Lượt đi V-League 2017: Các đội bóng của bầu Hiển và phần còn lại
(Dân trí) - Thanh Hoá là đội giàu quyết tâm nhất trong cuộc đua đến ngôi vô địch. Nhưng Thanh Hoá muốn vô địch thì họ phải chinh phục hàng loạt rào cản là các đội bóng của bầu Hiển. Một cuộc đấu thấy rõ rằng đội bóng xứ Thanh gặp khó như thế nào trong cảnh “tứ bề thọ địch”.
Các đội bóng của bầu Hiển và phần còn lại
Thanh Hoá khởi đầu cực kỳ mạnh mẽ ở mùa giải năm nay, liên tục dẫn đầu bảng trong những chặng đầu tiên của lượt đi. Nhưng đấy là khi các đội bóng của bầu Hiển chưa nóng máy. Đến lúc những Hà Nội FC, Quảng Nam, Sài Gòn FC, SHB Đà Nẵng đã quen với nhịp điệu của giải rồi thì đội bóng xứ Thanh cứ càng lúc càng chuyển động khó khăn dần.
Có một điều dễ nhận thấy là các đội bóng vốn chịu ảnh hưởng của bầu Hiển vừa nêu ở trên mất điểm ở đâu thì mất điểm, nhưng hễ gặp Thanh Hoá là họ chơi hết sức tập trung.
Kết quả là đội bóng xứ Thanh chưa thắng bất cứ trận nào khi đụng độ với các đội bóng trong nhóm 4 đội đấy. Thanh Hoá hoà SHB Đà Nẵng, Quảng Nam và Sài Gòn FC. Xen giữa các trận hoà đấy là thất bại trước Hà Nội FC.
Cũng giống như trường hợp của Hải Phòng năm ngoái và XM Xuân Thành Sài Gòn cách nay ít mùa giải, đường đến ngôi vô địch của đội bóng xứ Thanh sẽ phụ thuộc rất lớn vào thái độ của 4 đội bóng trong tay bầu Hiển.
Nếu các đội này chơi đòn “xa luân chiến”, Thanh Hoá sẽ gặp khó cực lớn trên đường thực hiện khát vọng xưng vương. Còn khó khăn cụ thể như thế nào thì hãy hỏi những người quản lý, những người làm chuyên môn ở các đội Hải Phòng và XM Xuân Thành Sài Gòn thì khắc biết.
Năm 2012, XM Xuân Thành Sài Gòn đã tiến sát đến ngôi vô địch V-League, rồi cay đắng mất ngôi vô địch đấy đúng vòng đấu cuối cùng. Năm đó, đội bóng của bầu Thuỵ bị đội bóng của bầu Hiển là Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC) sử dụng thứ bóng đá tiêu cực nhất có thể, là cố thủ, cố thủ và cố thủ, để cầm chân bằng được XM Xuân Thành Sài Gòn, dành cơ hội cho... một đội khác cũng của bầu Hiển là SHB Đà Nẵng lên ngôi.
Tình trạng V-League mất khán giả nghiêm trọng cũng xuất phát từ hiện tượng đấy. Giải đấu không sòng phẳng, hay chí ít là chưa thể chứng minh cho người hâm mộ về tính sòng phẳng là giải đấu không hấp dẫn trong mắt khán giả trung lập.
Bằng chứng rõ ràng nhất là các đội bóng của bầu Hiển gồm Hà Nội FC, Sài Gòn FC và bây giờ có thêm SHB Đà Nẵng là những đội bóng vắng khán giả nhất V-League. Riêng Hà Nội FC và Sài Gòn FC thường xuyên không thu hút nổi ngàn người xem mỗi trận.
Hiện tượng Khánh Hoà
Bên cạnh Thanh Hoá, thì Khánh Hoà là cái tên gây chú ý nhất sau lượt đi. Trong cảnh thân cô thế cô, đội bóng phố biển vẫn vọt lên bằng điểm với 2 ứng cử viên vô địch hàng đầu là đội bóng xứ Thanh và đội bóng thủ đô, đồng thời đứng trước khả năng vô địch.
Nếu như thời HLV Hoàng Anh Tuấn, Khánh Hoà được biết đến biệt danh “ngổ ngáo”, thì dưới thời HLV Võ Đình Tân (cũng là đồng đội của ông Hoàng Anh Tuấn khi còn đá bóng nhiều năm trước), chất ngổ ngáo ấy vẫn được giữ lại, công thêm sự ổn định về mặt lối chơi, về mặt thành tích.
Khánh Hoà hầu như không ngán bất kỳ đối thủ nào. Ngược lại, đội dù mạnh đến đâu cũng có chút e dè đội bóng phố biển.
Thể lực, tốc độ, tinh thần của Khánh Hoà luôn khỏi chê. Cộng thêm sự hợp lý về lối chơi trước từng đối thủ cụ thể, giúp Khánh Hoà đủ sức gây khó, thậm chí chiến thắng nhiều đội mạnh.
Thành tích tốt của Khánh Hoà cũng là điểm sáng cho bóng đá nội nói chung. Vì trong bối cảnh mà các CLB trong nước hầu hết yếu khâu đào tạo trẻ, thì Khánh Hoà, bên cạnh SL Nghệ An và HA Gia Lai hầu như chỉ sử dụng sản phẩm “cây nhà lá vườn”, được đào tạo ngay tại chỗ qua nhiều năm.
Tuy nhiên, Khánh Hoà càng vươn lên mạnh mẽ thì càng phản ánh rõ rệt nghịch lý và sự bất cập của bóng đá Việt Nam, nhìn từ đội tuyển quốc gia.
Một đội bóng trẻ trung như thế, ổn định như thế, khó bị đánh bại như thế lại không mấy cầu thủ được gọi lên đội tuyển quốc gia, cho dù dàn cầu thủ của đội bóng phố biển rất đồng đều. Ngược lại, đội tuyển lại thường xuyên sử dụng đông cầu thủ của các CLB ngấp nghép rớt hạng, từ mùa này sang mùa khác.
Thực tế đấy hoàn toàn không công bằng và dễ làm giảm chất lượng của đội tuyển, khiến V-League càng giảm giá trị, với lý do V-League hầu như chẳng có liên hệ gì với thành phần và chất lượng của đội tuyển!
Kim Điền