Barcelona: Dấu hiệu sụp đổ của một đế chế vàng son
Kỳ 1: Guardiola ra đi vì nhận ra dấu hiệu suy tàn của Barca?
(Dân trí) - Barcelona dường như đang lê bước đi dưới ánh hoàng hôn ảm đạm của đế chế vàng son mà chính họ đã tạo ra trong suốt nửa thập kỷ qua tại châu Âu.
Dưới triều đại Pep Guardiola, Barcelona trở thành đội bóng xuất sắc hơn bao giờ hết. Gã khổng lồ xứ Catalonia chinh phục mọi danh hiệu cao quý nhất, một tập thể gắn kết và tài năng với thủ lĩnh là “thiên tài” Messi, cầu thủ được vinh danh là xuất sắc nhất thế giới 4 năm liên tiếp. Không những vậy, Barcelona còn nhận được sự tôn trọng bởi những nghĩa cử cao đẹp bên ngoài sân cỏ, bằng chứng là việc thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với Unicef, một minh chứng cho nỗ lực gắn kết toàn thế giới.
Thực sự không quá để nói rằng Barcelona đã thiết lập nên một đế chế rực rỡ soi rọi khắp châu Âu trong nửa thập kỷ qua. Tuy nhiên, không có bất cứ điều gì là vĩnh cửu, đế chế nào, dù hùng mạnh đến đâu rồi cũng sẽ phải đi đến những ngày tàn. Và dường như những người hùng của xứ Catalonia đang lê bước đi dưới ánh hoàng hôn ảm đạm của đế chế vàng son mà chính họ đã tạo ra.
Leo Messi đang trải qua một mùa giải mà anh không còn là chính anh, HLV Martino không thể điều phối đội bóng và mắc nhiều sai lầm trong chỉ đạo, dòng chữ Qatar Foundation sặc mùi tiền thay thế dòng chữ Unicef trên ngực áo sọc đỏ xanh vĩ đại, Sandro Rosell phải từ chức, thương vụ Neymar hay việc thực hiện nghĩa vụ nộp thế của Messi vướng vào những nghi vấn bê bối tài chính và bị tòa án điều tra, những công thần rệu rã và thậm chí có người đã nói lời chia tay đội bóng. Ấy là những dấu hiệu cho thấy một đế chế đang dần sụp đổ.
1. Những con người làm nên chu kỳ thành công nhất trong lịch sử Barcelona
Barca trong quãng thời gian cuối triều đại Rijkaard thực sự hỗn loạn, nhưng sự xuất hiện của Guardiola đưa mọi thứ về đúng quỹ đạo và vươn tới sự hoàn ảo. Hai lần vô địch Champions League, ba lần vô địch La Liga, hai lần vô địch Copa del Rey, hai vô địch cúp thế giới các CLB...Barcelona được thừa nhận là đội bóng xuất sắc nhất thế giới, thậm chí được so sánh với những đội bóng kiệt xuất nhất trong lịch sử bóng đá.
Điều tương tự cũng xảy đến với Lionel Messi dưới góc nhìn từng cá nhân. Nghiễm nhiên, bất cứ đội bóng nào trên thế giới đều thể hiện sự ghen tỵ với Barcelona. Chưa dừng lại, “thế hệ vàng” của Barcelona còn đưa tầm vóc đội bóng lên đến tột bậc khi những Xavi, Iniesta, Pique, Puyol...hình thành nên trục xương sống đưa đội tuyển Tây Ban Nha hai lần chinh phục chức vô địch châu Âu và một lần bước lên đỉnh thế giới.
2. Guardiola phát hiện ra những dấu hiệu suy tàn
Khi trả lời báo giới trong ngày công bố quyết định chia tay Barcelona, Guardiola từng nói: “Tôi ra đi bởi vì nếu tôi bám trụ tới cùng thì tôi sẽ làm tổn thương chính mình”. Dường như chiến lược gia người Tây Ban Nha đã nhận ra những cậu học trò của ông tại Nou Camp đang dần thay đổi thành con người khác, theo hướng tiêu cực. Dani Alves không còn sung mãn, Messi dần “bất kham” hơn còn Pique và Cesc thì tỏ ra bất phục. Có lẽ Guardiola ra đi không hề dễ dàng và tránh rất xa Rosell sau ngày Vilanova được bổ nhiệm.
3. Vilanova muốn có Thiago Silva nhưng chỉ nhận được Alex Song
Nhiệm vụ chiêu mộ trung vệ đã trở nên rất cấp thiết với Barcelona ngay từ thời điểm trước khi Vilanova nhậm chức. Và thực tế trong kỳ chuyển nhượng mùa hè đầu tiên (và cũng là duy nhất) Vilanova ngồi trên chiếc ghế huấn luyện viên, Barcelona đã có những nỗ lực để tiếp cận Thiago Silva. Nhưng kế hoạch này nhanh chóng bị Andoni Zubizarreta gạt sang một bên. Để có được trung vệ người Brazil cần hơn 40 triệu euro và BLĐ Barca không muốn tốn kém như vậy.
Thay vào đó, Barcelona chi ra 19 triệu euro để đưa về...tiền vệ Alex Song và cầu thủ này gần như chỉ “ngồi chơi xơi nước” tại Nou Camp suốt hai năm qua. Cuộc khủng hoảng ở vị trí trung vệ của Barcelona thì ngày càng trầm trọng còn Alex Song thì vẫn đủng đỉnh trên băng ghế dự bị vì không đá được ở vị trí trung vệ và càng không thể tranh chấp vị trí với Busquets. So với 40 triệu euro để dứt điểm căn nguyên của trọng bệnh, thực sự Barcelona lại lãng phí 19 triệu euro bằng một “hạ sách”.
4. Qatar Foundation thay thế Unicef
Rosell thực sự đã biến Barcelona trở thành một đội bóng sặc mùi tiền. Dòng chữ Qatar Foundation thay thế dòng chữ Unicef trên ngực áo Barcelona, đổi lại đội bóng thu về 35 triệu euro mỗi năm. Thực tế, dưới góc nhìn kinh doanh thì đấy thực sự là một hợp đồng quá béo bở. Tuy nhiên, những thành viên chóp bu tại Nou Camp quên rằng một đội bóng, đặc biệt là một đội bóng mang tính biểu tượng cho văn hóa và khát khao độc lập của xứ Catalonia như Barca thì không thể xem là một doanh nghiệp.
Nếu như hợp đồng được ký với Unicef mang đầy tính nhân văn và nhận được sự ủng hộ lớn lao thì cái bắt tay giữa Rosell và Qatar Foundation bị nhiều người xem là làm vấy bẩn chiếc áo Barcelona.
Ngọc Trung
(Còn tiếp)