Hội chứng bỏ đội tuyển

(Dân trí) - Việc HLV Trần Đức Quỳnh và tay vợt Lý Hoàng Nam bỏ đội tuyển quần vợt ngay trước thềm Davis Cup gây chú ý cho người hâm mộ. Trong vụ bỏ đội tuyển này, người lớn dĩ nhiên có lỗi, nhưng cách từ chối lên tuyển của 2 người này cũng chưa đúng.

Trong mấy năm gần đây, làng banh nỉ nước nhà chưa bao giờ hết chuyện. Còn nhớ ngay trước thềm SEA Games 26 cách nay gần 2 năm, người ta cũng tranh cãi rùm ben chuyện nhân sự của đội tuyển, rồi cũng có HLV và VĐV tự ý bỏ đội vì bất mãn, khiến đích thân Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, kiêm trưởng đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) Lâm Quang Thành phải đứng ra giải quyết.
 
 
HLV Trần Đức Quỳnh và tay vợt Lý Hoàng Nam

HLV Trần Đức Quỳnh và tay vợt Lý Hoàng Nam

 

Chỉ có điều 2 năm sau sự cố đáng buồn ấy, những phức tạp tương tự vẫn tiếp tục nẩy sinh, còn những tranh cãi giữa bộ môn quần vợt thuộc Tổng cục TDTT và Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF) vẫn chưa đi đến hồi kết.

 

Bộ môn trách liên đoàn tự tung tự tác, toàn quyền quyết định mọi vấn đề mà không thông qua bộ môn, trong khi liên đoàn lại không thích cách bộ môn nhúng tay quá sâu vào việc của liên đoàn.

 

Kết quả của sự mâu thuẫn này là 2 cái danh sách tập trung đội tuyển quần vợt nam Việt Nam mà bộ môn và liên đoàn đưa ra chẳng giống nhau. Mới nhất là chuyện VTF mời chuyên gia người Australia Michael Baroch (người được giới thiệu có thời từng huấn luyện cho “búp bê Nga” Mari Sharapova), trong khi chưa có sự thống nhất với bộ môn.

 

Đấy lần phần lỗi của người lớn, trước khi những mâu thuẫn giữa người lớn với nhau ảnh hưởng đến các HLV và VĐV.

 

Không hài lòng với cách làm việc của VTF, HLV Trần Đức Quỳnh xin rút khỏi đội tuyển, với lý do được ông đưa ra là: “VTF đang làm sai trình tự về chuyên môn!”.

 

Người hiểu chuyện thì ngầm biết rằng HLV Trần Đức Quỳnh từ chối lên tuyển do không hài lòng về cách VTF đặt chuyên gia Michael Baroch vào vị trí HLV, dù trước đó nhiều người đinh ninh vị trí này phải thuộc về Trần Đức Quỳnh, nhất là sau thành công của ông cùng Lý Hoàng Nam tại Đại hội thể thao trẻ châu Á 2013.

 

Dám nói thẳng lý do mình không lên tuyển chứng tỏ Trần Đức Quỳnh là người có chính kiến, nhưng rời đội tuyển theo cách như vậy đã đúng chưa thì lại là chuyện khác.

 

Nếu chưa phục chuyên gia Michael Baroch về mặt chuyên môn, HLV Trần Đức Quỳnh có thể đối thoại thẳng với chuyên gia này để tháo gỡ những nút thắt. Nếu chưa hài lòng với cách làm việc của VTF, ông Quỳnh cũng nên đối thoại với liên đoàn, thay vì chọn cách tẩy chay đội tuyển như thế.

 

Tương tự như thế, lý do mà HLV Trần Đức Quỳnh đưa ra để giải thích cho chuyện tay vợt Lý Hoàng Nam (sốt siêu vi) không tập trung cùng đội tuyển theo chúng tôi là không thuyết phục.

 

Việc VĐV bị bệnh hay bị chấn thương không thể tập trung cùng đội tuyển phải do bác sĩ của đội tuyển chẩn đoán, công bố và quyết định, chứ không phải do VĐV tự thông báo, rồi tự rút lui.

 

Làm như vậy khiến dư luận không tránh được sự hồ nghi rằng HLV Trần Đức Quỳnh bất mãn với đội tuyển, nên muốn rút luôn lính ruột của mình ra khỏi đội tuyển.

 

Đội tuyển quốc gia không phải là nơi ai muốn lên thì lên, ai muốn rút thì rút, vì được khoác áo đội tuyển quốc gia (dự một giải đấu chính thức cấp thế giới như Davis Cup) trước tiên chính là nghĩa vụ của mọi HLV, VĐV.

 

Còn nhớ, hơn chục năm trước, người ta đã xử mạnh tay với Lê Huỳnh Đức, khi anh tìm lý do không tham gia đội tuyển bóng đá, dự vòng loại World Cup 1998, dù Huỳnh Đức lúc đó là cầu thủ số 1 Việt Nam. Trước nữa, một số cầu thủ bị cấm lên tuyển vĩnh viễn cũng vì tẩy chay đội.

 

Trong môn quần vợt, dường như các nhà quản lý chưa bao giờ có biện pháp mạnh tay như thế, nhằm tìm biện pháp mang tính răn đe.

 

Và trên nữa, chính những người đang quản lý đội tuyển bao gồm bộ môn và VTF cũng phải đối thoại với nhau, vì sự phát triển chung của quần vợt Việt Nam, thay vì cứ mỗi bên nhìn về một hướng.

 

Lại nhớ câu chuyện liên quan đến bóng đá cách nay hơn cả thập niên. Khi ấy, cũng có tranh cãi lớn giữa những người làm công tác quản lý bóng đá, khiến có cầu thủ phải bất mãn thốt lên: “Các bác cãi nhau chán chưa? Để chúng cháu còn thi đấu nữa ạ!”.

 

Nếu bộ môn và VTF vẫn không thể tự giải quyết được mâu thuẫn, có lẽ đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước là Tổng cục TDTT nên vào cuộc, tìm giải pháp chung cho họ, cũng là chỉ cốt để HLV, VĐV yên tâm mà cống hiến!

 

Kim Điền