Khi con gái đá bóng…

(Dân trí) - Đúng sáng 8/3, 2 tuyển thủ của đội tuyển futsal nữ Việt Nam Trịnh Thị Hằng và Đỗ Thị Thoa nói: “Anh ơi năm nay anh viết và chụp hình tụi em nhiều nhiều anh nhé!”. Ừ nhỉ, dù có mạnh mẽ bao nhiêu trên sân cỏ thì con gái vẫn là con gái: Thích được quan tâm.

Người viết vẫn còn nhớ cách nay ít năm, khi ngồi với 4 ngôi sao hàng đầu của bóng đá nữ Việt Nam qua 2 thế hệ khác nhau là cựu thủ môn Trần Thị Kim Hồng, cựu tiền vệ Đỗ Thị Mỹ Oanh, cùng 2 tài năng lớn lúc đó là Đoàn Thị Kim Chi và thủ môn Đặng Thị Kiều Trinh bên sân Tao Đàn (Q.1 – TPHCM), cả 4 chị em chỉ có duy nhất một mong mỏi: “Mong mọi người để ý đến chị em gái hơn chút nữa. Mọi người quan tâm thêm một chút thì phận con gái đá bóng đỡ cực hơn một chút!”.

Với chị em, nhiều khi chỉ đơn giản thế thôi. Đòi hỏi bóng đá nữ được như bóng đá nam, cầu thủ nữ được đãi ngộ như cầu thủ nam là điều không tưởng, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Cơ bản, bóng đá nam mang tính đại chúng cao hơn, sức quảng bá và sức hút của bóng đá nam lớn hơn hẳn so với bóng đá nữ. Mà sức quảng bá lớn cũng có nghĩa là khả năng thu hút tài chính, tài trợ, doanh số bán vé… lớn hơn. Thành ra, cầu thủ nam trên toàn thế giới đều có thu nhập vượt trội so với cầu thủ nữ, chứ không riêng gì Việt Nam.

Cô gái từng trốn cha mẹ đi đá bóng ngày nào giờ trở thành thủ môn Kiều Trinh nổi danh ngày nay (ảnh: Trọng Vũ)
Cô gái từng trốn cha mẹ đi đá bóng ngày nào giờ trở thành thủ môn Kiều Trinh nổi danh ngày nay (ảnh: Trọng Vũ)

Chị em phụ nữ cũng không mong có được mức thu nhập hoặc chế độ đãi ngộ như các đồng nghiệp nam, họ chỉ đơn giản mong được quan tâm hơn một chút.

Phận con gái đá bóng cơ bản đã gặp nhiều trở ngại. Như thủ môn Kiều Trinh tâm sự ngày cô mới vào nghề, toàn phải dối bố mẹ là đi học thêm, trong khi thực tế là đi tập bóng đá, để tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc trong màu áo Đồng Tháp năm 2000.

Nhưng cũng chính Kiều Trinh sau này nói: “Nếu được chọn lại, em vẫn sẽ chọn bóng đá. Có cực bao nhiêu, hay cực hơn nữa em vẫn chọn bóng đá!”. Rồi cũng chính cha mẹ Kiều Trinh sau này đã biết bao lần tự hào với đứa con gái làm rạng danh bóng đá Việt Nam trên bình diện quốc tế.

Ngoài bóng đá sân cỏ, futsal nữ cũng đang mỗi lúc một phát triển ở Việt Nam (ảnh: Trọng Vũ)
Ngoài bóng đá sân cỏ, futsal nữ cũng đang mỗi lúc một phát triển ở Việt Nam (ảnh: Trọng Vũ)

Kiều Trinh cũng như nhiều cầu thủ nữ khác vẫn chọn bóng đá dù nghề này cực, lại phải thường hy sinh chuyện tình cảm cá nhân, hy sinh luôn nét xuân sắc của người con gái, khi cứ phải dang nắng dang mưa, chạy hùng hục trên sân.

Bóng đá như thấm vào máu họ. Với ai theo dõi bóng đá nữ, sẽ không ít lần chứng kiến cảnh các cô gái bật khóc bên ngoài đường biên, khi được các bác sĩ chăm sóc vì bị đối phương đá đau, nhưng hễ quay lại sân là lại cắn răng đá tiếp.

Người theo dõi bóng đá nữ có lẽ cũng không quên hình ảnh Đoàn Thị Kim Chi bị cầu thủ Myanmar đá thô bạo đến mức tét đầu ở vòng bảng SEA Games 2009 trên đất Lào, nhưng cũng ngay sau đó, Kim Chi với cái đầu băng trắng vẫn quay trở lại sân, rồi ghi bàn cho đội tuyển nhữ Việt Nam.

Mang phận con gái đá bóng vốn tự thân cái nghề đã chịu nhiều thiệt thòi. Các cô gái biết điều đó nhưng vẫn cứ mê, rồi chỉ mong mọi người quan tâm đến các cô thêm chút nữa. Những nhà quản lý thể thao đầu tư thêm một chút, báo chí đưa tin về họ thêm một chút, và người hâm mộ chịu khó đến sân xem họ thi đấu thêm chút nữa! Vậy là họ vui rồi, chứ đâu đòi hỏi chuyện gì cao xa!

Trọng Vũ

Khi con gái đá bóng… - 3