1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Hàng loạt ngôi sao Indonesia phải đi bán hàng rong, làm bảo vệ

H.Long

(Dân trí) - Do giải VĐQG Indonesia chưa thể diễn ra, cộng thêm việc các CLB cắt giảm tới 75% lương khiến cho nhiều ngôi sao của Indonesia phải kiếm việc làm thêm để duy trì cuộc sống.

Trong bối cảnh nhiều giải VĐQG hàng đầu thế giới đã trở lại thì giải VĐQG Indonesia vẫn không thể diễn ra. Theo dự kiến, giải đấu này có thể phải trì hoãn cho tới đầu năm sau mới khởi tranh bình thường.

Hàng loạt ngôi sao Indonesia phải đi bán hàng rong, làm bảo vệ - 1

Cầu thủ Andri Muliadi phải phụ vợ bán cafe online để kiếm sống

Điều đó khiến cho nhiều CLB ở giải VĐQG Indonesia lâm vào cảnh khó khăn tài chính. Họ đã buộc phải cắt giảm 75% lương của các cầu thủ, HLV cũng như những nhân viên để duy trì sự tồn tại.

Họ đã lên tiếng kêu gọi Liên đoàn bóng đá Indonesia thực hiện các biện pháp để giải VĐQG Indonesia sớm trở lại. Ở các quốc gia láng giềng như Malaysia và Thái Lan, giải VĐQG đã thi đấu, với những quy định phòng ngừa nghiêm ngặt dịch bệnh Covid-19.

Do không thể thi đấu, cộng thêm việc bị các CLB chủ quản cắt giảm quá nhiều lương đã khiến cho cuộc sống của nhiều cầu thủ ở Indonesia lâm vào tình cảnh khốn đốn. Họ buộc phải ra đường kiếm sống bằng những nghề phụ.

Bagus Nirwanto, người đã quen xuất hiện trước đám đông với tư cách đội trưởng của CLB PSS Sleman, là một trong số đó. Để nuôi sống vợ con, anh đã chuyển sang buôn gạo và đường. Đó là tình cảnh không hề mong muốn. Bởi theo chia sẻ của Bagus Nirwanto, việc duy trì thể lực và niềm đam mê chơi bóng trước áp lực của cơm áo gạo tiền là điều không hề đơn giản.

Cầu thủ này cho biết: “Tôi vô cùng thất vọng khi giải VĐQG Indonesia bị hoãn lại. Chúng tôi vô cùng phấn khích và tập luyện để chuẩn bị cho trận đấu đầu tiên sau dịch bệnh nhưng tất cả đã bị trì hoãn quá lâu. Đáng ra giải VĐQG Indonesia nên tổ chức trong những SVĐ không còn khán giả. Giờ đây, tất cả chỉ là mớ hỗn độn”.

Liên đoàn bóng đá Indonesia ban đầu đã bật đèn xanh cho giải đấu trở lại vào tháng 10 nhưng sau đó, họ đã không thể thực hiện.

HLV đội PS Barito Putera, ông Djadjang Nurdjaman đã thừa nhận việc không thi đấu trong thời gian quá dài sẽ gây hại. Ông nói: “Mọi thứ giống như mớ hỗn độn. Kế hoạch ban đầu đã bị hủy. Không có gì chắc chắn. Chúng tôi không biết làm gì trong thời gian chờ đợi. Nó khiến cầu thủ thiệt hại nghiêm trọng”.

Hàng loạt ngôi sao Indonesia phải đi bán hàng rong, làm bảo vệ - 2

Nhiều cầu thủ Indonesia vẫn cố gắng duy trì thể lực, trước gánh nặng cơm áo gạo tiền

Nhiều cầu thủ thi đấu ở giải VĐQG Indonesia được cho là kiếm ít nhất 2.000 USD mỗi tháng nhưng giờ đây, họ buộc phải mưu sinh để kiếm sống. Một số cầu thủ đã tự làm bánh ngọt, đồ giải khát bán ở vỉa hè. Trong khi đó, một số cầu thủ cầu thủ ở bắc Sumatra đã chọn công việc bảo vệ.

Chia sẻ trên AFP, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Indonesia, Mochamad Iriawan cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng hiệu ứng domino sẽ xuất hiện. Việc trì hoãn quá lâu ảnh hưởng tới doanh thu của các CLB, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới tiền lương của các cầu thủ. Nhưng chúng tôi cũng không thể gây sức ép cho các CLB trả đủ lương cho cầu thủ bởi họ cũng quá khó khăn”.

Andri Muliadi, cầu thủ của đội Borneo FC, đã đưa gia đình về quê nhà Sumatra để cắt giảm chi phí. Trong thời gian qua, anh đã phụ giúp vợ bán cafe online. Cầu thủ 27 tuổi này thừa nhận đang hoảng loạn: “Chúng tôi đều hoảng sợ. Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm công việc khác để hỗ trợ gia đình trong thời gian này.

Hậu vệ Supardi Nasir của Persib Bandung chia sẻ: “Đêm nào, tôi cũng phải vắt óc tìm cách kiếm tiền nuôi 4 đứa con. Chơi bóng là kế sinh nhai duy nhất của tôi nhưng giờ tôi đành bất lực”.

Ngoài việc lo ngại nhiều cầu thủ bỏ nghề cầu thủ, HLV Robert Rene Alberts của đội Persib Bandung cũng lo lắng về việc các cầu thủ thiếu cả thể chất lẫn tinh thần sau thời gian dài trở lại.

Đại dịch Covid-19 đang thực sự tạo ra thử thách cho giải VĐQG Indonesia, giải đấu vốn đã bị hoen ố hình ảnh khá nhiều từ những bê bối bán độ và bạo lực.

Phúc lợi cho các cầu thủ chỉ được chú ý sau khi hai cầu thủ nước ngoài thiệt mạng ở giải đấu này. Dù giải đấu đã thu hút được nhiều ngôi sao danh tiếng như Michael Essien hay Didier Zokora nhưng đó chỉ là bề nổi. Phần đông các cầu thủ Indonesia trước đây đều phàn nàn về mối thu nhập khi thua kém quá nhiều so với các ngôi sao nước ngoài.

Giờ đây, tình hình còn trở nên tồi tệ hơn rất nhiều với họ...