1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

“Lời nói dối chân thật”

Ngày 1/4 một tờ báo thể thao loan 2 tin cực kỳ “sốt dẻo”: Tiền đạo đội Đồng Tháp Phan Thanh Bình đã đầu quân cho đội hình B của Everton – CLB đang thi đấu cho giải ngoại hạng Anh, và đội tuyển Việt Nam sẽ đá giao hữu với đội tuyển Brazil vào đầu tháng 6/2006.

Sự thật là… Chiều cùng ngày, người ta vẫn thấy Phan Thanh Bình ra sân trong màu áo Đồng Tháp gặp Sơn Đồng Tâm trong khuôn khổ lượt trận thứ 12 giải hạng Nhất quốc gia.

 

Thậm chí, ở trận đấu này, Thanh Bình còn thể hiện một phong độ khá xuất sắc khi kiến tạo một đường chuyền giúp đồng đội ghi bàn và trực tiếp một lần lập công.

 

Còn đem chuyện tuyển Việt Nam "giúp"… Brazil đấu giao hữu để chuẩn bị cho VCK World Cup 2006 hỏi các quan chức Liên đoàn, thì vị nào vị ấy "sững sờ" ra mặt. Trên website của LĐBĐVN cũng trắng trơn không một dòng tin nói về sự kiện "động trời" này.

 

Hóa ra 2 tin tức "nóng hổi" mà báo đăng chỉ là những "lời nói dối" nhân ngày "Cá tháng Tư" - ngày mà cả thế giới có quyền-được-nói-dối (tất nhiên là trong khuôn khổ).

 

Một ngày bỏ qua nguyên tắc trung thực của người làm nghề để "bông lơn", đùa vui với độc giả, âu đó cũng là cái nét đáng yêu và gần gũi của một tờ báo với bạn đọc.

 

Và nếu ai đó trong hàng triệu fan trót trao tình với trái bóng tròn, trở thành "con Cá" bị "xí gạt", mừng hụt bởi những thông tin trên, thì chắc hẳn cũng đành "ngậm bồ hòn làm ngọt".

 

Thế nhưng, đằng sau 2 thông tin đậm đà "tinh thần" của "Ngày nói dối" này, lại là một sự thật. Nói đúng hơn là một ước muốn rất thật của các CĐV bóng đá Việt Nam về một ngày bóng đá nước nhà có thể "vượt sông ra biển lớn", hội nhập với các nền bóng đá phát triển trên thế giới.

 

Hội nhập theo đúng nghĩa của từ này, chứ không phải là sự "hội nhập" trên… tivi trong những ngày cuối tuần qua những trận đấu ở giải Ngoại hạng Anh, Serie A, La Liga hay Bundesliga…

 

Người Hàn Quốc tự hào khi thấy những Park Ji Sung, Lee Young Pyo, Seol Ki Hueon chơi bóng cho MU, Tottenham Hotspur, Wolverhampton…

 

Người Nhật Bản thấy thân thương khi nhìn Junichiro Inamato, Nakata, Sunsuke Nakamura trong màu áo của West Brom, Bolton, Celtic…

 

Người Trung Quốc nói "hảo hảo" mỗi lúc Sun Jihai ra sân với Manchester City…

 

Gần hơn một chút là Thái Lan. Trái tim người Thái đã từng đập những nhịp rộn ràng với sự kiện "Zico" Kiatisak ngày xưa hay "thần đồng" Teerathe Winothai hôm nay "xuất dương" học nghề và thi đấu tại Anh.

 

Còn chúng ta, tại sao không được quyền ước vọng về một ngày những tài năng như Thạch Bảo Khanh, Thanh Bình, Công Vinh… ra nước ngoài chơi bóng cho các CLB nổi tiếng?

 

Không ai có thể cấm cản những giấc mơ, nhưng điều quan trọng hơn là biến giấc mơ thành hiện thực. Trong những cái tên kể trên, họ đã từng nhận được những lời mời ra nước ngoài thi đấu cho đội này, đội kia, nhưng cuối cùng thì 2 chữ "xuất ngoại" vẫn xa tầm tay với.

 

Giờ ngồi nói lại chuyện Văn Quyến, không ít người tiếc giá như hồi đó, một trong những lời mời Quyến "xuất khẩu" thành hiện thực, thì biết đâu môi trường bóng đá chuyên nghiệp của xứ người sẽ giúp cho "thằng béo" giữ nguyên được một Văn Quyến - cầu thủ, chứ không phải một Văn Quyến - bị can ở thì hiện tại.

 

Tương tự như vậy, các fan Việt cũng mong lắm được chứng kiến các siêu sao bóng đá thế giới tới Việt Nam thi đấu, cọ xát với đội bóng con yêu của mình.

 

Mong "hàng xịn" để không phải nghi ngờ, lưỡng lự trước mỗi giải đấu quốc tế mà người ta quảng cáo là tuyển này, tuyển nọ tham dự.

 

Mong "hàng xịn" để không phải thất vọng khi cái thực của các đội khách mời tương xứng với cái danh.

 

Mong "hàng xịn" để các tuyển thủ của chúng ta có cơ hội học hỏi, nâng cao trình độ và nhận biết rõ khả năng của mình, chứ không phải là những cuộc "thử kêu, đốt tịt", những chiếc "bánh vẽ".

 

Thử nhìn sang láng giềng Thái Lan, trong năm 2005, họ mời được Real Madrid sang thi đấu; họ tổ chức được F.A Premier League Asia Trophy quy tụ 3 đại diện ở giải Ngoại hạng Anh là Bolton, Man City, Eventon; họ nâng chất King Cup với sự tham dự của đội tuyển Latvia, CHDCND Triều Tiên và Oman.

 

Với những giải đấu nặng ký như vậy, người Thái đã, đang và sẽ đặt "đường băng" cho đội tuyển của họ cất cánh khỏi vùng trũng của bóng đá thế giới.

 

Còn chúng ta, có không ít những giải đấu quốc tế được tổ chức với "tinh thần"… Cá tháng Tư từ các vị khách mời. Tuyển Thái Lan ở Agribank Cup 2004, U-23 Bulgaria ở LG. Cup 2005 hay trận giao hữu với SK Slavia Prague, là những ví dụ điển hình cho chiếc áo danh xưng quá khổ với thực lực của đội khách.

 

Bởi thế, mong lắm thay "lời nói dối chân thật" của ngày Cá tháng Tư kia thoát khỏi cái ý nghĩa hài hước để trở thành sự thật.

 

Nhưng bao giờ và khi nào? Sau vị ngọt của sự vui đùa trong "Ngày nói dối" là cảm giác đắng chát của sự thật bởi khoảng cách giữa mơ và thực sao mà xa quá!

 

Theo Bảo Hân

Công an nhân dân