1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Hội chứng chửi... trọng tài

Việc chỉ trong vòng một tuần, VFF phải ra tay xử kỷ luật đối với 3 HLV cùng do một lỗi nhục mạ trọng tài là sự kiện hy hữu chưa từng xảy ra ở bóng đá VN. Các ông thầy bóng đá bốc đồng nóng giận hay họ đang coi khinh trọng tài?

“Mượn gió bẻ măng”

 

Sau những sự cố xảy ra với 3 HLV Phạm Văn Rạng, Nguyễn Thanh Phong, Bozik Rastislav, nhiều lời chê trách những ông thầy này đã giận quá mất khôn.

 

Thậm chí như trường hợp HLV phó Đá Mỹ Nghệ Sài Gòn (ĐMN.SG) Nguyễn Thanh Phong, ngoài việc chỉ ra rằng phản ứng thái quá đối với trọng tài Lê Quốc Ân ở trận ĐMN.SG - An Giang là không đúng, ông thầy đội bóng TPHCM còn vướng phải một chuyện bi hài: kiện nhầm vì không đọc kỹ... điều lệ giải.

 

Nguyên do là phía ĐMN.SG đòi kiện một tình huống trọng tài Ân phạt thẻ đỏ và cho đội khách hưởng phạt đền, dù quy định của VFF là... cấm kiện ở những tình huống lỗi nhận định.

 

Rõ ràng, trong việc nảy sinh những xì-căng-đan HLV chửi trọng tài tại V-League và giải hạng Nhất 2006 có nguyên nhân chủ quan từ phía các ông thầy: Trì trệ, lười thu nhận kiến thức chuyên môn và thiếu chuyên nghiệp khi hành nghề.

 

Song gạt qua những yếu tố chủ quan của từng cá nhân ấy, nhiều người lại cho rằng việc gây sức ép, chửi rủa trọng tài là một trò mưu mẹo theo kiểu “mượn gió bẻ măng” của các CLB.

 

Sau vụ bê bối tiêu cực trọng tài, các “vua sân cỏ” khi hành nghề đều là mục tiêu soi mói của khán giả, báo chí, nhiều HLV đã cố tình mượn cái sức ép treo lơ lửng trên đầu trọng tài để tạo áp lực, buộc trọng tài thổi những tiếng còi có lợi cho đội bóng của họ.

 

Một CLB tại Hà Nội đã sử dụng cả một thành viên trong khu vực kỹ thuật xướng nhịp cho Hội CĐV: Lúc cay cú, vẫy tay kêu CĐV chửi trọng tài; lúc thuận chiều thì vỗ tay... ủng hộ. Đương nhiên, khi gây sức ép đối với trọng tài, có lúc các thành viên đội bóng đã lỡ lời một cách... quá trớn.

 

Có lỗi của BTC

 

Trong số hơn 80 trọng tài được sử dụng điều khiển các trận đấu ở V-League, giải hạng Nhất 2006, phần đông là các trọng tài trẻ được đôn lên cấp tốc sau vụ bê bối tiêu cực. Chính vì vậy, không ngạc nhiên gì khi tiếng còi của họ còn khô cứng, thiếu nhạy cảm ở những tình huống tế nhị.

 

Việc họ ban phát quá nhiều thẻ phạt cũng có thể hiểu như là một cách để “giải tỏa” tâm lý căng thẳng bao trùm. Thậm chí không loại trừ trọng tài còn non tâm lý đến mức vừa thổi vừa lo hỏi trợ lý bên ngoài xem đã... hết giờ hay chưa (như trọng tài Nguyễn Trọng Thư điều khiển trận Thể Công - Đồng Nai)?!

 

Thế nhưng, việc để xảy ra “hội chứng” HLV... chửi trọng tài như lượt trận vừa qua, không thể không nhắc đến trách nhiệm của BTC giải. Thậm chí, có vẻ như BTC giải đã “tiếp tay” hình thành nên hội chứng này khi không xử lý nghiêm lúc hiện tượng này chỉ mới có dấu hiệu manh nha.

 

Qua 6 lượt trận, mới chỉ có sân Lạch Tray bị phạt như “xoa tay cho xong” (phạt tiền), dù nhiều người trong BTC giải cho rằng các hiện tượng ở sân này là “không thể tưởng tượng nổi”. Ngoài ra, sân Hàng Đẫy, Thiên Trường... đều thoát tội, bất kể các trận đấu ở thường xuyên bị ô nhiễm vì những lời lẽ thiếu văn hóa.

 

Không có những quyết định “tâm phục, khẩu phục”, VFF liệu có thể ngăn chặn hành vi làm ô uế sân cỏ bằng những lời xoa dịu, đề nghị BTC sân, HLV các đội bóng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn khán giả thể hiện văn hóa, văn minh trong khi cổ vũ các trận đấu?

 

Theo Nguyễn Ngọc

Người lao động