Hiệu ứng nhạt nhòa của U22 Việt Nam ở vòng loại U23 châu Á

(Dân trí) - Bất chấp sự xuất hiện của đội tuyển U22 Việt Nam tại giải đấu tầm châu Á, sức hút của vòng loại U23 châu Á cho đến giờ vẫn chưa lớn. Nhiều người bất giác nhận ra Công Phượng và các đồng đội bây giờ kém hẳn sức hút so với hồi giải U19 quốc tế đầu năm 2014.

Hồi giải U19 quốc tế đầu năm 2014, cũng trên sân Thống Nhất, Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… khi đó tạo sức hút cực lớn, và chuyện kiếm được cái vé đến sân xem những cầu thủ này thi đấu trở thành đề tài nóng hổi với nhiều người hâm mộ bóng đá.

Giờ, cũng những cầu thủ ấy, về lý thuyết phải trưởng thành hơn sau 3 năm đá bóng chuyên nghiệp, nhưng sự hiện diện của họ không còn là những cơn sốt.

Sức hút của đội tuyển U22 Việt Nam nói riêng và vòng loại U23 châu Á nói chung cho đến thời điểm này không lớn. Đầu tiên có thể nguyên nhân xuất phát từ các đối thủ của U22 Việt Nam tại giải vốn ít được người hâm mộ bóng đá trong nước quan tâm.

Công Phượng và các đồng đội chưa phải là điều kiện đủ để đưa khán giả đến sân (ảnh: Trọng Vũ)
Công Phượng và các đồng đội chưa phải là điều kiện đủ để đưa khán giả đến sân (ảnh: Trọng Vũ)

Đông Timor và Macau (Trung Quốc) vốn chỉ là các đội bóng yếu, họ đến từ những nền bóng đá được xếp vào loại chậm tiến nhất châu Á.

Trong khi đó, Hàn Quốc dù là đội mạnh, nhưng ngay đến U20 Argentina cách nay vài tháng còn chưa tạo nên những cơn sốt vé tại Việt Nam, thì huống hồ gì là U23 Hàn Quốc với nửa đội hình là các cầu thủ U20 (tiết lộ của HLV Chung Jung Yong bên phía đội bóng xứ Hàn).

Vì nói cho cùng tất cả họ cũng chỉ là những đội bóng trẻ, chưa có nhiều ngôi sao để khán giả Việt Nam phải nhớ.

Sức bán vé xem vòng loại U23 châu Á cho đến giờ vẫn chưa lớn (ảnh: Trọng Vũ)
Sức bán vé xem vòng loại U23 châu Á cho đến giờ vẫn chưa lớn (ảnh: Trọng Vũ)

Còn về phía U22 Việt Nam, như đã đề cập, Công Phượng và các đồng đội không còn là những cái tên có thể gây sốt như chính họ cách nay vài năm.

Thất bại trong những chuyến xuất ngoại của Công Phượng, Tuấn Anh, cộng với việc họ không thể hiện được phong độ cao ở giải trong nước khiến cho nhiều người bắt đầu nghi ngờ về năng lực thực của các cầu thủ này, đặc biệt là trường hợp của Công Phượng?

Về mặt tập thể nói chung, thành tích của U22 Việt Nam dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng thời gian qua cũng không thuyết phục, nên càng khiến cho niềm tin của người xem giảm đi, thể hiện qua việc họ dè dặt khi mua vé vào sân xem đội tuyển thi đấu.

Hoá ra, thời HLV Miura lại là thời điểm mà các đội tuyển Việt Nam khi đó thu hút nhiều người đến sân hơn bây giờ. Thời đấy, nhờ HLV Miura gần như vực dậy thành tích của các đội tuyển Việt Nam tại các giải quốc tế, sau chuỗi thời gian dài sa sút, giúp người xem hồ hởi hơn, có niềm tin hơn khi đội tuyển thi đấu.

Vấn đề là hiện tại, HLV Nguyễn Hữu Thắng phải thuyết phục được người xem thông qua thành tích giống người tiền nhiệm Miura, Công Phượng và các đồng đội cũng phải thuyết phục người hâm mộ bằng thành tích.

Bởi, đến thời điểm này, thấy rõ ở chỗ nếu chỉ là cái tên của những nhân vật vừa nêu thôi, nếu chỉ là lối chơi quen thuộc liên quan đến những nhân vật vừa nêu thôi, thì không còn đủ để tạo sức hút cho một đội tuyển, không còn đủ để đưa khán giả đến sân, không đủ để tạo sức hút về mặt hình ảnh cho một giải đấu!

Kim Điền

Hiệu ứng nhạt nhòa của U22 Việt Nam ở vòng loại U23 châu Á - 3

Dòng sự kiện: SEA Games 29

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm