1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Lê Tú Chinh: Từ xóm lao động nghèo chạy thẳng đến đỉnh cao SEA Games 29

(Dân trí) - Cho đến giờ này, sau khi đã giành cả 3 HCV các nội dung 100m, 200m và 4x100m nữ SEA Games 29, Lê Tú Chinh vẫn không nhận mình là “nữ hoàng tốc độ” Đông Nam Á, danh hiệu mà người ta từng dành cho Vũ Thị Hương năm nào.

Sau khi Vũ Thị Hương giã từ đường chạy, điền kinh Việt Nam từng lo đến khoảng trống mà “nữ hoàng tốc độ” để lại, cho đến khi Tú Chinh vụt sáng và vượt qua mọi VĐV chạy cự ly ngắn của nữ tại Đông Nam Á, rồi giành 2 HCV các nội dung 100m và 200m nữ tại SEA Games 29.

Ngoài ra, nếu tính luôn HCV ở nội dung chạy tiếp sức 4x100m nữ, Lê Tú Chinh giành đến 3 HCV tại kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á vừa kết thúc.

Riêng tại nội dung 4x100m, chiến thắng của Tú Chinh nói riêng, của đội tuyển điền kinh Việt Nam nói chung khiến cho Thái Lan sửng sốt, bởi họ không ngờ rằng điền kinh xứ Chùa Vàng lại thất bại ở nội dung sở trường của chính họ.

Lê Tú Chinh thay thế thành công Vũ Thị Hương, trở thành nữ hoàng tốc độ Đông Nam Á (ảnh: Q.H)
Lê Tú Chinh thay thế thành công Vũ Thị Hương, trở thành "nữ hoàng tốc độ" Đông Nam Á (ảnh: Q.H)

Và, cũng giống như nhiều VĐV nữ khác, con đường đến với đường chạy của Lê Tú Chinh không hề bằng phẳng, mà thách thức đầu tiên luôn là sự phản đối của gia đình.

Từ nhỏ, Lê Tú Chinh đã đam mê thể thao, nhưng vì thương con, sợ con cực, nên cha của cô là ông Lê Tiết Nhân nhiều lần khuyên con bỏ nghiệp thể thao, để tập trung cho việc học,

Dù vậy, Tú Chinh vẫn quyết định theo đuổi đam mê của mình, và cố chứng minh cho cha thấy cô vẫn có thể vừa tập thể thao, vừa không bỏ bê việc học văn hoá. Hàng ngày, Tú Chinh dành 1 buổi đi học, buổi còn lại đi tập.

Và sự kiên trì của cô cũng thay đổi chính kiến của người cha. Từ chỗ ngăn con không tập thể thao, ông Nhân dần đứng sau lưng con gái mình, ủng hộ và âm thầm chăm sóc cho con gái để Tú Chinh yên tâm cống hiến cho niềm đam mê của chính cô.

Năm 2008, khi Tú Chinh 11 tuổi, HLV đội điền kinh TPHCM Thanh Hương đến trường Tiểu học Tuy Lý Vương (Q.8-TPHCM) tìm kiếm tài năng cho điền kinh thành phố, và phát hiện ra tố chất của “nữ hoàng tốc độ” tương lai, đấy cũng là bước ngoặt cho sự nghiệp của Tú Chinh về sau, từ việc chơi vì đam mê được chuyển lên tập chuyên sâu để trở thành VĐV chuyên nghiệp.

Lần đầu tiên tham dự SEA Games, cha con Tú Chinh chỉ mong có huy chương, bất kể màu gì. Ngờ đâu, cô chạy nhanh đến mức bỏ lại phía sau cả Đông Nam Á, rồi giành đến 3 HCV, ở 3 nội dung tốc độ hàng đầu của nữ, trong môn thể thao nữ hoàng.

Giờ đây, Tú Chinh có thể tự hào nói rằng cô đã không phụ lòng người cha đã lặng thầm lo lắng cho mấy chị em cô biết bao nhiêu năm tháng đã qua trong cảnh “gà trống nuôi con”.

Bên cạnh những tấm HCV SEA Games, Lê Tú Chinh tiếp tục giúp cho cha mình tự hào ở chỗ dù đã là VĐV đỉnh cao, cô vẫn cố gắng theo đuổi việc học của mình. Ở tuổi 20, Tú Chinh hiện vẫn là sinh viên năm thứ 2 Đại học, vẫn không quên lời hứa với cha mình năm nào: Phải vừa xuất sắc trong thi đấu thể thao, nhưng vẫn không bỏ bê việc học.

Kim Điền

Lê Tú Chinh: Từ xóm lao động nghèo chạy thẳng đến đỉnh cao SEA Games 29 - 2

Dòng sự kiện: SEA Games 29