1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Kỳ 2: Canh bạc Carrick và sứ mạng phục hưng

(Dân trí) - Fergie ôm đầu, đôi mắt già nua đăm đăm nhìn vào hư vô, miệng nhai trèo trẹo những mẩu kẹo cao su, thay ba người vào một vị trí. Tất cả chỉ vì cái bóng của Roy Keane…!

> Kỳ 1: Quỷ đỏ và những trò xúc xắc đen đỏ

 

Kết thúc cuộc tìm kiếm chủ nhân của số áo 16

 

Đó là một điệp vụ thuộc hàng khó khăn nhất trong hai thập kỷ cầm quân của Alex Ferguson. Đơn giản, sự lớn mạnh của Quỷ đỏ dưới bàn tay Fergie chưa có lúc nào không có dấu giày của Keano, người đã 12 năm tròn cống hiến cho sân Old Trafford.

 

Roy là xương sống của Quỷ đỏ, là đầu tàu, là động lực vực đội bóng của ông dậy trong những thời điểm khó khăn nhất. Những cú sút bóng sống như búa tạ, những pha tranh chấp lỳ lợm và mãnh liệt và khả năng thu hồi bóng thuộc về bản năng, những lời đó vẫn chưa thể nói hết vị thế của Keano ở Old Trafford.

 

Xuất thân từ một tay giang hồ thứ thiệt, cầu thủ người Ireland có trong mình chất máu lửa rất “đời”, và sự từng trải khiến cả đội hình trẻ trung lúc đó của MU phải nể sợ. Không chỉ có vậy, khả năng phân phối bóng và điều tiết trận đấu có một không hai của Keano chính là bệ phóng để “đôi cánh thần diệu” của MU thăng hoa.

 

“Thu phục” và biến Keano trở thành một thủ lĩnh, đó là thành công to lớn của Fergie. Nhưng một thập kỷ trôi qua nhanh như một cái chớp mắt, và Fergie, thậm chí không nhận ra mình đã già đi rất nhiều, lại phải loay hoay tìm một con người mới để kế thừa chiếc áo số 16 vĩ đại đó.

 

Kỳ 2: Canh bạc Carrick và sứ mạng phục hưng - 1

Cú ăn ba năm 1999 có công rất lớn của Roy Keane.

 

Thực ra, công cuộc kiếm tìm của ông không chỉ bắt đầu khi Keano gậy nải ra đi, mà từ trước đó mấy năm, khi ông bắt đầu tính đến chuyện đưa Juan Veron về với Old Traford. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh chiếc áo số 16 quá rộng và nặng nề với tất cả: Quinton Fortune, Phil Neville, John O’shea, Juan Veron, Kleberson, Eric Djemba Djemba,  Liam Miller, Alan Smith hay Daren Fletcher.

 

 Cuộc tìm kiếm của Alex quả là gian nan và nhọc nhằn. Hết thua Real trong cuộc tranh chấp Thomas Gravesen, MU lại bị Chelsea đi trước một bước trong vụ Michael Essien và mới đây nhất lại bị chính The Blues dùng tiền “dụ dỗ” mất John Obi Mikel.

 

Với đồng tiền đong đầy toan tính của nhà Glazer, Fergie đã đánh mất uy thế trong các cuộc mua bán. Những cuộc cò kè tưởng không bao giờ dứt đã khiến Lyon quay lưng với MU trong vụ Diarra, Malouda, và mới đây nhất là bị Inter cho “hít khói” trong cuộc chạy đưa giành chữ ký của Vieira.

 

Bộ đôi của Villarreal là Marcos Senna và Juan Riquelme cũng đã cười vào mũi Ferguson mà rằng: tương lai của chúng tôi thuộc về Tàu ngầm vàng.

 

Tất cả những điều đó nói lên một sự thật rằng, MU đã đánh mất uy thế đại gia trên thị trường chuyển nhượng, và Old Trafford cũng không còn là miền đất hứa đối với nhiều ngôi sao.

 

Cũng có thể coi đó là sự lý giải cho cái giá “ngất trời” 18,6 triệu bảng mà Alex vừa chi ra cho Tottenham để đổi lấy Michael Carrick - 25 tuổi, cao 1m83, nặng 74 kg, 145 lần thi đấu và ghi được 6 bàn ở giải Ngoại hạng.

 

Thành tích tốt nhất của Carrick ở ĐTQG Anh là 2 lần đá chính trong các trận giao hữu và trận thắng Ecuador 1-0 ở World Cup 2006. Trớ trêu thay, ông thầy Sven-Goran Eriksson cũng vì đưa Carrick vào sân trong trận đó mà bị báo giới Anh moi móc cho đến bây giờ.

 

Kỳ 2: Canh bạc Carrick và sứ mạng phục hưng - 2

Carrick được hy vọng kế thừa sự nghiệp của Keaneo.

 

Dù sao cũng có những lời ủng hộ làm Fergie ấm lòng: “Ngay lần đầu tiên xem Michael Carrick chơi bóng, tôi đã thấy rõ đây là một tài năng hiếm có. Ấn tượng nhất là Carrick luôn có vẻ dư thời gian khi kiểm soát bóng. Điều này nghe có vẻ không quan trọng gì mấy, nhưng thực tế là rất ít cầu thủ có biệt tài như vậy” - đây là lời cụ thân sinh của Frank Lampard, cũng là trợ lý của Westham, nơi Carrick khởi nghiệp.

 

Đợi xem MU sẽ có một Roy Keane mới, Fergie lại được ca ngợi với con mắt nhìn người tinh tế (liệu có đúng hay không sau nhiều vụ bán mua ngậm bồ hòn làm ngọt?) hay lại một lần nữa, Spurs lại hỷ hả ôm một bọc tiền và tưởng tượng ra gương mặt tiu nghỉu tội nghiệp của Fergie. Đợi thời gian…

 

Và tham vọng phục hưng của Fergie

 

Sau 20 năm, có thể nói rằng Alex là một vị tướng tài ba và trung nghĩa của sân Old Trafford. Có thể cuối mùa này ông không còn “trị vì” ở MU nữa, nhưng ông đã và đang xây dựng một “thế hệ vàng thứ hai” cho Quỷ đỏ.

 

Có thành, có bại, song những cuộc chuyển nhượng mà ông thực hiện đã nói lên tất cả. Trong những cái tên được đưa về Nhà hát của những giấc mơ, hầu như chẳng có ai quá 25 tuổi, và tất cả đều chưa phát tiết hoàn toàn.

 

Có lẽ nếu ngành công nghiệp bóng đá không bị thương mại hóa quá mức, và những cuộc chuyển nhượng không bị lũng đoạn bởi những đội bóng “mạnh gạo, bạo tiền” như Inter thời Farchetti, Real “Los Galaticos” thời Perez hay mới đây nhất là “London Chelski” của Abramovic, thì MU đã không phải thay đổi chiến lược chuyển nhượng của mình.

 

Mặc dù vậy, với những cái tên như Wayne Rooney, Christiano Ronaldo, Luis Saha, Alan Smith, Park Ji Sung, hay mới đây nhất là Patrick Evra, Nemanja Vidic và Michael Carrick, có thể thấy mục tiêu của Fergie chưa hẳn đã là ngôi vua ở Premiership năm tới.

 

Kỳ 2: Canh bạc Carrick và sứ mạng phục hưng - 3

Roonie và Ronie - Những ông chủ mới của sân Old Trafford.
 

 

Bởi nếu đem đội hình hiện tại của Quỷ đỏ ra so với “Galaticos mới” của Chelsea, với những “ông sao” hàng đầu thế giới mà Mourinho sở hữu, sẽ vẫn còn một sự khập khễnh đáng kể.

 

Thế nhưng, không ai có thể nói trước khoảng năm bảy năm nữa Chelsea sẽ ra sao, và tiền của đổ vào để “bôi trơn” guồng máy đó sẽ đào ở đâu, nếu một ngày nào đó ông tỷ phú người Nga không còn hứng thú với trò chơi sân cỏ này.

 

Trong khi đó, Mancunian (người Manchester) có thể thấy trước được một bộ khung đang định hình ở Old Trafford: đó là sự kết hợp giữa những tài năng được đưa về từ khắp châu Âu và những cầu thủ đầy tiềm năng từ chính học viện của MU.

 

Người tinh tế có thể hiểu vì sao Alex vẫn luôn đày ải những “con ách” Rooney, Ronaldo, Park Ji Sung trong những trận đấu ở League Cup cùng với đội hình dự bị của những Richarson, Rossi, Jones, Spector, Eagles, v.v. Đơn giản, họ đều là những cầu thủ trẻ, và trong mắt ông họ chính là những người chủ ở Old Trafford trong vài năm tới.

 

Như một quy luật tất lẽ dĩ ngẫu, thời cực thịnh của một thế hệ vàng đã đi qua, và MU lúc này đang như một nhà nông vào thời giáp hạt. Nhưng Fergie luôn nói rằng: “Phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi”.

 

Ắt ông có cái lý của ông, nếu không ông đã không ngồi vào chiếc ghế đó suốt 20 năm trời. Chờ một Quỷ đỏ mới!

H.K