1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Hy vọng nào cho tương lai bóng đá Việt Nam?

(Dân trí) - “Chạm đáy rồi, ngoi lên đi”, đó không phải hiệu lệnh chỉ huy người thợ lặn, đang bị mắc kẹt rong rêu dưới đáy biển, mà là đòi hỏi bức xúc của người hâm mộ sau cú “sốc”, đội tuyển quốc gia bị rơi tõm xuống đáy, ngay vòng bảng AFF Cup 2012...

Đây là những tâm tình tha thiết, lời góp ý chân thành của Nghệ sỹ Đức Trung, một CĐV nhiệt thành đã theo chân, cổ vũ cho ĐT Việt Nam tại Bangkok.
 
Không bức xúc sao được, dù là ngân sách nào cũng là sự đóng góp mồ hôi, nước mắt của dân, trực tiếp hoặc gián tiếp, nên người dân có quyền đòi hỏi, sự đòi hỏi không có gì là quá đáng, bởi từ cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà tổ chức, điều hành, đến Ban HLV, các tuyển thủ trên sân, đều là con em nhân dân, là người dân của đất Việt, luôn đề cao nghĩa khí mỗi khi xung trận.
 
 
Vì Tổ quốc và Dân tộc trên hết

Pano cổ vũ cho bóng đá Việt Nam (ảnh do NS Đức Trung cung cấp)

 

Vì Tổ quốc và Dân tộc trên hết

 

Sự đổ vỡ của đội tuyển quốc gia trong giải đấu AFF vừa qua,  là nỗi cay đắng tệ hại nhất, đã được các báo chí truyền thông mô tả bằng các từ ngữ rất xót xa như: Suy kiệt, thảm bại, ê chề, tụt hậu, là đã chạm đáy hình sin, là thất bại không thể chấp nhận, …Tóm lại, nỗi đau đã chạm đến góc sâu kín nhất, danh dự quốc thể của mỗi NHM bóng đá nước nhà.

 

“Chạm đáy rồi, ngoi lên đi!” là lời thỉnh cầu tha thiết của lòng tự tôn dân tộc, bởi dưới đáy chỉ toàn là đá ngầm, đến san hô già cũng thành đá cứng, liệu còn biết chui vào đâu?

           

Phải nhanh lên mới kịp, tháng 01 năm 2013 là vòng loại Asian cup 2015, cuối năm là SEAGames 27, là Olimpic Asiad 18 năm 2019 do Việt Nam đăng cai, sau 7 năm nữa không phải dài, vắt chân lên cổ chưa chắc đã kịp, kịp đây là sự chuẩn bị về chuyên môn vững vàng, đội ngũ VĐV tài năng gánh vác trách nhiệm quốc gia, là đội ngũ các nhà tổ chức, các chuyên gia tài hoa, uy tín. Phải lo ngay giải đấu thường niên V.League 2013 đang có những lo ngại từ sự biến động cấp CLB, rất cần nhanh chóng ổn định.

           

Xin đừng đổ tại suy thoái kinh tế, khủng hoảng toàn cầu đã tác động tới Bóng đá Việt Nam. Hãy nhớ lại AFF Suzuki cup 2008, dù bất ổn chính trị, bạo loạn tại Bangkok, nhưng chủ nhà Thái lan vẫn tổ chức tốt giải đấu, phải di chuyển đấu loại xuống Phuket, thành phố miền nam nước Thái, cuối cùng họ vẫn giành ngôi Á quân một cách thuyết phục.

           

Cuộc “mổ xẻ” ngày 05/12 vừa qua vẫn chưa làm NHM yên lòng, vẫn chỉ là cuộc kiểm điểm mỗi khâu trách nhiệm, có một có thiếu sót, khuyết điểm tự nhận lỗi, chưa có những động thái quyêt liệt để có những quyết sách với tầm nhìn xa, những kế hoạch khoa học mang tính chiến lược trước mắt và lâu dài và những thay đổi, cải cách căn bản phù hợp, để tiến đến ổn định vững chắc.

           

Trong những ngày đầu sau thất bại, có thể hiểu được sự nôn nóng bức xúc của NHM, đòi ông nọ từ chức, miễn nhiệm ông kia, không thể vì dư luận ồn ào mà mất bình tĩnh xem xét, nhưng cũng không vì nể nang, buông xuôi, rồi mọi thứ lại “Nguyễn y Vân”.

Phải nhìn thẳng sự thật, năm 2011vừa qua bao hy vọng cuộc cách mạng mang tên VPF. Nhưng cuối cùng chưa tạo nên được diện mạo thật sáng sủa cho bóng đá Việt Nam, thất bại vừa qua là hệ lụy tất yếu. 

           

Việc ông này từ chức, ông kia miễn nhiệm, liệu có thể làm thay đổi bộ mặt và sức bật cần thiết cho bóng đá Việt Nam trở lại thời hoàng kim. Cuộc sống vận động không ngừng, nếu không muốn nói là tốc độ rất nhanh, đội ngũ những người làm bóng đá Việt Nam có bản lĩnh, có trình độ và kinh nghiệm lịch lãm không nhiều, lại mang gánh nặng tuổi tác. Tre già mà măng chưa  mọc. Miễn nhiệm ai? Ai thay thế? Không phải là chuyện đơn giản.

 

Đã giỏi còn phải có đức, đã đức phải có uy, đã uy phải có sức trẻ trung, trẻ trung còn phải có kinh nghiệm, để hội tụ đầy đủ những yếu tố đó lúc này e rằng như lá mùa thu trên cây, như sao buổi sớm trên trời. Sau mỗi thất bại lại “xì hơi”, bãi chức, miễn nhiệm, vận động từ chức, chắc gì đã là thượng sách?

 

Đoàn kết, không “ dĩ hòa vi quý ”, đoàn kết thực sự, ngồi lại với nhau cùng gỡ rối, đấu tranh quyết liệt, vô tư, vì quyền lợi nhân dân, vì NHM, đưa ra nhiều phương án, để lựa chọn phương án tối ưu, tìm cửa sáng cho bóng đá Việt Nam lúc này mới là thượng sách. Nếu chỉ vì cái tôi, cái ghế tồn tại của mình, đối đầu nhau, chỉ đem đến thảm họa tồi tệ hơn cho bóng đá nước nhà.

 

Tôi thấy sau nỗi đau AFF Cup vừa qua, BTC Giải đấu Quốc nội đã có những động thái tích cực cho mùa giải mới, đưa ra nhiều phương án thích ứng kịp thời, chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng, cùng lãnh đạo VFF đã đưa ra những liệu pháp cần thiết, ổn định nhân sự các CLB chuẩn bị khai mạc giải, không chỉ lo cho giải đấu trong nước mà còn chuẩn bị cho giải đấu khu vực nay mai, như việc đưa đội tuyển U22 vào tham gia giải V,League, để trui rèn tuyển thủ. Tăng tiền thưởng khích lệ tinh thần tích cực của cầu thủ, các CLB.

Niềm hy vọng đang trở lại sau vấp ngã, đáng mừng lắm chứ!

 

Nhưng đồng tiền luôn có hai mặt, không biết đến bao giờ mới hết lo mặt trái của đồng tiền, có khả năng hủy hoại lương tâm con người, nếu không vững vàng. Các nước tiên tiến, có lịch sử trăm năm, dù đôi khi có chuyện này chuyện nọ, nhưng họ vẫn có Văn hóa Bóng đá, làm nền tảng để hành nghề và phát triển tài năng.

 

Phải chăng việc giáo dục đạo đức cầu thủ của chúng ta, phải được coi trọng hơn, chí ít ngang bằng đào tạo kỹ thuật, rèn giũa chuyên môn, để các tuyển thủ của chúng ta không thua kém các nước văn minh tiên tiến trên thế giới, phải nghiêm khắc, không nuông chiều, mỗi cầu thủ biết ứng xử cao thượng và trong sạch đạo đức, coi mỗi lần ra sân, là mang theo vinh quang và trọng trách.

 

Tiền chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích.

 

Tôi không dám “ Cầm đèn chạy trước ô tô ”, chỉ là mong mỏi thiết tha với tư cách CĐV, NHM. Thời gian không chờ đợi! Xin góp ý chân thành, kịp khắc phục hệ lụy, lấy lại những gì đã mất, để Bóng đá Việt Nam sau vấp ngã, đủ sức nghênh đón những giải đấu quan trọng nay mai.

 

NS Đức Trung