1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

“Tuổi thọ” ngắn ngủi của một tài năng

Kỳ 1: Cậu bé chăn trâu đổi đời

Quyến đã tỏa sáng, đã trượt dài, đã đứng dậy trong sự bao che nhiều hơn là tình thương, đã nâng cấp từ một thằng bé chăn trâu sang một cầu thủ sành điệu có lối sống xa hoa thế nào? Chúng tôi xin được đăng loạt bài dài kỳ về Văn Quyến.

Vụ án bán độ liên quan đến một số cầu thủ U23 Việt Nam, xét đến cùng, vẫn chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm tiêu cực trong bóng đá Việt Nam. 5 năm trước, cái tên Văn Quyến được nhắc đến như một “ngôi sao” đầy hứa hẹn nhưng giờ đây, cái tên ấy lại được người ta nhắc đến như một vết trượt dài kèm theo hai chữ “bán độ”.

 

Cậu bé chăn trâu đổi đời

 

Bà Hồ Thị Niềm ngồi khóc giữa nhà với lời than thở nghe thật não ruột: “Quyến ơi! Con làm khổ mạ, khổ ông bà. Thà con đừng đá bóng mà cứ là cái thằng bé chăn trâu như ngày nào…”.

 

“Tuổi thơ nó khốn khổ lắm!”- Ông Nguyễn Hồng Thanh – trưởng đoàn bóng đá đội tuyển U16 Việt Nam năm 2000 – nói về việc phát hiện ra Quyến như một điều kỳ diệu.

 

Tuổi thơ cơ cực của một thằng bé chăn trâu sống ở Hưng Tiến, Hưng Nguyên, Nghệ An đam mê với quả bóng nhựa và thậm chí là có lúc lấy cả vỏ bưởi đá vui cùng bạn bè rồi bắt đầu được các thầy phát hiện trong chiến dịch tìm nhân tài bóng đá của Đoàn bóng đá Sông Lam ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

 

Thế là Quyến từ giã con trâu, ruộng vườn, từ giã ông bà ngoại mà Quyến yêu dấu khăn gói lên đường lên thành phố Vinh đá bóng.

 

Cuộc đời của Quyến bắt đầu sang trang từ đấy nhưng…

 

13 tuổi, Quyến đã ở môi trường bóng đá của Đoàn bóng đá Sông Lam. Lứa U13 hồi ấy của Quyến do thầy Thịnh nuôi dưỡng và rèn luyện trên sân cát chứ chưa có được cái mặt cỏ như các anh.

 

Thầy Thịnh kể: “Cái ngày thằng bé lên tập trung tôi thấy nó lạ lắm. Lỳ, rất lỳ và ít chịu hòa đồng với bạn bè. Nó sống có vẻ riêng tư lắm và thấy lớn hơn đám bạn rất nhiều. Nhưng vào sân thì đúng là nó có những tố chất thật đặc biệt. Nó nhìn trận đấu nhanh lắm và có năng khiếu bẩm sinh. Lạ ở chỗ mấy đứa trẻ khác thì nhận anh Hồng Sơn, anh Huỳnh Đức hay anh Sỹ Hùng làm thần tượng còn Quyến thì không…”.

 

Cuộc hôn nhân của bố mẹ đổ vỡ khi Quyến chưa lọt lòng. Thế nên, khi mẹ còn mang thai Quyến, bà Hồ Thị Niềm đã phải về quê ngoại sống tá túc với ông bà chờ ngày đứa con bé bỏng của bà chào đời.

 

Ngày bà Niềm trở dạ sinh con, bà đặt tên con là Quyến, họ Phạm theo cha, lót thêm chữ Văn với mong ước sau này con sẽ hay chữ nên người. Sau khi sinh Quyến được ba tháng, bà đã phải gửi con lại cho ông bà ngoại trông hộ để bươn chải.

 

Nhà nghèo chẳng có chi ăn, khi sinh Quyến bà cũng không đủ sữa nuôi. Cô bác láng giềng xúm xít lấy sả nấu với mật mía thay sữa để Quyến bú. Ở vào cái cảnh một mình “gà mẹ nuôi con”, suốt ngày Quyến chỉ loanh quanh chơi với ông bà ngoại.

 

Thiếu tình thương cha, thiếu vòng tay âu yếm của mẹ, Quyến lớn dần như cây thiếu sự vun trồng chăm sóc. Thế nhưng, đối với bà Niềm, Quyến là tất cả, là những gì còn lại của cuộc đời bà. Gương mặt sạm nắng, khắc khổ, khi vui cũng như khi buồn, bà đều có thể dễ dàng khóc, nhưng bà không phải là một phụ nữ yếu đuối.

 

Trầm tính, ít nói, dễ xúc cảm nhưng quyết đoán, tính cách này giúp bà vừa làm người mẹ vừa làm người cha của con. Đây cũng chính là tính cách mà Quyến có được từ người mẹ tần tảo vì con.

 

Sau những chuyến làm công nhân cầu đường xa nhà, về đến nhà, quà mẹ dành cho Quyến cũng chỉ là những trái banh nhựa… Thương con thiếu tình cảm của cha, lại thường vắng mẹ, việc cực đến mấy bà cũng không hề từ than. Vắng mẹ, Quyến ở nhà cứ tha thẩn chơi với bóng, làm bạn với bóng. Chính nhờ những trái bóng  ấy, Quyến đã bộc lộ đam mê và tài năng bóng đá của cu cậu sau này.

 

Thời còn sung sức, mẹ Niềm làm lụng, dành dụm mơ ước cốt sao cho đủ tiền để xây một mái nhà nhỏ để mẹ con hủ hỉ lúc xế chiều. Nhưng mơ ước cũng chỉ là mơ ước. Khi mẹ nghỉ hẳn việc để ở nhà vì mất sức lao động, đến lượt Quyến lại ra đi, mẹ ở nhà ngóng đợi tin con.

 

Lớn dần, mơ ước được nổi tiếng như David Beckham càng giúp Quyến chứng tỏ được tài năng của mình. “Cơn địa chấn” - chính Quyến là tác nhân làm điêu đứng hàng thủ Trung Quốc tại Giải vô địch U16 châu Á đưa tên tuổi Phạm Văn Quyến đến gần hơn với người hâm mộ.

 

Ngày Quyến “vinh quy” trở về làng cũng là lúc bà Niềm lo ngay ngáy. Tài của con thì bà đã rõ, nhưng bà vẫn lo tính ý con đôi lúc không được lòng mọi người. Quyến khoác lên người vầng hào quang năm 2000 ấy, bà bắt đầu nhận thấy con đã khác xưa, nhưng tình thương của người mẹ lại khiến bà tự xua tan tư tưởng đó trong mình.

 

Bà nói: “Chắc nó đi đá banh ở tập thể nhiều nên thay đổi...”.

 

Theo Duy Quang

Tiền phong

 

Kỳ 2: Cầu thủ xuất sắc nhất châu Á và hành trình tìm bố