1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

World Cup và những thăng trầm của người Anh:

Kỳ 2: Thoái trào và những cơn ác mộng nối tiếp nhau

(Dân trí)- Những quả penalty định mệnh, chấn thương, người Argentina, sự ngây ngô … Tất cả đều đáng bị buộc tội cho những giấc mơ tan vỡ của người Anh ở các kỳ World Cup.

England’66, đó là lần đầu tiên và duy nhất người Anh được hát lên lời kiêu hãnh. Kế sau thất bại tức tưởi trước Tây Đức ở World Cup 70, xứ sở hình con thỏ và củ cà rốt nuốt nước mắt nhìn người Ba Lan cướp khỏi tay mình chiếc vé đến Đức (1974) với trận hòa kỳ quái 1-1 trên sân Wembley.

Các chân sút Anh cứ sút, nhưng người án ngữ trong khung gỗ Ba Lan là Jan Tomaszewski, con người của những điều kỳ diệu. Thêm một lần, quê hương môn bóng đá lại phải đứng ngoài cuộc chơi cao nhất.

Thất bại tủi hổ, Ramsay (lúc đó đã được phong tước Hiệp sỹ) lặng lẽ thoái vị, nhường chiếc “ghế điện” cho Don Revie. Thất bại nối tiếp thất bại, đến lượt Don Revie nói lời từ biệt sau khi ĐT Anh một lần nữa gục ngã trước thử thách. Cuối cùng, người Anh lại phải trông mong vào bàn tay cải tổ của Bobby Robson.

Espana’82, người Anh náo nức chờ đón một bộ mặt mới. Nhưng thật đau đớn, đó lại là xuất phát điểm của những cơn ác mộng triền miên: Thảm họa Hooligan. Một kỳ World Cup bị giới hippy (lập dị) xứ sương mù biến thành bi kịch.

Kỳ 2: Thoái trào và những cơn ác mộng nối tiếp nhau - 1
 Nạn hooligan, vết nhơ trong lịch sử bóng đá Anh.

Những cuộc ẩu đả man rợ như trong La Mã trung cổ, những con quỷ trọc đầu với những hình xăm loang lổ, rượu, Death Metal và cả ma túy, hooligan đã làm nhơ nhớp những gì đẹp đẽ mà bao thế hệ người Ănglê đã xây dựng với thế giới bên ngoài.

Một cơn ác mộng ngàn lần đáng nguyền rủa.

Mexico’86, “Bàn tay của Chúa” đã bóp nát những trái tim đang mơ.

Mexico’86, với chân sút huyền thoại Gary Lineker, người Anh tràn trề hy vọng lặp lại kỳ tích 20 năm về trước. Khởi đầu vòng bảng với trận thua đáng hổ thẹn trước Bồ Đào Nha, ĐT sư tử chịu thêm một tổn thất lớn lao khi thủ quân Bryan Robson bị chấn thương.

Người Anh nhọc nhằn tiến vào vòng 2 nhờ vào cú hat-trick tuyệt vời của Lineker trong trận thắng Ba Lan. Thế nhưng, chiến thắng giòn giã 3-0 trước Paraguay chỉ là điểm khởi đầu cho một thảm họa mới.

Sự ngờ nghệch, cái mà sau này Maradona gọi là “thánh thiện”, của các hậu vệ xứ sương mù đã khiến họ trở nên quá nhỏ bé trước sự tinh quái của Cậu bé vàng. Trận tứ kết định mệnh đó chính là khởi điểm của mối thâm thù giữa người Anh và Argentina.

Trận đấu kinh điển đó cũng đã bộc lộ hoàn toàn 2 mặt trong con người Maradona. Mở đầu cho cuộc chơi đó chính là bàn thắng bằng tay ác quỷ của Cậu bé vàng. Một cú chạm tay chưa hề có trong tâm thức của những chú gà gô khác lên mình tấm áo sư tử.

Kỳ 2: Thoái trào và những cơn ác mộng nối tiếp nhau - 2

 Bàn tay của Chúa, cơn ác mộng
của người Anh ở Mexico'86.

Trong một tình huống bóng bổng ở trong vòng cấm, khi mà thủ thành Shilton đã lao ra, cặp trung vệ chực ập vào tranh bóng, Maradona đã nhanh như một con thoi, dùng tay chạm bóng và cũng nhanh không kém rụt tay lại và chạy ra góc sân ăn mừng bàn thắng.

Một khoảnh khắc không thể nào quên, điều khó tin nhất là không ai trong số các trọng tài, và cả thủ môn Shilton hay biết. Sau này, Marodona mới tiết lộ, người duy nhất phát hiện ra sự xuất hiện của Chúa chính là Terry Butcher, trung vệ ĐT Anh.

Nếu trong bàn thắng đầu tiên, cả dân tộc Anh nguyền rủa Cậu bé vàng, thì đến bàn thứ 2, không có gì để lý giải. Cú đột phá kinh điển của Maradona đã biến hàng thủ Anh thành một mớ bát nháo trước khi thủ thành Shilton bị trở thành nạn nhân cuối cùng và bóng đã nằm trong lưới.

Một khoảnh khắc điên rồ, và sau 5 giây chết sững, cả SVĐ nổ tung trong tiếng pháo tay. Sau này, Gary Lineker, vua phá lưới giải năm đó, hồi tưởng: “Đó là lần đầu tiên trong đời tôi phải tán thưởng một bàn thắng của đối thủ”.

Trận Tứ kết lịch sử đó là dấu chấm hết cho cuộc phiêu lưu của người Anh trên đất Mễ Tây Cơ (Mexico), nhưng là điểm khởi đầu câu chuyện dài kỳ về mối thâm thù Anh-Argentina.

Italia’90, khi mà giai điệu của bài hát Mùa hè Italia làm say mê cả trái đất, cơn ác mộng lại đến với người Anh: Cái chết trên chấm phạt đền.

Nhọc nhằn tiến vào bán kết sau 2 chiến thắng tối thiểu trước Bỉ và Cameroon, người Anh đã nhận được một bài học xương máu từ Cỗ xe tăng Đức: Bài học về "tinh thần thép" trong bóng đá.

Thủ hòa 1-1 trong thế thượng phong, thầy trò Bobby Robson bước vào cuộc chiến cân não trên chấm phạt đền. Với huyền thoại Peter Shilton trong khung gỗ, người Anh có lý để tin vào một chiến thắng.

Nhưng điều đó đã không thành hiện thực, hai cú đá hoảng loạn của Stuart Pearce và Chris Waddle đã đẩy đội nhà ra khỏi cuộc chơi. Dừng bước ở bán kết, một lần nữa giấc mộng bá chủ của xứ sương mù lại dở dang.

Kết thúc giải năm đó, Peter Shilton từ giã sự nghiệp, để lại kỷ lục 125 lần ra sân trong màu áo trắng, kỷ lục vẫn còn là một thách thức đến bây giờ.

USA’94, mọi chuyện còn tồi tệ hơn khi Graham Taylor thất bại trong việc đưa ĐT sư tử vào VCK, xát thêm muối vào nỗi nhục đó, trớ trêu thay lại chính là đội bóng tý hon San Marino với bàn thắng vào lưới ĐT Anh chỉ sau 8 giây thi đấu ở trận vòng loại.

Taylor ra đi, để lại chiếc ghế nóng cho Terry Venables. Trời lại sáng sau cơn mưa, nhưng đội bóng sư tử vẫn chưa thoát khỏi cơn ác mộng trên chấm 11m.

Euro’96 là thời điểm người Đức lại chỉ ra sự ngây ngô của đối thủ bên kia bờ Đại Tây Dương bằng sự trừng phạt trên chấm phạt đền. Lần này, tội đồ của người Anh là Gareth Southgate. Cú luân lưu định mệnh cũng chính là lời kết cho kỷ nguyên Venables.

Glenn Hoddle lên ngôi, và đưa ĐT Anh sang bên kia eo biển Manche trong ngày hội France’98. Nhưng trớ trêu thay đó lại là một nỗi đau mới, nỗi đau kép mang dấu ấn của người Argentina và cả những quả penalty ám ảnh.

Kỳ 2: Thoái trào và những cơn ác mộng nối tiếp nhau - 3
Beckham nhận thẻ đỏ trong sự hả hê
của các cầu thủ Argentina

Nếu cần phải trách một ai đó, người Anh nên trách chính mình. Sự ngây ngô trong lối đá của ĐT sư tử đã bị những đôi chân quỷ quyệt của đối thủ xứ Tango khai thác đến cùng. Beckham đã rơi vào bẫy của gã thợ săn kinh nghiệm Diego Simeone và cay đắng nhận thẻ đỏ rời sân.

Với 10 người, người Anh vẫn gồng mình chống chịu những cơn tra tấn từ đôi chân của nhạc trưởng Veron, Batigol, Zanetti … để kết thúc 120 phút hành xác với tỷ số hòa. Nhưng rồi, tất cả những nỗ lực đó đều tan thành bọt nước, khi con người sùng đạo Carlos Roa tự biến mình thành anh hùng trong những loạt luân lưu định mệnh.

Hoddle ra đi, Keegan lên ngôi nhưng câu chuyện dài kỳ về các nhà cầm quân ở xứ Ăng-lê vẫn chưa có hồi kết. Sau thất bại ê chề ở Euro 2000 và trận thua 0-1 trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2002, cái ghế của Keegan cũng bị hất tung.

Lần đầu tiên trong lịch sử FA, người Anh dẹp lại phía sau sự bảo thủ, kỳ thị và lòng tự tôn hình thức để tìm một thuyền trưởng ngoại quốc. Sven Goran Eriksson được chọn, một quyết định mà cho đến bây giờ người ta vẫn nhắc lại như là “một sự xúc phạm đối với bóng đá Anh”.

Nhật Bản-Hàn Quốc 2002, cuộc báo thù không trọn vẹn.

Ván bài Eriksson có kết cục có hậu. ĐT Anh vượt qua kỳ phùng địch thủ Đức với trận thắng để đời 5-1, trong đó người hùng Owen để lại dấu ấn đậm nét với một cú hat-trick. Cú vượt rào mỹ mãn của người Anh được đánh dấu bằng pha sút phạt thần sầu của thủ quân Beckham, giúp họ thủ hòa may mắn 2-2 với Hy Lạp.

VCK, con tạo tai ác lại đưa người Anh đối mặt với Argentina. Nhưng lần này, thượng đế là người Ăng-lô Saxon. Dưới con mắt lồi to sáng láng của “vua áo đen” người Italia Pierlugi Collina, mọi trò ảo thuật kỷ quyệt của các chàng trai áo sọc đã không còn đất dụng võ.

Người Anh, và Beckham nói riêng, hả hê với cuộc trả thù ngọt ngào bằng quả penalty thành bàn ở phút 44. Cú sút của tiền vệ số 7 giúp người Anh lần đầu tiên ngẩng cao đầu khi nhắc đến Argentina và bóng đá Latin.

Niềm tự hào đó sẽ còn kéo dài chưa dứt nếu không có người Brazil và cái chân phải điên rồ của Ronaldinho. Trận Tứ kết ngày 21/6/2002.

Mặc dù đã vươn lên dẫn trước sau khi Owen tận dụng triệt để sai lầm ít thấy của “đá tảng” Lucio, người Anh đã một lần nữa lạc vào mê cung của những pha đan bóng kỳ ảo của người Nam Mỹ.

Kỳ 2: Thoái trào và những cơn ác mộng nối tiếp nhau - 4
 Seaman bất lực trước cú đá phạt
thần sầu của Ronaldinho.

Phút 47, Ronaldinho dùng cái hông dẻo quẹo của mình mở toang hàng thủ Anh trước khi chuyền bóng cho Rivaldo. Không có một sai lầm nào, bóng từ cái chân “vòng kiềng” của Rivo bay thẳng vào góc cao, cướp mất lợi thế của đội bóng sư tử.

Chưa kịp định thần sau giờ nghỉ, người Anh đã một lần nữa chết sững dưới chân Ronaldinho. Từ cú đá phạt hàng rào từ cự ly hơn 30m, Ronnie đã biến Seaman thành gã hề khi nhẹ nhàng đưa bóng vào góc cao. 2-1, một giấc mơ chấm dứt.

Germany’06, những dự cảm không tốt lành

Trong kỳ World Cup cuối cùng dưới triều đại Eriksson, không thể phủ nhận người Anh đặt một kỳ vọng rất lớn. Nhưng dường như bóng ma quá khứ đang hiện về hòng tước mất những nỗ lực lớn lao của một thế hệ con người.

Chưa dứt cơn đâu đầu về vụ scandal cờ bạc của Owen, Rooney và một sổ tuyển thủ, niềm hi vọng số 1 Rooney đang đứng trước nguy cơ mất kỳ World Cup đầu đời với chấn thương tai ác ở chân.

Để thế chỗ cho Eriksson, FA đã lại chọn một người Anh: Steve McLaren để gửi trọn tiền đồ của ĐT Anh. Một cuộc cách mạng hay một sự bế tắc của FA, cứ chờ rồi sẽ rõ.

Nhưng dường như, bóng đá Anh chưa bao giờ hết chuyện ngay trước cửa thiên đường. World Cup 2006, một sự tái hiện của 40 năm khắc khoải, hay trò xúc xắc nghiệt ngã của Thượng đế vẫn chưa buông tha người Anh?

Kỳ 1: Đường lên đỉnh thế giới

Hồng Kỹ