1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Hậu quả của việc thăng hạng ồ ạt!

(Dân trí) - Mới đây, trưởng đoàn bóng đá Huế Đoàn Phùng để ngỏ khả năng Huế có thể bỏ giải hạng Nhất 2014, nếu như không thể chuyển đổi mô hình hoạt động theo đúng tiêu chí của bóng đá chuyên nghiệp, nói nôm na là nếu họ không thể chủ động nguồn kinh phí.

Chuyện có đội bỏ giải hạng Nhất là điều mà nhiều người đã lo ngại khi nghe tin số suất thăng hạng quá nhiều: 5 đội. Bởi, trong 5 suất ấy, không khó để thấy rõ rằng có không ít suất chưa sẵn sàng cho việc đá chuyên nghiệp.

 

Riêng trưởng đoàn bóng đá Huế Đoàn Phùng thì nói thẳng nếu không tìm được chủ trương mới, để chuyển đổi từ một hình của bóng đá bao cấp, sang mô hình của một CLB chuyên nghiệp, khả năng Huế không thể tham dự giải hạng Nhất 2014 không phải là không thể xảy ra.

 

Dù việc chuyển đổi mô hình chỉ là hình thức, vì người ta thừa biết rằng một địa phương muốn hợp thức hóa một CLB bóng đá sang mô hình doanh nghiệp là việc rất dễ, đơn giản chỉ là chuyện của giấy tờ và con dấu. Tuy nhiên, cái chính ở đây nên hiểu là vấn đề liên quan đến tiền. Ngân sách địa phương không thể bao cấp cho CLB bóng đá hoạt động theo mô hình của doanh nghiệp, trong khi tìm nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay không đơn giản.

 

Không riêng gì Huế, 2 tân binh khác của giải hạng Nhất 2014 là CLB TPHCM và Đắk Lắk cũng đang ở trong cảnh tương tự. Các đội này hiện đang được bao cấp, nhưng kinh phí ở giải hạng Nhất vốn gấp 4 – 5 lần kinh phí hoạt động ở giải hạng Nhì sẽ là gánh nặng cho địa phương.

 

Năm ngoái, Trẻ Khánh Hòa và Bà Rịa Vũng Tàu từng bỏ giải hạng Nhất ngay sau khi thăng hạng, cũng chỉ vì thiếu tiền, ấy thế mà những nhà điều hành bóng đá Việt Nam vẫn chưa tỉnh ra, tiếp tục mở rộng suất thăng hạng cho cả những đội chưa sẵn sàng và chưa đủ tiềm lực đá chuyên nghiệp.

 

Mà không riêng gì số suất thăng hạng ở giải hạng Nhất, số suất thăng lên V-League cũng nhiều bất thường. Trong khi người ta còn đang vất vả với việc buộc Đồng Nai phải thực hiện dần dần các tiêu chí của một đội bóng đá ở V-League, thì từ mùa sau, những nhà tổ chức còn đau đầu hơn để gò thêm nhiều tân binh khác vào khuôn khổ.

 

Chẳng hạn như Than Quảng Ninh hiện nay cũng chưa có sân bóng đúng tiêu chuẩn. Sân Cẩm Phả của tân binh V-League này hiện vẫn chưa có dàn đèn, mặt sân thì cực xấu khiến các đối thủ của Than Quảng Ninh cứ phải le lưỡi lắc đầu khi đến đây.

 

Chẳng hạn như HV.An Giang cũng không khá hơn K.Kiên Giang năm nay. Tức là chưa hết lo với chuyện K.Kiên Giang chốc chốc lại làm eo đòi bỏ cuộc, lo cầu thủ đình công không ra sân vì thiếu tiền, người ta có thể sẽ phải lo điều tương tự nơi HV.An Giang, vì nói cho cùng đội bóng này cũng chẳng thuộc loại đủ giàu để đá V-League.

 

Một hậu quả khác của việc tăng suất thăng hạng ồ ạt là những nhà tổ chức tự làm giảm giá trị giải đấu của chính mình, làm giảm khả năng cạnh tranh, giảm khả năng sàng lọc. Giải hạng Nhất mùa rồi chỉ có 8 đội tham dự, nhưng đã có đến 3 suất thăng hạng thì đúng là tính cạnh tranh mất đi không ít.

 

Hay như giải hạng Nhì vừa kết thúc, VCK chỉ có 6 đội dự tranh, mà có đến 5 vé thăng hạng thì tổ chức thêm cái đuôi VCK chỉ tổ làm phình to kinh phí một cách không cần thiết.

 

Nói rộng ra, trong bất kỳ lĩnh vực nào, khi người ta chuộng số lượng hơn chất lượng, chắc chắn sản phẩm mà họ đang sử dụng không phải là sản phẩm tốt. Cứ nhìn sự hỗn loạn của các giải đấu chuyên nghiệp trong nước hiện nay thì khắc thấy.

 

Đấy là một sân chơi mà người tham gia không cần nắm luật, cũng chẳng thèm tôn trọng các thành phần xung quanh, để cứ hễ có chuyện thì cãi nhau loạn cả lên. Đấy còn là sân chơi mà những người điều hành khéo chống, nhưng vụng chèo.

 

Không như thế mới là lạ khi mà các CLB tham gia cuộc chơi có trải qua những đợt sàng lọc đúng quy chuẩn để được chứng nhận là đủ điều kiện đâu! Không như thế mới là lạ một khi BTC giải cứ tiền hậu bất nhất, nay nói một đằng, mai nói một nẻo.

 

Bây giờ thì phải xem lại ai đã tham mưu cho VFF và VPF trong việc tăng suất thăng hạng, tăng số lượng đội tham dự? Vì những gì đang diễn ra cho thấy những nhân vật tham mưu dạng này mưu thì ít, nhưng tham thì nhiều.

 

Không thể có chuyện bóng đá chuyên nghiệp là nơi ai muốn vào cũng được, ai thấy khó thì rút, làm thế khác nào đá phong trào!

 

Trọng Vũ