neville và Lord Sebastian Coe, người đã chủ trì Thế vận hội London 2012. Vị tỷ phú này cũng đã đưa ra ý tưởng tìm kiếm nguồn vốn theo kiểu công tư kết hợp để xây một "Wembley phía Bắc".
Tuy nhiên, với quy định chặt chẽ hơn của Premier League và những thất bại từ kinh tế đến chuyên môn suốt 10 năm qua, Sartori cho rằng những thách thức mà Ratcliffe đang đối mặt hiện nay "khó giải quyết hơn rất nhiều" so với 10 năm trước.
"Trong các lĩnh vực kinh doanh khác có mức độ nhất định về khả năng dự đoán lợi nhuận đầu tư nhưng bóng đá lại không như vậy. Đó chính là sức hấp dẫn đặc biệt của môn thể thao này", người sáng lập Football Benchmark đưa ra quan điểm.