Man Utd tan mộng vô địch Europa League: Kẻ quen bị… tổn thương
(Dân trí) - Man Utd đã quá quen với… sự tổn thương. Những giấc mơ được xây dựng và rồi trong một ngày, tất cả giống như bong bóng vỡ tan…
"Thất bại này có khiến họ bị tổn thương không? Đáng buồn là từ lâu, Man Utd dễ dàng chấp nhận. Không có yêu cầu nào buộc HLV Solskjaer phải chiến thắng. Chỉ có Bruno Fernandes và Cavani cảm thấy tổn thương thực sự. Một số khác thì dửng dưng như là điều vốn có. Kể cả HLV trưởng cũng vậy" - đó là dòng tâm sự của Paul Scholes sau khi chứng kiến Man Utd thất bại trước Villarreal.
Sau trận đấu, báo giới Anh nhắc khá nhiều tới giọt nước mắt của Bruno Fernandes. Nhưng tất cả dừng lại có vậy. Phản ứng của Man Utd sau thất bại ở trận chung kết hời hợt như một trận thua bình thường. Ngay cả De Gea (người được xem là "tội đồ") cũng có phản ứng không quá rõ rệt.
Tới lúc này, người ta tự hỏi rằng phải chăng Man Utd đã quen với tổn thương, tới mức không còn cảm thấy điều đó quá nặng nề. Đó là tư tưởng "chết người". Bởi lẽ khi cảm nhận được nỗi đau từ việc mất đi điều gì đó quý giá, họ sẽ không bao giờ nỗ lực hết sức để đạt lấy nó.
Tư tưởng này đã được HLV Solskjaer chia sẻ sau trận đấu với Villarreal: "Chúng tôi không né tránh nỗi đau này, mà phải đối diện với nó để không mắc lại nữa".
Nhưng có lẽ, tất cả chỉ dừng ở mức tuyên bố. Bởi lẽ, Man Utd chưa đủ quyết tâm và cả sự can đảm để giành lấy vinh quang. Thậm chí, ngay cả khi phản ứng sau khi thất bại của họ cũng khiến người ta thất vọng.
Man Utd có tiến bộ dưới thời HLV Solskjaer hay không? Câu trả lời là có. Ở mùa giải này, họ đã có thứ hạng cao nhất dưới thời HLV người Na Uy ở Premier League (xếp thứ 2). Khoảng cách với đội đầu bảng cũng thu hẹp đáng kể. Bên cạnh đó, lần đầu tiên, Man Utd thời Solskjaer cũng lần đầu tiên góp mặt trong trận chung kết.
Nhưng có một cảm giác, họ chưa đủ lớn, chưa đủ vững vàng ở thời khắc quyết định nhất. Mọi thứ cứ được xây dựng nhưng rồi, chỉ một cơn sóng dữ đã cuốn phăng tất cả. Nó khiến cho người ta có cảm giác như Man Utd vẫn tiến bộ nhưng không thể giành danh hiệu nào.
"Tinh thần", đó là từ mà người ta nhắc tới khá nhiều sau trận đấu. Không hiểu vì lý do gì, Man Utd luôn mất tinh thần chiến đấu ở trận đấu quyết định nhất. Một trận đấu minh chứng rõ nhất điều này là cuộc chiến với Leizpig ở trận cuối vòng bảng. Man Utd dễ dàng thất bại với sai lầm trong trận đấu mà họ chỉ cần hòa là giành vé đi tiếp.
Ngay cả Bruno Fernandes cũng mắc chung căn bệnh "cóng" ở những trận đấu lớn. Nhưng ít nhất, người ta còn thấy ngôi sao người Bồ Đào Nha "có dấu hiệu tiếc nuối", như việc đấm thùm thụp xuống sân.
Và có lẽ, trong ngày bình thường, Rashford không thể nào bỏ lỡ cơ hội mười mươi tới vậy. Nhưng rồi, chính anh là nạn nhân của tâm lý "căng cứng".
Trên khán đài, người ta cũng tự hỏi HLV Solskjaer làm điều gì trong… 100 phút. Mãi tới phút 100 (tức sắp hết hiệp phụ thứ nhất), ông mới có sự thay đổi người đầu tiên khi Fred vào sân thay Greenwood. Tiếp đó, từ phút 116 đến 120, ông thay 4 người.
Ở bên kia chiến tuyến, Villarreal thực hiện động thái thay người đầu tiên ở phút 71. Sau khi kết thúc hiệp chính, họ đã thay 4 người. Rõ ràng, về mặt thể lực, "Tàu ngầm vàng" đã vượt trội hơn so với Man Utd khi bước vào hiệp phụ.
Thực tế, không phải Man Utd "siêu nhân". Thực tế, Bruno Fernandes, Rashford… đã đi bộ từ lâu nhưng họ vẫn buộc phải đá. Điều này lại gợi lại trận bán kết Europa League với Sevilla mùa giải trước, khi HLV Solskjaer chờ tới phút 88 mới thay người, bất chấp việc Man Utd đang chịu thua.
Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, Man Utd thường gây thất vọng ở thời điểm quyết định. Tinh thần chiến đấu "căng cứng" của các cầu thủ, sự thiếu quyết đoán của HLV Solskjaer… đều được xem là yếu tố tổng hòa.
Vấn đề ở chỗ, Man Utd có nên sa thải HLV Solskjaer hay không? Rất khó tìm ra câu trả lời. Bởi lẽ, Solsa vẫn đang đưa con thuyền Man Utd tiến bộ. Nhưng ông lại chưa đủ yếu tố tạo nên đội bóng hướng tới chức vô địch.