Lắng nghe tiếng gió trên sàn đấu

Trong không khí tập luyện gian truân nhưng ấm áp tình người, các võ sinh khiếm thị say mê lắng nghe nhất tĩnh nhất động từ các đòn thế của người thầy. Con đường đến với môn Judo cũng là con đường để những mảnh đời bất hạnh này hòa nhập vào xã hội...

Trung tuần tháng 3/2005, hàng trăm bạn trẻ khiếm thị của Trường THPT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TPHCM) tập trung tại một góc trường, im lặng lắng nghe... để học các đòn thế Judo trong buổi khai giảng lớp võ dành cho người khiếm thị.

 

“Rờ”... thầy, mới biết đòn thế!

 

Cứ mỗi sáng thứ hai, thứ tư, thứ sáu, hơn 20 bạn trẻ khiếm thị lại tìm đến lớp võ Judo tại võ đường Judo dành cho người khiếm thị thuộc Hội Người mù TP. Đây là một trong số 4 lớp võ đầu tiên dành cho người khiếm thị tại TPHCM. Ý tưởng ban đầu bắt nguồn từ một cán bộ Đoàn, một HLV trẻ tên là Lý Đại Nghĩa, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Sở TDTT TPHCM. Từng tham dự nhiều giải đấu ở nước ngoài, Đại Nghĩa biết được phong trào Judo cho người khiếm thị đã phát triển khá mạnh tại các nước và muốn áp dụng nó ở VN.

 

Để nắm bắt phương pháp “mô phạm xúc giác” nhằm giảng dạy cho các võ sinh đặc biệt của mình, hằng ngày anh phải lên mạng Internet theo dõi thông tin về môn Judo dành cho người khiếm thị, đồng thời nghiên cứu các bài tập để từ đó hình thành giáo án giảng dạy riêng.

 

Với từng động tác kỹ thuật cụ thể, một HLV sẽ làm mẫu, một HLV thuyết trình động tác, song song đó cho các học viên chạm tay “rờ rẫm” vào “người mẫu” để có thể hình dung ra động tác cụ thể. Cứ thế, một tuần 3 buổi tập, chỉ hơn một tháng sau, các võ sĩ khiếm thị đã thể hiện được các động tác kỹ thuật cơ bản của Judo.

 

Quan sát một buổi tập, chúng ta sẽ thấy rõ mỗi khi được hướng dẫn ra đòn, các võ sinh đều mong muốn được “rờ”... thầy để biết “thế”! Lớp võ Judo khiếm thị đầu tiên ra đời tại Mái ấm Bừng Sáng (quận 11) trong tình cảm ấm áp của mọi người. Điều đáng trân trọng là những bộ võ phục mà các võ sinh khuyết tật khoác lên người trong mỗi buổi tập đều do chính tay Đại Nghĩa quyên góp.

 

Khi đôi tai chính là đôi mắt

 

Với khả năng tiếp thu rất nhanh bằng các giác quan còn lại, đặc biệt là đôi tay và cơ quan thần kinh có độ tập trung cao, các võ sĩ Judo khiếm thị đã lĩnh hội các kỹ thuật té, vật, gạt chân, móc chân đặc trưng của môn Judo một cách khá nhuần nhuyễn.

 

Theo các chuyên gia về Judo, trong các pha xử lý đòn khi nắm được đồng phục đối phương, người ra đòn cần phải tập trung cao độ để thực hiện đòn trong khoảng thời gian cực nhanh (tương đương 0,8 giây). Võ sĩ bình thường chắc chắn sẽ bị phân tâm bởi phải quan sát đối phương và bị chi phối bởi các yếu tố khách quan trên thảm đấu, còn võ sĩ khiếm thị đạt đến độ tập trung rất cao trong thời khắc ra đòn.

 

Thính giác trở thành “đôi mắt” để các võ sĩ quan sát khi thi đấu cũng như dự khán trận đấu. Một tiếng động nhẹ cũng đủ để người võ sĩ nhận biết được động tĩnh của đối thủ. Dự khán một trận đấu Judo của các võ sĩ khiếm thị, hẳn mọi người sẽ không ngạc nhiên lắm khi các khán đài lặng im phăng phắc, các “cổ động viên” căng tai lắng nghe tiếng gió trên thảm đấu để biết được kẻ thắng người thua. Võ sinh Trương Minh Trung (Hội Người mù TPHCM) cho biết: “Chúng em còn sử dụng cả máy ghi âm để ghi lại lời huấn thị của thầy, tối về nghe lại để nắm bắt chi tiết hơn”.

 

Một bước chuẩn bị cho PARA Games 23

 

Từ lớp võ ban đầu tại Mái ấm Bừng Sáng, hiện phong trào Judo khiếm thị đã lan nhanh thành 4 lớp. Trao đổi với chúng tôi, HLV Lý Đại Nghĩa cho biết: “Hiện nay, kinh phí dành cho các lớp tập này hoàn toàn là con số không. Ban huấn luyện chúng tôi gồm có Trần Mai Thúy Hồng, Lê Khánh Hồng, Nguyễn Anh Hòa đã phải đi xin từng bộ võ phục của các bạn đồng nghiệp để tặng cho các em như món quà tinh thần trước khi bước vào thảm tập luyện. Chính vì nguồn kinh phí hạn hẹp đó, chúng tôi phải đưa lớp học này vào chương trình “Công trình thanh niên của Sở TDTT TPHCM” để có chút ít kinh phí trang trải cho lớp học, đồng thời tìm sự hậu thuẫn từ phía anh em HLV để hỗ trợ miễn phí cho lớp trong các buổi lên lớp giảng dạy. Ngoài ra, các võ sĩ tình nguyện của quận Tân Bình và Tân Phú cũng thường xuyên có mặt tại lớp học để làm đối tượng tập luyện cho các võ sinh khiếm thị.

 

Đích nhắm của ban huấn luyện chính là quá trình tập luyện bài bản chuyên môn hóa mạnh mẽ để chuẩn bị cho PARA Games lần thứ 3 năm 2005 khi Judo là một môn thi đấu chính thức của Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật. Tuy nhiên, việc huấn luyện cần được hỗ trợ từ nhiều phía bởi Judo là môn võ nguy hiểm, ngay cả một tuyển thủ quốc gia đã từng hy sinh trong những ngày luyện tập, nên việc huấn luyện cho người khiếm thị còn khó khăn bội phần.

 

Theo Q.Liêm, N.Khôi - Nguoilaodong