Thể thao TPHCM “tuột dốc không phanh”
Kỳ cuối: Tài năng thể thao TPHCM “chảy máu” ồ ạt
(Dân trí) - TPHCM từng là “điểm đến” đầy hứa hẹn với các VĐV tài năng khắp cả Việt Nam, được mời gọi là họ sẵn sàng khăn gói lên đường vào Sài thành lập nghiệp. Nhưng ngày ấy đã là quá khứ, giờ những gương mặt “vàng” của TPHCM lại phải tìm đường thoát thân.
Rất dễ nhận ra một cuộc “chảy máu” tài năng lớn chưa từng thấy đã và đang diễn ra trong làng thể thao TPHCM. Những người tâm huyết bảo rằng: “Đấy là cuộc chảy máu tài năng rầm rộ nhất trong lịch sử thể thao TPHCM và rõ ràng nó có… định hướng hẳn hoi!”.
Đầu tiên là bóng đá, khi Lê Huỳnh Đức, Hữu Thắng, Minh Phương… lần lượt tìm bến đỗ mới. Kế đến là sự ra đi của tài năng xe đạp nữ Võ Thị Phương Phi. Tháng 5/2004, Phương Phi tuyên bố từ giã xe đạp THCM để về đầu quân cho đội Cấp thoát nước Bình Dương.
Phương Phi thổ lộ: "Tôi xin ra đi chủ yếu vì thiếu thốn về trang thiết bị thi đấu và điều kiện kinh tế. Tôi đã cống hiến cho xe đạp thành phố 6 năm (1998 - 2004) nhưng chẳng được gì, nhiều lần chúng tôi đề xuất mua xe mới để cải thiện thành tích nhưng vẫn không được đáp ứng.
Trong khi đó, về thi đấu cho Cấp thoát nước Bình Dương, tôi sẽ được nhận mức lương gấp đôi, lại được trang bị đầy đủ. Ngoài ra, còn được ký hợp đồng lao động đầy đủ và quan trọng là được tạo công ăn việc làm sau khi từ giã đường đua. Ngày 31/8/2004, tôi đã ký hợp đồng mới với Cấp TN. Bình Dương, sau khi rời TPHCM vào ngày 29/6/2004…”
Khi đó, Trưởng bộ môn Xe đạp TPHCM Phan Quý Bách có mời Phương Phi lên để thương thảo, nhưng hai bên đã không đạt được thỏa thuận, nhất là các chế độ đãi ngộ.
HLV xe đạp Huỳnh A, người được đánh giá có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn cũng đã chia tay TPHCM để đầu quân cho Bình Dương. Ông cho biết: ”Dù rất muốn dồn hết tâm huyết cho xe đạp thành phố, nhưng do quá ngán cách làm việc của cấp trên tôi quyết đi tìm bến đỗ mới”. Ông Huỳnh A “ngán” xe đạp TP.HCM không chỉ vì mức “lương bèo” cho HLV, mà còn do những biểu hiện thiếu minh bạch từ bộ môn Xe đạp.
Sự kiện nhà vô địch thể hình thế giới, vô địch châu Á Phạm Văn Mách quyết định chia tay với thể thao TPHCM cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng với cái trung tâm thể thao từng được xem là mạnh nhất cả nước. Thực tế đấy chỉ là giọt nước làm tràn ly trong “trào lưu” chảy máu VĐV đỉnh cao, khi TP.HCM vẫn bị động trong cách giải quyết (bằng luật, bằng chế độ đãi ngộ, bằng cơ chế và bằng tình cảm).
Lý do Phạm Văn Mách đưa ra về việc chia tay với thể thao TPHCM thật đơn giản: Bảy năm đóng góp cho thể thao TP.HCM, nhưng đến giờ này tôi vẫn chưa ổn định, vẫn phải ở nhà thuê... Tuổi thọ của VĐV không được là bao, nên đến lúc tôi phải lo cho tương lai của mình. Tôi phải về quê vì cha mẹ tôi ở dưới An Giang đã già yếu, trong khi tôi lại là con trai một...
Liên tiếp sau đó là các cuộc chia tay “rầm rộ” của Trần Lê Phương Linh, Hồ Ngọc Thuận, Nguyễn Tiến Đăng Vũ, Phạm Đình Thông, Mai Huỳnh Quang Duy (bóng bàn), tay vợt trẻ tài năng Huỳnh Phương Đài Trang (quần vợt), Lê Ngọc Nguyên Nhung, Nguyễn Quang Minh, Trần Thanh Hải (cầu lông), Trương Thanh Hằng (điền kinh)…
Mà nguyên nhân thì tất cả đều đã biết rõ: TPHCM không có chế độ ưu đãi cho diện VĐV tài năng đặc biệt, luôn giữ tư tưởng “cào bằng” chế độ cho VĐV, bất kể họ đoạt huy chương quốc tế hay trong nước…
Gần nhất là sự ra đi của “nữ hoàng” đường chạy trung bình Trương Thanh Hằng. Trong suốt 6 năm cống hiến, Thanh Hằng chỉ nhận mức lương hơn 1 triệu đồng/tháng để nuôi mẹ và em ăn học. Cô chẳng phàn nàn nửa câu, tiếp tục phấn đấu để làm giàu bộ sưu tập huy chương cho điền kinh TPHCM ở các đấu trường trong nước, SEA Games, châu Á…
Thế nhưng, cách làm việc tắc trách, thiếu quan tâm của lãnh đạo ngành thể thao TPHCM đã buộc Hằng phải lên tiếng đòi ra đi.
Giữa cơn bão phát triển của xã hội, thể thao cũng phải chuyển mình. Chỉ có điều các địa phương khác làm được, trong khi một ngành thể thao lắm tiền, nhiều người như TPHCM lại… “chống mắt” đứng nhìn các tài năng lần lượt nắm tay nhau ra đi.
Sau Trương Thanh Hằng sẽ còn những VĐV nào nữa sẽ chia tay? Sẽ rất nhiều, nếu ngành thể thao vẫn trì trệ, vẫn giữ phong cách làm lạc hậu của vài chục năm trước và vẫn giữ nếp nghĩ “đến đâu thì đến” như lúc này…
Lê Thanh