HLV Miura và sự nghiệt ngã quanh chiếc ghế “thuyền trưởng” ĐTQG
(Dân trí) - Nghề HLV là nghề cơ bản nhận nhiều chỉ trích và áp lực, đấy là chuyện bình thường trên khắp thế giới. Nhưng thật bất thường, và cũng chẳng ở đâu như bóng đá Việt Nam, có chuyện quan chức điều hành nền bóng đá dùng báo chí gây áp lực với HLV đội tuyển.
Trở lại câu chuyện HLV Lê Huỳnh Đức năm lần bảy lượt từ chối làm HLV đội tuyển quốc gia (ĐTQG), bất chấp những lời hứa về mức lương cao mà VFF từng đưa ra. Hồi đấy, người ta cho rằng ông Đức từ chối vì ông không thật sự thấy sự cầu thị từ những người mời mình.
HLV Lê Huỳnh Đức không yên tâm với cái cách người ta thay vì phải có những hội đồng để thẩm định chất lượng của đội tuyển và của HLV, cũng như phải có những buổi họp chính thức để bàn về lộ trình, buộc HLV trình bày chi tiết lộ trình cũng như phản biện về lộ trình đấy, thì chỉ là những cuộc gọi điện dò ý, và nhất là kiểu dò ý thông qua các phương tiện truyền thông.
Không có những buổi họp chính thức, những buổi thảo luận chính thức, thì làm sao các HLV chắc được rằng mình có được bảo vệ hay không, có được theo đuổi đến cùng lộ trình đấy hay không? – Thành ra, VFF dò ý mãi mà HLV Lê Huỳnh Đức nhất quyết không nhận lời. Và cũng thành ra mới thấy chuyện mời một HLV cho đội tuyển không phải dễ.
Rồi điều HLV Lê Huỳnh Đức từng lo ngại nay lại ứng nghiệm với trường hợp của HLV Miura. Lộ trình của các đội tuyển quốc gia trong triều đại của HLV Miura là gì? Đích đến cuối cùng của thời đại Miura với bóng đá Việt Nam là ở đâu? – Không có câu trả lời, cũng không có tiêu chí đánh giá rõ ràng thế nào là thành công và thế nào thất bại? – Dẫn đến chuyện ai cũng có thể chỉ trích vị HLV trưởng của đội tuyển chỉ sau một hoặc một vài trận đấu.
Ai bảo vệ HLV Miura khi ông thầy người Nhật đối diện với hoàn cảnh sóng gió? – hay người chỉ trích ông mạnh nhất lại là một trong những quan chức cao cấp nhất trong bộ máy điều hành bóng đá nội, nơi lẽ ra phải cùng ông chống chịu áp lực của dư luận khi sóng gió đến, chứ không phải “mượn gió”, muốn “bẻ ghế” của vị HLV người Nhật, càng không phải kiểu chỉ trích theo kiểu “giậu đổ bìm leo”.
Sự nghiệt ngã với HLV Miura hay bất cứ người làm chuyên môn nào đang làm việc trong bóng đá Việt Nam nằm ở chỗ họ quá cô đơn trong công việc của mình. Các ông chủ ít nhìn nhận sai lầm trong khâu định hướng, ít chịu nhìn nhận sai lầm về mặt chiến lược, nhưng lại hay trút lỗi lên dân chuyên môn, đẩy trách nhiệm sang các HLV, vì đấy đơn giản là cách làm dễ nhất và nhanh nhất.
Với trường hợp của đội tuyển và của HLV Miura, sự bất công còn nằm ở chỗ một số người làm như đội tuyển không phải là sản phẩm của VFF vậy, trong khi họ đang nắm vai trò giữ định hướng ở VFF.
Tức về lý thuyết, thay vì ngồi lại để phân tích trách nhiệm với đội tuyển, họ lại nhanh chóng “đá” toàn bộ trách nhiệm sang vai ông HLV trưởng. Thay vì nêu ý kiến chính thức trong cuộc họp thường vụ VFF, rồi phản biện qua lại với nhau, người ta lại nói rằng không muốn đi họp, trước khi nhanh nhẩu thông báo quan điểm trước truyền thông, theo kiểu “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”.
Sự nghiệt ngã với người làm chuyên môn của bóng đá Việt Nam ở chỗ các ông chủ trong bóng đá nội hiếm khi đánh giá đúng tầm quan trọng của dân chuyên môn, trong khi chính các ông chủ cũng quên mất nếu chỉ dựa vào tiền để phát triển một đội bóng, hay rộng hơn nữa là phát triển nền bóng đá, chắc bóng đá Trung Quốc (nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đấy) đã thuộc vào loại siêu cường lâu rồi, chứ không phải chịu cảnh lẹt đẹt như hiện nay.
Các ông chủ cũng chưa bao giờ thử nhìn lại rằng ngoài tiền, và rất nhiều tiền đổ vào bóng đá, nhiều năm qua chúng ta còn mặt nào đáng kể? – Định hướng của bóng đá nội nằm ở đâu? – Chất lượng cầu thủ như thế nào? – Khâu đào tạo ra sao?...
Toàn những vấn đề liên quan đến chuyên môn cả đấy, toàn những điểm yếu chí tử của bóng đá Việt Nam cả đấy! Toàn những vấn đề có thể phản ánh sự tai hại của việc xem nhẹ công tác chuyên môn trong nhiều năm trời đấy!
Trọng Vũ