1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Cắt giảm ngoại binh mùa bóng 2007:

Kỳ 1: Mất trước, liệu có được sau?

(Dân trí) - Lý giải cho việc giảm số “ông Tây” đá bóng trên sân cỏ VN, trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi đưa ra một con số biết nói: “Tiền để nuôi một cầu thủ ngoại trong một năm cũng bằng tiền đào tạo một đội bóng trẻ”.

Theo quyết định của LĐBĐVN (VFF) đưa ra sau khi tham khảo ý kiến của các CLB trong hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm mùa bóng 2006, số lượng cầu thủ ngoại được đăng ký ở mỗi đội hạng Nhất là 3 và chỉ 2 người cùng được ra sân. Con số này cũng được áp dụng với trận play-off.

 

Riêng ở Cup QG, số lượng cầu thủ đăng ký và sử dụng đều là 3. Đối với V-League, do chưa thể thống nhất nên tạm thời VFF đang “thòng” 3 phương án với số lượng ngoại binh đăng ký từ 3-5, và sử dụng 3.

 

Theo đó, chắc chắn “đất” dành cho những “ông Tây” “cắm dùi” trên sân bóng VN đã giảm, nhưng điều nhiều người lo ngại là điều này sẽ mang lại những hệ quả nào?

 

Mất gì?

 

Sau 6 năm tìm đường lên chuyên nghiệp, ngoại binh chính là một động lực không nhỏ làm tăng chất lượng chuyên môn và tính cạnh tranh của các giải đấu quốc nội.

 

Từ thời người Vinh nô nức đến xem hai “hòn ngọc đen” lần đầu tiên xuất hiện trên sân, đến sự lấn lướt “quá đáng” của các chân sút ngoại qua các mùa bóng (Achilefu, Amaobi, Kesley, Elenildo…), không lúc nào BĐVN phủ nhận sức hút và trình độ của những anh lính lê dương.

 

Trong khi hơn nửa thập niên trôi qua, khi chất lượng cầu thủ trẻ vẫn chưa có bước tiến nào rõ nét, nếu không muốn nói một cách quá trần trụi là dẫm chân tại chỗ và có biểu hiện thụt lùi thì chính sự xuất hiện ồ ạt của những cầu thủ đến từ khắp thế giới đã giữ được “chất” của các giải đấu trong nước đến ngày hôm nay.

 

Dù chỉ có 3 “mống” trên sân, nhưng thường họ được đặt vào những vị trí trọng yếu nhất. Như mùa bóng năm nay, hầu hết các đội bóng đều tận dụng tối đa quyền sử dụng 3 cầu thủ ngoại, và thường những vị trí mà các ông thầy ưa “dùng hàng ngoại” là cặp tiền đạo (xu hướng 1) hoặc tiền đạo-tiền vệ trụ-trung vệ (xu hướng 2).

 

Ngoài những đội bóng có thực lực nội ngoại đồng đều như HA.GL, GĐT.LA, M.Nam Định, P.SLNA…, có rất nhiều đội bóng “sống” dựa quá nhiều vào dòng máu ngoại. Đơn cử có P.Bình Định, HP.HN…

 

Kỳ 1: Mất trước, liệu có được sau? - 1
 Thành công dựa vào nội lực như H.Huế quả là rất hiếm hoi.

 

Đối với hầu hết các đội bóng, việc tìm được 8 gương mặt con rồng, cháu tiên để đặt vào các vị trí còn lại là một bài toán đố, chứ chưa nói đến việc cạnh tranh và thay thế 3 vị trí còn lại trên sân.

 

Mọi đồng xu đều có hai mặt, và cũng không ít “ông Tây” gây phiền toái bằng sự hiện diện của mình: tiêu biểu có sự ngông nghênh của “Lê Phu” sau khi gây dựng được ít tiếng tăm với Nam Định, bệnh “ngôi sao” của “Bi” ở Đà Nẵng, hay những dấu hỏi đầy nghi kỵ của Đồng Tháp về phong độ bất ngờ và đáng ngờ của nhiều cầu thủ ngoại ở những vòng cuối cùng mùa bóng vừa qua.

 

Nhưng chừng đó là không đủ để cào bằng và phủ nhận vai trò của những ngoại binh trong việc nâng cao chất lượng của BĐVN.

 

Rõ ràng, khi mà bài toán đào tạo cầu thủ trẻ vẫn đang lần tìm lời giải, việc “cắt đất” của ngoại binh trên sân sẽ ít nhiều tác động đến chất lượng, tính cạnh tranh của các giải đấu. Và tất nhiên, hai yếu tố đó tỷ lệ thuận với sự quan tâm của khán giả đối với BĐ nước nhà.

 

Và được gì?

 

Như trưởng BTC các giải trong nước Dương Nghiệp Khôi lý giải: “Tiền để nuôi một cầu thủ ngoại trong một năm cũng đúng bằng tiền đào tạo một đội bóng trẻ. Trong khi đó có nhiều ngoại binh chất lượng cũng chỉ tương đương với với cầu thủ trong nước, hoặc nhiều đội bóng mua ngoại binh về rồi quanh năm suốt tháng ngồi dự bị”. Như vậy, cái được đầu tiên là một cọc tiền dư thừa.

 

Cái được thứ 2 là một điều tất yếu: có thêm vị trí hoặc trên sân, hoặc trên ghế dự bị cho các cầu thủ nội thể hiện mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các CLB muốn “sống” phải chú ý nhiều hơn nữa đến nội lực, đến việc đào tạo và phát triển các cầu thủ trẻ. Trên lý thuyết là vậy.

 

Thực hư thế nào?

 

Trong vài mùa bóng vừa qua, có lẽ 3 trung tâm vẫn sản sinh được nhiều tài năng trẻ nhất là SLNA, Đồng Tháp và TT Huế. Ít nhất, các cầu thủ trẻ xứ Nghệ vẫn là đầu tàu của nhiều đội bóng, hoặc đang được “chào mời” nhiệt tình bằng những hợp đồng béo bở. Đồng Tháp thăng hạng nhờ vào nội lực, H.Huế giành tấm vé cuối cùng bằng quyết tâm và sức trẻ của những cậu bé tuổi 20.

 

Điều kỳ lạ nhất là họ luôn thiếu tiền. Vì thiếu tiền để giữ chân các trụ cột, vì thiếu tiền để kiếm tìm những ông Tây “hàng hiệu”, họ phải “nuôi gà nhà” để khoả lấp sự thiếu hụt về lực lượng. Ắt hẳn, hơn ai hết họ hiểu được giá trị của những cầu thủ trẻ.

 

Ngược lại, HA.GL, Bình Dương hay Đà Nẵng luôn ngồi trên đống tiền. Nhưng dù mức độ thành công của mỗi đội có khác nhau, những “gã nhà giàu” này đều có chung một công thức tìm vinh quang: ngoại binh “chất” + “sao” nội.

 

Trong khi HA.GL mới manh nha ý định mở lò đào tạo tận dụng tiềm năng của con cháu Tây Nguyên, Bình Dương và Đà Nẵng vẫn phải chìa tiền ra “câu” những “ông sao”.

 

Đó là một nghịch lý nho nhỏ của BĐVN, khi những đội bóng thành công nhất lại không phải là những lò sản sinh ra những cầu thủ tài năng nhất. Nói như vậy, có một cọc tiền, có ai dám chắc những đồng tiền đó sẽ được sử dụng để đầu tư vào việc đào tạo cầu thủ trẻ?

 

Việc đào tạo lớp trẻ thay thế, lâu nay chúng ta đã nghĩ. Giảm ngoại binh trên sân để thêm “đất”, thêm tiền cho cầu thủ trẻ vươn lên, chúng ta đang làm. Còn hiệu quả ra sao, trong ngày một ngày hai quả rất khó có câu trả lời. Bởi theo chủ quan của tôi, BĐVN thiếu cầu thủ trẻ không hẳn vì thiếu tiền, thiếu “đất” thể hiện mình, mà nằm từ chính sự khiên cưỡng và tư tưởng mua thành công ngay của nhiều đội bóng.

 

 Kỳ 2: Có còn bất cập?

Hồng Kỹ