1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Khi Australia là “người nhà” của ĐNÁ

(Dân trí) - Mặc dù chưa chính thức được AFF công nhận, nhưng cái tên Australia đã được đặt vào khu vực ASEAN trên website của AFC một cách vô tình hoặc hữu ý.

> Graham Arnold dẫn dắt ĐT Australia

 

Một điều đã được dự báo trước?

 

Vịệc Australia bất ngờ từ bỏ châu Đại Dương gia nhập vào LĐBĐ Châu Á (AFC) có nguyên nhân sâu xa là vì World Cup.

 

Là một đội bóng có nhiều anh tài thi đấu ở châu Âu, nhưng việc không một lần được tham dự World Cup do phải luôn đá playoff với những đội bóng châu Á, Nam Mỹ khiến LĐBĐ nước này phát bực, muốn gia nhập châu Á để đường đường chính chính cạnh tranh 1 suất trong số 4,5 suất ngon ăn của AFC.

 

Chính vì thế mà đầu năm 2006, khi Australia xin gia nhập AFC, FIFA đã gật đầu “cái rụp”, vì lâu nay bản thân FIFA cũng đang đau đầu nhức tai vì những lời kêu gào của các LĐ thành viên vùng châu Đại Dương.

 

Khi Australia là “người nhà” của ĐNÁ - 1

Australia đứng đầu danh sách các đội bóng khu vực ASEAN (xem thêm: http://www.the-afc.com/english/va/default.asp?mnsection=va&section=news )

 

Việc FIFA cắt hẳn nửa suất dự VCK của Nam Mỹ đem cho châu Đại Dương vẫn chưa làm họ hài lòng, mà nói thẳng ra “họ” ở đây đâu phải là ai khác ngoài Australia, đội bóng duy nhất ở châu Đại Dương có đủ tầm để tham vọng World Cup.

 

Chuyện Australia gia nhập AFC là việc không phải bàn cãi, vì xét về trình độ cũng như vị trí địa lý, bóng đá xứ chuột túi đều gần gũi với châu Á.

 

Chỉ có điều, từ khi gia nhập AFC, có vẻ như LĐBĐ nước này đã “nhắm” thẳng vào “vùng trũng” ĐNÁ thay vì lựa chọn Đông Á như nhiều người vẫn nghĩ.

 

Bằng chứng là lúc cử đội U23 tham dự Cup Mùa xuân VTV T&T ở Hà Nội hồi tháng Tư vừa qua, ông HLV trưởng Graham Arnold đã bóng gió: “Chúng tôi là thành viên mới của AFC, chúng tôi cần tham gia các giải đấu ở nhiều cấp độ để thích nghi với lối đá đa dạng của BĐ châu Á, trong đó ĐNÁ là một mục tiêu”.

 

Khi Australia là “người nhà” của ĐNÁ - 2
 U23 Australia đối đầu với ĐTVN tại Cup mùa xuân

 

Quả đúng như vậy, ngay sau World Cup, một tờ đơn đã được “bắn” sang LĐBĐ ĐNÁ (AFF), và trong khi của Đông Nam Á đang lặng lẽ chờ phán quyết thì sáng nay, đã thấy cái tên Australia nằm “chình ình” trong phân vùng ASEAN.

 

Trước đó, dường như AFC cũng đã sắp đặt sẵn một chỗ cho Australia ở ĐNÁ, với việc cắt hẳn 2 suất dự Champions League châu Á của Thái Lan và VN để “sang tên” cho 2 đội bóng Australia.

 

Người Việt nói gì?

 

AFC cũng thật là “cầm đèn chạy trước ôtô”, nhưng xem ra chuyện Australia gia nhập AFF chỉ là vấn đề của một cái gật đầu.

 

Chính vì vậy mà sự xuất hiện của đội bóng này trong bản đồ “vùng trũng” ĐNÁ đã tạo được một tiếng vang đáng kể đối với dư luận và đặc biệt là những “người trong cuộc” của BĐVN.

 

Trả lời trên một tờ báo thể thao, HVL Alfred Riedl tỏ ra khá lạc quan cho rằng mọi chuyện đều có hai mặt tích cực và tiêu cực. Theo ông, thì mặt tích cực chính là việc chúng ta sẽ được cọ xát thường xuyên với một đối thủ có đẳng cấp thế giới, và sức mạnh vượt trội của Australia sẽ tạo được tính cạnh tranh vốn đang dần mất đi ở ĐNÁ.

 

Khi Australia là “người nhà” của ĐNÁ - 3
 HLV Alfred Riedl có cái nhìn
lạc quan về vấn đề này.

 

Hầu hết các quan chức của VFF cũng đều nhất trí với ý kiến của HLV người Áo, và đều nhất trí cho rằng ĐNÁ được nhiều hơn là mất khi Australia gia nhập AFF.

 

Có phải thay đổi Quy hoạch phát triển của BĐVN?

 

Có thể nói, quyết định “đường đột” này của Australia là một “sự cố” ngoài ý muốn của các nhà hoạch định bóng đá VN, những người đã “trót” tuyên bố sẽ đưa VN lên đầu ĐNÁ và lọt vào top 10 châu Á trong khoảng thời gian 2018-2020.

 

Trong hoàn cảnh bây giờ, để VN đứng đầu khu vực, mục tiêu không chỉ còn là vượt qua “cừu địch” Thái Lan, hay những đội bóng ngang vai phải lứa như Malaysia, Indonesia nữa, mà còn là Australia, đội bóng vừa “quần” cho các nhà ĐKVĐ thế giới Italia tơi tả trước khi chịu thua oan ức.

 

Nhìn Australia thi đấu ở World Cup, quả là không có điểm chung nào để so sánh với bóng đá VN hiện tại. Và chắc hẳn trong 10 năm tới, khi mà BĐVN chưa tìm thấy một căn cứ nào để thực hiện những bước nhảy vọt, thì việc theo kịp Australia là điều không tưởng.

 

Sự khác biệt không chỉ nằm ở thể hình, thể lực mà còn là trình độ bóng đá. Trong khi xứ sở Kangaroo có những danh thủ hàng đầu chinh chiến khắp châu Âu thì VN chỉ mới có vài cầu thủ sang chơi cho các nước láng giềng theo các bản hợp đồng ngắn hạn.

 

Khi Australia là “người nhà” của ĐNÁ - 4

VN đứng đầu ĐNÁ, một mục tiêu quá sức? 

 

Trong khi họ đã có những bước tiến dài ở World Cup và thuê được những HLV lão luyện bậc nhất trong làng bóng thế giới, thì VN vẫn chưa một bước ra khỏi được vùng ĐNÁ này.

 

Mục tiêu lọt vào top 10 châu Á vốn đã rất mong manh nay lại càng trở nên siêu thực.

 

Việc có thay đổi quy hoạch hay không nằm trong cái đầu của các nhà hoạch định, vì chuyện thay đổi một chương trình mang tầm quốc gia chỉ vì một xáo trộn nhỏ cũng quả hơi… khó coi.

 

Nhưng chắc chắn việc giữ khư khư bản Quy hoạch đó không thể khiến nó thực tế hơn, mà ngược lại sẽ càng khiến lòng tin vào nó, cũng là tin vào tương lai BĐVN càng sụt giảm.

 

Có lẽ, thiết thực hơn cho BĐVN nói riêng, và BĐ ĐNÁ nói chung là làm sao không để “ông ma mới” Australia bỏ xa thêm, chứ không phải là việc qua mặt trong vòng 7 hay 10 năm nữa.

Hồng Lê