Khi cựu tuyển thủ Karatedo quốc gia làm... vệ sỹ

Từng là những VĐV xuất sắc của đội tuyển Karatedo quốc gia, Trần Văn Thông, Nguyễn Trường Giang, Dương Thị Thiệp nay trở thành những nhân vật chủ chốt của Công ty vệ sỹ Bắc Nam.

Chuyện đời

 

Những người yêu thích võ thuật chắc còn nhớ, khi quay lại đấu trường khu vực tại SEA Games 17 (1993), thể thao Việt Nam đã vượt qua Myanmar để xếp thứ 4 khu vực nhờ tấm Huy chương vàng của VĐV Karatedo Trần Văn Thông.

 

SEA Games 18, Thái Lan bỏ môn Karatedo, nên đến tận SEA Games 19 anh mới có cơ hội bảo vệ thành công chức vô địch. Ngoài hai tấm HCV ở SEA Games, anh còn đoạt thêm 1 HCB ASIAD 12, 1 HCB châu Á (năm 1999).

 

Trần Văn Thông làm HLV ĐTQG từ năm 2000 cho đến hết năm ngoái và đứng ra thành lập Công ty vệ sỹ Bắc Nam (26 Yên Phụ, Hà Nội).

 

”Mình chung vốn với một số anh em là những cựu VĐV ĐTQG và ĐT CAND môn Karatedo và các môn võ khác với mục đích là muốn cùng nhau có việc làm. Làm một VĐV, khi không được gọi trở lại đội tuyển coi như thất nghiệp...” - Thông cho biết.

 

Yêu thích võ thuật, 15 tuổi Thông theo học Karatedo. 4 năm võ luyện cộng với tham dự nhiều giải đấu phong trào, sau khi đoạt HCV giải toàn quốc, Thông được thu nạp vào ĐTQG. Đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời võ nghiệp của anh.

 

Có đến 10 năm gắn bó với ĐTQG, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, nhiều lần ra nước ngoài thi đấu… ai cũng nghĩ Thông sống dư dả. Song mỗi tháng, anh chỉ được phụ cấp 600 ngàn đồng ngoài tiền ăn ở.

 

Bạn bè anh vẫn cho rằng, nếu không rời đội tuyển chắc Thông khó… lấy được vợ. “Cũng vì nếu còn ở đội tuyển tôi khó nuôi nổi vợ con nên mới nghĩ tới chuyện về nhà làm kinh tế ” - Thông nói. Cuối năm 2004, 34 tuổi, Thông mới lập gia đình.

 

Hai phó giám đốc Cty vệ sỹ Bắc Nam là Nguyễn Trường Giang (SN 1977) và Dương Thị Thiệp (SN 1980) cũng là cựu VĐV tuyển quốc gia môn Karatedo.

 

Ba năm ở đội tuyển quốc gia, Thiệp có điều kiện gần gũi các bậc đàn anh, đàn chị. Dần dần, Thiệp nhận ra rằng, khi không còn bước lên sàn đấu nữa vì tuổi tác thì cầm chắc thất nghiệp nếu không được giữ lại làm HLV coi như thất nghiệp…

 

Nghĩ vậy, tới SEA Games 22, năm 2003 dù được gọi lại nhưng Thiệp đã xin không tập trung vào đội tuyển. Thiệp trở về để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội mà trước đó chị đã theo học khoa Giáo dục thể chất.

 

Ra trường Thiệp có gần một năm đi dạy ở Trung tâm TDTT Đống Đa. Trước đó, có nằm mơ Thiệp cũng không nghĩ mình lại trở thành thám tử của Cty thám tử VPI.

 

Khi Trần Văn Thông lập Cty vệ sỹ Bắc Nam, Thiệp đã đầu quân về.

 

Cùng tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, khoa Giáo dục thể chất như Thiệp, ra trường Nguyễn Trường Giang đi dạy ở một trường tiểu học. Nghe theo bạn, Giang thử nghề thám tử ở Cty VPI. Giờ đây, ngoài công việc ở Cty vệ sỹ Bắc Nam, hàng tuần Giang có vài buổi lên lớp dạy võ Karatedo ở Cung thiếu nhi Hà Nội.

 

Chuyện nghề

 

Giang cho biết, bảo vệ bạn trẻ trước lối sống thiếu lành mạnh luôn là sự quan tâm hàng đầu của Công ty vệ sỹ Bắc Nam. Nhiều ông bố, bà mẹ bó tay trước các “cậu ấm, cô chiêu” đành phải tìm đến công ty vệ sĩ.

 

Còn với Thiệp, công việc vất vả luôn phải đi sớm về khuya, hiểm nguy luôn thường trực khi phải đeo bám và tiếp cận với các đối tượng có nhân thân xấu nhưng quan điểm của ảnhất đã theo nghề thì phải chấp nhận “nghiệp”.

 

Trần Văn Thông cho biết, nhiều lần tình cờ gặp lại một số bạn bè trong môn phái, đều thấy cứ hết mùa giải thi đấu là họ không có việc làm. Một số tốt nghiệp đại học, cao đẳng đàng hoàng cũng thất nghiệp khiến anh không khỏi ngậm ngùi.

 

Khoản trợ cấp ít ỏi 500.000đồng/tháng của ngành khó có thể đủ cho một VĐV thể thao đỉnh cao. Đó là chưa kể đến tương lai, khi anh em không còn bước lên sàn đấu vì tuổi tác… Thông nói: “Mở Cty nhưng tôi vẫn hy vọng có ngày trở lại đội tuyển…”.       

 

Theo Hoàng Nghĩa Nam

 Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm