1. Dòng sự kiện:
  2. Copa America 2024

Khi VFF tự đánh mất tính xã hội

Nhận xét về giai đoạn vừa qua của bóng đá Việt Nam (BĐVN), HLV Tam Lang phát biểu: “Đó là một giai đoạn... khó nói!”, vì VFF đã để tiêu cực xảy ra quá lâu. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cơn khủng hoảng như hiện nay.

Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) là một tổ chức xã hội, nhưng bấy lâu nay chính VFF đã quên hay hiểu sai về đặc tính này. Và bóng đá VN đi chệch hướng là điều tất yếu.

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cơn khủng hoảng như hiện nay nhưng nguyên nhân lớn cần được mổ xẻ sâu hơn là VFF đã quên tính xã hội của tổ chức mình.

 

Chưa biết tận dụng nguồn lực từ công chúng hâm mộ

 

Hình ảnh của hàng triệu công chúng hâm mộ xuống đường đón mừng chiếc HCB của đội tuyển VN tại SEA Games 18 và tiếp theo đó là thành tích ở các kỳ Tiger Cup 1996, 1998...; hoặc như việc hàng ngàn CĐV không quản ngại đường xa, lặn lội đến các đấu trường SEA Games trong khu vực để cổ vũ cho đội tuyển VN thi đấu, cho thấy sức mạnh quần chúng của bóng đá.

 

Và còn đó những cuộc săn đón của hàng vạn quần chúng hâm mộ làm náo loạn cả sân bay Phú Bài sau khi đội Thừa Thiên - Huế đoạt chức á quân mùa giải 1995 trở về quê nhà... Trong sự cổ vũ nhiệt tình ấy, rõ ràng BĐVN thực sự được sống, được đùm bọc trong tấm lòng yêu thương mãnh liệt của hàng triệu con tim người hâm mộ.

 

Đã có lúc, trong câu chuyện đi tìm nguồn tài chính giúp BĐVN phát triển, không ít ý kiến nêu ra rằng, chỉ cần mỗi người dân trích 1.000 đồng cho bóng đá, tính nhẩm mỗi năm VFF đã có nguồn thu hàng chục tỷ đồng mà không cần phải vất vả kiếm thêm tài trợ nào khác.

 

Ý tưởng đó đã được các nhà kinh doanh nhanh chóng nắm bắt và tận dụng thành công bằng các chương trình “mua một sản phẩm là bạn đã ủng hộ đội tuyển VN vài chục đồng”. Nguồn lực đó VFF đã không ngó ngàng tới.

 

Chất xám cho bóng đá cũng bị lãng quên

 

Điều đáng tiếc là VFF chưa hiểu thấu đáo tính xã hội của bóng đá, cứ nghĩ đơn thuần là thúc ép các đội bóng chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp, hình thành các CLB nhà nghề theo mô hình CLB - doanh nghiệp.

 

VFF quên rằng không phải chỉ có tiền là quyết định, mà cần phải tính đến nguồn nhân lực từ cộng đồng, trong đó ngoài vật chất còn có chất xám. Do vậy, những ý kiến góp ý từ quần chúng hâm mộ cho bóng đá đều bị VFF bỏ ngoài tai, lạnh nhạt đến vô cảm.

 

Chuyện khó tin nhưng có thật về một công dân ở Hà Tây – ông Đặng Quang Luân - người được FIFA trao tặng kỷ niệm chương (nhân 100 năm thành lập tổ chức này) vì những đóng góp hết sức giá trị cho chiến lược phát triển bóng đá của FIFA, UEFA ròng rã gần 30 năm với 8 công trình nghiên cứu đầy thuyết phục về chuyên môn, vậy mà VFF lại... không biết gì cả!

 

Đó là điều bất thường ở một tổ chức xã hội như VFF.

 

Bóng đá học đường bỏ ngỏ hay chưa quan tâm?

 

Nhìn vào hệ thống thi đấu của VFF như hiện nay, được khép kín bởi đủ loại U lên đến giải chuyên nghiệp quốc gia, nhiều người lầm tưởng rằng VFF làm bài bản. Thế nhưng đây chỉ là bề nổi của bộ mặt BĐVN, hay đúng hơn là một sự bắt chước thiếu sáng tạo, rằng người ta có mình cũng phải có.

 

Hiệu quả của việc đào tạo các tài năng trẻ theo mô hình CLB ra sao, đến nay chưa có một đánh giá chuẩn mực nào để được xem là kiểu mẫu. Trong khi trước đó, TPHCM và Nghệ An được ví như cánh chim đầu đàn cả nước bằng mô hình trường năng khiếu bóng đá.

 

Tuy nhiên, trái ngọt thu hoạch thì ít còn trái đắng lại quá nhiều. Cơn khủng hoảng hiện nay của BĐVN chứng minh điều đó.

 

VFF cũng đã mở hầu bao để chi hàng trăm ngàn USD của FIFA giành cho việc đào tạo bóng đá trẻ, thế nhưng không rõ nguồn tiền này chạy đi đâu và hiệu quả ra sao vẫn chưa có lời giải thích nghiêm túc. Thậm chí có lúc buộc FIFA phải kiểm toán nguồn đầu tư này.

 

Nhìn vào hệ thống chiến lược phát triển tài năng trẻ của BĐVN, nhiều người cảm thấy lạ khi việc đầu tư cho bóng đá trường học của VFF gần như là một khoảng trống.

 

Trong khi đó ở các nước khác, nền tảng đào tạo bóng đá trẻ thường được đặt trên vạch xuất phát từ nhà trường. Yêu cầu đào tạo xuất phát điểm từ nhà trường không chỉ thuận lợi cho việc tìm tài năng mà lớn hơn là cái gốc rèn giũa giáo dục đạo đức, nhân cách cầu thủ, chuẩn bị cho tương lai.

 

Chỉ có môi trường đó mới giáo dục được cầu thủ trẻ. Chính cách làm lệch lạc ấy khiến các cầu thủ trẻ thiếu nền tảng giáo dục đạo đức, làm hàng loạt “ ngôi sao” trẻ phải xộ khám vì tiêu cực.

 

Vì sao VFF không công khai hóa hành động?

 

Vụ HLV Letard thắng kiện VFF cho thấy VFF yếu kém như thế nào, đến nỗi không đủ trình độ để soạn thảo một hợp đồng với một HLV nước ngoài. Hậu quả đâu chỉ là chuyện những quan chức VFF phải ra đi, Nhà nước mất 3 tỉ đồng bồi thường, mà người dân cần là sự công khai minh bạch trong cách điều hành của VFF.

 

Thế nhưng cái cách mà VFF “đóng cửa” gần như đã trở thành “phong cách” làm việc lâu nay! Điều đó cho thấy mọi việc từ nhỏ đến lớn, lâu nay VFF luôn chủ quan trong việc hành xử và hình như cũng quên mất tính chất xã hội hóa của mình.

 

Ngược lại, tính công khai, dân chủ luôn được các tổ chức bóng đá nước ngoài đặt thành tiêu chí hàng đầu trong hoạt động.

 

Mô hình hoạt động các LĐBĐ khu vực:

 

Công khai và minh bạch

 

Trong khu vực, mô hình hoạt động của 3 LĐBĐ Thái Lan (FAT), Singapore (FAS) và Malaysia (FAM) được xem là tiên tiến và minh bạch nhất.

 

Cấu trúc hoạt động FAM đi theo mô hình của các LĐBĐ châu Âu, không có phó chủ tịch, tổng thư ký chịu trách nhiệm chính điều hành bộ máy tổ chức, làm việc trực tiếp với các tiểu ban, CLB, điều hành các giải vô địch và giải bán chuyên nghiệp khu vực.

 

Trong khi đó, FAT có đến 4 phó chủ tịch, trong đó có 1 phó chủ tịch chịu trách nhiệm về ĐTQG và đội Olympic; 1 phó chủ tịch nắm đội U16. Trong sơ đồ tổ chức của FAT (nhiệm kỳ chỉ 2 năm), mọi thành viên đều được phân công, phân nhiệm rõ ràng. FAT cũng công khai danh sách các trọng tài FIFA ở môn bóng đá thường, futsal... trên website.

 

FAS được xem là có mô hình công khai và minh bạch nhất. FAS công khai mục tiêu nhất quán của bóng đá Singapore: Có mặt ở VCK World Cup và đào tạo nhân tài thể thao thông qua các hoạt động bóng đá. FAS cũng thông tin về thu chi tài chính trên website của mình để người hâm mộ và nhà tài trợ theo dõi.

 

VFF có biết điều đó không?

 

Theo V.Q

Người lao động