Ẩn số về một huyền thoại võ thuật (Kỳ 1)

Đoàn Đình Long là võ sư karatedo nhất đẳng huyền đai, nguyên Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Karatedo Quốc gia Việt Nam, người sáng lập hệ phái Karatedo Đoàn Long.

Nhưng cũng ít người biết rằng, cuộc đời của vị võ sư huyền thoại ấy cũng rất trầm luân. Cách đây hơn 10 năm, ông quyết định “rửa tay gác kiếm”, ẩn mình vào lãng quên…

Kỳ 1: Học võ để… duy trì sự sống

Võ sư Đoàn Đình Long không phải là “con nhà nòi” nhưng ông là một trong những người đầu tiên đưa vinh quang về với môn võ karatedo cho Việt Nam. Vậy nhưng, chẳng ai tin rằng, vị võ sư ấy bị bệnh tim bẩm sinh, 3 lần đứng bên miệng vực của cái chết. Võ học siêu việt cùng những triết lý nhân sinh trong võ học của ông cũng cũng chính là con đường duy nhất để ông giành lại sự sống.

Học võ “chui” từ năm 6 tuổi

Có lẽ, danh tiếng lừng lẫy của võ sư Đoàn Đình Long không còn được như cách đây 10 năm nữa. Sau tất cả sóng gió cuộc đời, nỗi đau gia đình và căn bệnh tim dai dẳng, ông quyết định ẩn danh và người đời dường như đã quên lãng ông. Sau khi nghỉ chức Huấn luyện viên Đội tuyển Karatedo Việt Nam và nghỉ dạy ở Đội tuyển Công an nhân dân, ông tuyệt đối không xuất hiện trên báo giới.

Chúng tôi đã rất may mắn khi được một người bạn thân của ông giới thiệu để tiếp xúc với ông.

Võ sư Đoàn Đình Long sinh năm 1947, quê gốc ở Tiên Lữ, Hưng Yên. Tuy đã ngót 70, nhưng võ sư Long vẫn giữ được “phom” người chắc đậm, dáng vẻ nhanh nhẹn, thần thái minh mẫn. Ông có lối nói chuyện chậm rãi, đĩnh đạc đúng chất con nhà võ.

Võ sư Đoàn Đình Long bên tấm Huân chương Lao động hạng Nhì do Nhà nước trao tặng
Võ sư Đoàn Đình Long bên tấm Huân chương Lao động hạng Nhì do Nhà nước trao tặng

Võ sư Long sinh ra trong gia đình đông con, gia đình ông có tới 13 anh em. Năm 6 tuổi, Đoàn Đình Long đã gặp cơ duyên với võ thuật. Số là, gia đình Đoàn Đình Long sống trong khu vực có nhiều người nước ngoài vốn xuất thân là vận động viên võ thuật. Buổi chiều, như một bài tập thể dục thường ngày, những vận động viên ấy thường luyện tập tại khu sân chơi gần nhà Long. Ban đầu, cậu bé có dáng người nhỏ thó Đoàn Đình Long chỉ lén học, về sau mới được một vài vận động viên chỉ dạy cụ thể.

Thời điểm ấy, cứ sau 23 giờ đêm, Long và nhóm bạn của mình lại đến khu sân chơi gần nhà để tập võ. Không có giáo án bài bản nào cả, ai dạy cho miếng võ nào là lao vào học, cậu bé Đoàn Đình Long miệt mài học võ từ lúc 6 tuổi đến hết cấp 3.

Năm 20 tuổi, Đoàn Đình Long gia nhập môn phái Thiếu Lâm, có võ đường trên phố Mã Mây, Hà Nội. Khi ấy, do ông tập luyện về đêm nhiều, thời tiết lạnh, lại tranh thủ ngủ ngay tại sân tập khiến ông kiệt sức, nhiều lần phải nhập viện. Ở cái độ trai tráng nhất, Long phát hiện mình bị bệnh tim nặng. Điều đắng cay nhất của chàng trai trẻ lúc này là các bác sĩ kết luận, căn bệnh tim của ông chỉ cho phép ông sống thêm khoảng 5-7 năm nữa. Các bác sĩ khuyên ông nếu muốn sống thì nên ngừng học võ ngay lập tức.

Giấc mơ võ thuật của chàng trai trẻ có nguy cơ bị dập tắt!

Ba lần “sổ tử” ghi tên

Để nuôi sống bản thân, sau khi học nghề, Long xin vào làm việc tại Viện Nghiên cứu Vật liệu xây dựng. Người nhà dù đã tạm yên tâm về chuyện “võ vẽ” của Long nhưng vẫn âm thầm theo dõi. Ai cũng biết rằng, chỉ cần vận động mạnh, Long sẽ rất dễ bị trụy tim và có nguy cơ đột quỵ. Nhưng, cũng không ai dám tin rằng Đoàn Đình Long sẽ thôi luyện võ. Về sau này, khi nhớ lại, ông kể: “Ai mà chẳng sợ chết, tôi cũng sợ. Nhưng cứ sống mà đi nhẹ nói khẽ, không được thỏa khát vọng thì sống không bằng chết. Tôi thà sống ngắn hơn nhưng được học võ còn hơn sống dài bằng hình hài của một phế nhân”.

Năm 1974, Đoàn Đình Long phải nhập viện vì bệnh tim của ông bước vào giai đoạn trầm trọng. Các bác sĩ buộc phải thực hiện ca mổ tim tách van hai lá để cứu sống Long, mặc dù tỷ lệ thành công chỉ là 50/50. Khi ca mổ kết thúc, Long hôn mê trong suốt nhiều ngày. Người thân, bạn bè đều đã chuẩn bị sẵn tâm lý rằng, Long sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa. Thế nhưng, Long đã tỉnh lại. Không những thế, bệnh tim của ông còn có những tiến triển rất tốt. Các bác sĩ cho rằng, tuy trái tim của ông bị dị tật nhưng nhờ cơ thể vận động thường xuyên, khí huyết lưu thông đều đặn nên ông đã trụ được, vượt qua cửa… “thần chết”.

Gánh nặng về sức khỏe đã có thể vượt qua nhưng gánh nặng về mưu sinh có nguy cơ quật ngã ông. Sau khi ra viện, ông tiếp tục trở lại làm việc ở Viện Nghiên cứu Vật liệu xây dựng. Là người mang tiền sử bệnh tim nên ông không được vào biên chế mà phải làm việc theo hợp đồng. Do kinh tế sa sút, cơ quan ông đứng trước nguy cơ giải thể, những người làm kỹ thuật như ông buộc phải đi làm… “cửu vạn”. Là người mắc bệnh tim mãn tính, không thể kham nổi những công việc nặng nhọc nên Đoàn Đình Long xin nghỉ việc. Ông đành về nhà học nghề sửa tivi để kiếm miếng ăn qua ngày.

Bước ngoặt cuộc đời ông đến từ những năm tháng cùng quẫn này. Ở lúc gánh nặng mưu sinh ghì ông xuống sát đất thì giấc mơ võ thuật lại bùng lên mạnh mẽ.

Năm 1978, ông vào Huế thăm người nhà và tình cờ quen võ sư Lê Văn Thạnh, trưởng tràng hệ phái karatedo hệ suzucho Việt Nam. Máu võ trong người trỗi dậy như không thể ghìm giữ được nữa, ông xin theo học võ. Biết tin ấy, cả gia đình ông quyết liệt phản đối. Phần vì kinh tế gia đình ông còn quá khó khăn, phần vì ông đang mang trọng bệnh nên chuyện học võ của ông làm một quyết định hão huyền và ích kỷ. Ngay cả võ sư Lê Văn Thạnh thấy da mặt ông xám xịt, dáng người gầy gò đến thảm hại đã lắc đầu ái ngại. Thế nhưng Long vẫn nằng nặc xin thầy Thạnh được thử sức một lần, nếu không được, ông bắt xe về Bắc ngay!

Màn đấu thử sức kết thúc, võ sư Lê Văn Thạnh quá đỗi bất ngờ trước mãnh lực ào ạt phát ra từ thân pháp nhanh nhẹn đến kỳ lạ của Đoàn Đình Long. Tuy võ nghệ của Đoàn Đình Long thời điểm ấy còn thô sơ, đòn thế còn ngô nghê nhưng võ sư Thạnh với con mắt nhà nghề của mình đã phát hiện ở Long một tài năng võ thuật thiên bẩm mà nếu được đào tạo bài bản, sẽ trở thành viên ngọc quý. Võ sư Thạnh đồng ý thu nhận Long làm đệ tử.

Như cá được thả về nước, Long nhanh chóng lĩnh hội những căn cốt tinh thâm nhất của karatedo do võ sư Thạnh truyền dạy. Ông trở thành đệ tử xuất sắc nhất của võ sư Lê Văn Thạnh. Chỉ sau khi học karatedo được 3 năm, đến năm 1981, khi bước sang tuổi 34, Đoàn Đình Long chính thức mang đai đen của môn phái. Ông từ biệt thầy về Bắc.

Sau khi về Hà Nội, khi biết tin Trung tâm Thể thao Quần Ngựa chiêu sinh lớp karatedo, Long đăng ký đi học thêm. Nhưng, chỉ đúng sau 2 buổi học vị võ sư phụ trách trung tâm đã đề nghị Đoàn Đình Long chuyển lên làm… thầy dạy võ. Và từ đây, nghiệp võ gắn chặt với cuộc đời ông, làm nên một huyền thoại võ thuật lẫy lừng mà người đời sau chắc sẽ còn nhắc nhiều đến nữa.

20 năm sau khi nhận lời làm thầy dạy võ tại Trung tâm Thể thao Quần Ngựa, đến năm 1994, võ sư Đoàn Đình Long đã là Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Karatedo Việt Nam và là người thầy của rất nhiều những nhà vô địch Đông Nam Á, vô địch thế giới.

Nhưng cũng chính khi sự nghiệm võ học của ông phát tiết rực rỡ nhất thì thần chết lại đến “trêu đùa” ông. Bệnh tim của ông lại trở chứng. Khi đó, đã quá đỗi bất ngờ khi tiếp nhận một ca mổ của một bệnh nhân mà ông tưởng đã chết vài năm sau ca mổ thứ nhất.

Được tin thầy Long nhập viện, từ khắp nơi trên thế giới, môn sinh đổ về đứng kín sân bệnh viện và xin được hiến máu cứu thầy. Lại vẫn những hy vọng mong manh sinh tử, lại vẫn những giọt nước mắt chảy tràn và võ sư Long lại thoát chết một lần nữa.

Cuộc đời chẳng cho không ai điều gì cả. Nhiều vị võ sư hàng đầu Việt Nam đặt câu hỏi rằng, với tài năng võ thuật hiếm gặp của Đoàn Đình Long mà lại được đặt vào một cơ thể hoàn hảo, cường tráng thì những tinh hoa ấy sẽ phát tiết rực rỡ đến chừng nào? Nhưng, vượt trên nỗi đau bệnh tật, cuộc đời của vị võ sư huyền thoại này đã trải qua những đường ngang, lối dọc, có cả tột cùng vinh quang và tột cùng cay đắng mà chúng tôi sẽ kể với bạn đọc vào kỳ sau.

Theo Vũ Minh Tiến
PetroTimes