1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Ẩn số về một huyền thoại võ thuật:

Kỳ 2: Người tạo nên kỳ tích karatedo Việt Nam

Không trợ lý, không chuyên gia, không tập huấn ở nước ngoài, nhưng võ sư Đoàn Đình Long đã tạo nên những thành tích thể thao chấn động nước nhà. Ngay tại giải thi đấu quốc tế đầu tiên là giải vô địch châu Âu năm 1989, hai học trò của ông là Danh Tuấn và Trung Dũng đoạt được 1 Huy chương Bạc (HCB), 1 Huy chương Đồng (HCĐ).

Tại SEA Games 1993, trái tim bệnh tật của người HLV trưởng tưởng chừng không thể chịu nổi trước hai niềm vui quá lớn khi học trò ruột Nguyễn Anh Tuấn, Trần Văn Thông đoạt 2 Huy chương Vàng (HCV).

Những kỳ tích không tưởng!

Thông thường, những môn thể thao đi thi đấu quốc tế muốn có giải là cả quá trình dài đầu tư, tập luyện của vận động viên. Môn karatedo vào những năm 90 của thế kỷ trước mới bắt đầu manh nha phát triển. Chính vì thế, đừng nói đến việc thi đấu được giải thế giới, chỉ cần mơ đến một giải nhỏ trong khu vực cũng đã là kỳ tích không tưởng rồi. Thế mà, Đoàn Đình Long và các học trò của mình đã liên tiếp tạo nên những điều kỳ diệu.

Đợt SEA Games 17 (1993), trước khi đoàn thể thao Việt Nam lên đường, Đoàn Đình Long viết “quân lệnh trạng” rằng, đội karatedo sẽ có ít nhất một HCĐ. Nhiều người cười nhạt trước tuyên bố của ông. Nhưng thực tế chính là câu trả lời thuyết phục nhất. Không những có HCĐ, ngay trong kỳ SEA Game ấy, Karatedo Việt Nam bất ngờ giành 2 HCV. Đó là những tấm HCV đầu tiên của karatedo kể từ khi thể thao Việt Nam hội nhập đấu trường quốc tế.

Những người đam mê thể thao chắc hẳn còn nhớ, năm 1994, trước khi dẫn đội tuyển Việt Nam sang Nhật tham dự ASIAD tổ chức tại thành phố Hiroshima, võ sư Đoàn Đình Long khiến cánh phóng viên và nhiều người nghi hoặc với phát ngôn: “Sẽ có giải trong đợt này”. Đó là tuyên bố có phần “ngông cuồng” bởi trên thực tế đến thời điểm đó, Việt Nam chưa bao giờ vượt qua được người Nhật trong môn thể thao xuất thân từ chính quốc gia này.

Võ sư Đoàn Đình Long, một huyền thoại sống của võ thuật Việt Nam

Võ sư Đoàn Đình Long, một huyền thoại sống của võ thuật Việt Nam

Thế nhưng, các đệ tử của ông đã làm nên lịch sử với 2 HCB, đánh dấu chiến thắng lần đầu tiên của karatedo Việt Nam. Không những thế, Đoàn Đình Long cũng là một trong những người đầu tiên tìm hiểu và đưa pencatsilat vào Việt Nam, góp phần làm cho bộ sưu tập huy chương của thầy trò ông thêm phong phú.

Ngay sau SEA Games 17 thành công, võ sư Đoàn Đình Long tiếp tục dẫn các học trò tham dự Giải vô địch Karatedo châu Á tại Đài Loan. Oái oăm thay, dù được đặt nhiều kỳ vọng nhưng đội tuyển lại không giành được một huy chương nào. Võ sư Long kể, tất cả khán giả các nước đều công nhận vận động viên Việt Nam đã giành chiến thắng thuyết phục, thế nhưng vị trọng tài đã phán xét thiếu khách quan, thiếu công bằng khiến học trò của ông bị tuyên thua cuộc.

Ôm uất ức trong lòng, sau trận thi đấu trở về, HLV Đoàn Đình Long cùng các học trò ngày đêm luyện tập. 6 năm sau, tại giải đấu tiếp theo, Karatedo Việt Nam vững vàng trong vị trí thứ 3 toàn đoàn tại giải vô địch châu lục, “mối hận” của Đoàn Đình Long và các học trò mới được trả một cách sòng phẳng. Không chỉ vậy, thầy trò Đoàn Đình Long đã đem về chiến thắng vẻ vang cho nước nhà.

Tạo nên những thành công nhanh chóng và bất ngờ cho karatedo Việt Nam, võ sư Đoàn Đình Long cũng có ngón nghề được coi là bí mật. Đó là việc ngoài việc luyện karatedo tới mức thượng đẳng, ông còn bí mật theo học hai phái võ nữa, đó là phái Sơn Đông và phái Hoa Quyền. Ông học thêm hai hệ phái đó để tìm cách tu bổ thêm kỹ thuật cho hệ phái karatedo của ông. Những tinh hoa võ thuật được ông lồng ghép nhuần nhuyễn tạo nên những đòn thế tinh túy và vô cùng đặc biệt. Karatedo của ông đã không còn giống môn võ nguyên gốc du nhập về Việt Nam nữa mà nó mang bản sắc, trí tuệ và chính là thương hiệu Đoàn Đình Long.

Cái tinh túy cốt lõi của karatedo được võ sư Đoàn Đình Long đúc kết: “Không phí phạm sức lực, không vung tay quá trán. Đừng đỡ những đòn không phải đánh vào mình, hãy tiết kiệm và chiến thắng đối phương bằng tốc độ”. Ngẫm ra, đó cũng là một triết lý về lẽ sống, cách sống.

Hệ phái karatedo Đoàn Long

Vì quá đam mê, hạnh phúc gia đình võ sư Đoàn Đình Long cũng đôi lúc bị chao đảo. Ông thật thà: “Những lúc ốm đau, nằm viện mình mới là của vợ. Cứ khỏe rồi lại như con chim bay đi. May mà vợ tôi tâm lý, thấy mình say nghề quá nên bà ấy rất thông cảm và sẻ chia”.

Võ sư Đoàn Đình Long say mê đứng lớp. Ông uốn nắn từng động tác của học trò từ những tư thế ra đòn, né đòn đến truyền lòng nhiệt huyết, tinh thần võ thuật đến với họ. Từ những võ sinh thành danh đến những người mới vào đội tuyển, ông đều đến tận nơi chỉ từng động tác chân, cách chạm vào đối phương vừa tới để không làm đau đối thủ và tránh những tình thế gây nguy hiểm cho mình. Có thể nói, hiện nay ở Hà Nội, Đoàn Đình Long là võ sư hiếm hoi còn dạy võ với phong cách hà khắc và tinh thần cổ xưa, đúng như ý nghĩa của võ thuật.

Một số vị võ sư trong làng võ thuật Việt kể rằng, Đoàn Đình Long là một con người mạnh mẽ nhưng cũng rất đỗi tình cảm. Con người ông là vậy cho nên những lúc ông gặp hoạn nạn trong cuộc sống anh em bốn phương đều muốn chia sẻ, động viên ông. Đan xen những vinh quang từ những SEA Games, Asian Games, Karate World Championships là những lần mổ tim. Ông là nhân vật điển hình có nhiều cống hiến cho nền thể thao Việt Nam.

Mấy chục năm gắn bó với môn võ thuật karatedo, hào quang đến với ông cũng nhiều nhưng cũng không ít đau đáu, trăn trở. Hỏi về kỷ niệm khi đang đương chức cầm quân Đội tuyển Karatedo Việt Nam. Võ sư Đoàn Đình Long nhớ nhất năm 1997, lúc này ban tổ chức của Nhật Bản mời đích thân HLV Đoàn Đình Long cùng tuyển chọn vận động viên Việt Nam sang dự Đại hội Karatedo thế giới. Đây là một đại hội karatedo quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với tổng cộng 1.700 võ sĩ tham gia của hơn 140 nước.

Đây còn được gọi là giải đấu sinh tử, nghĩa là vận động viên phải chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra trong thi đấu. Trước khi tham gia, tất cả các vận động viên, gia đình vận động viên, HLV phải ký vào... “sổ tử”. Ở đại hội này, đoàn Việt Nam dù chỉ có 3 vận động viên nhưng đã xuất sắc vượt qua hàng loạt “anh tài” để đứng hạng tư chung cuộc một cách đầy bất ngờ.

Với hàng loạt những vinh quang mang về cho thể thao nước nhà, sau SEA Games 20 năm 1999, võ sư Đoàn Đình Long được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Sau SEA Games 21 năm 2001, ông được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Trong năm 2010, Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam phong tặng Đoàn Đình Long bằng võ sư cao cấp.

Đến nay, dù đã quy ẩn nhưng trái tim Đoàn Đình Long vẫn không thôi hướng về karatedo. Ông đã thành lập hệ phái karatedo Đoàn Long và truyền vào đó những gì tinh túy nhất của cả một đời nghiên cứu võ học. Ông vẫn đang âm thầm tìm cách phát triển hệ phái này ra thế giới…

Trái tim bạo bệnh của vị võ sư tài ba

Bệnh tật, khổ luyện và vinh quang là những thứ đồng hành trong cuộc đời của ông. Anh em, bạn bè thường đùa rằng, ông là một “ngân hàng bệnh”. Ngoài bệnh tim, thì đau đầu, đau dạ dày mãn tính luôn thường trực hành hạ ông. Có những lúc đang đứng lớp võ ông đau đớn ngã quỵ xuống đất. Chỉ nghỉ ngơi giây lát ông lại tiếp tục rèn luyện các học trò của mình. Trong nhiều cuộc vui với anh em, bạn bè có lúc thấy ông ngồi lặng, tím tái mặt mày, mồ hôi toát ra như tắm. Anh em thương lắm mà chẳng giúp được gì. Qua cơn đau ông lại nâng chén cùng anh em, chẳng bao giờ để bạn bè chê trách lời nào.

 
Theo Minh Tiến
PetroTimes